Truyền thông phải trở thành bệ phóng vững chắc cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, để nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, các kênh truyền thông cần chú trọng hơn nữa việc kiểm định thông tin...

Phong trào khởi nghiệp vươn mình mạnh mẽ nhờ truyền thông

Theo các chuyên gia, thời gian qua, truyền thông đã góp phần quan trọng vào việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Chính phủ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ.

Truyền thông có thể là phương tiện quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tới công chúng bằng nhiều hình thức, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các kênh truyền hình, phát thanh, báo in, mạng xã hội, báo mạng điện tử… Truyền thông giúp doanh nghiệp xác định được những đối tượng phù hợp để tiếp cận với mức chi phí phù hợp với từng doanh nghiệp.

Các nhà truyền thông sẽ có những thông tin nghiên cứu cập nhật về công chúng, xã hội: sở thích, thị hiếu, mong muốn, nhu cầu, xu hướng… Truyền thông sẽ đưa ra những kiến thức về khởi nghiệp: rủi ro, cơ hội trong kinh doanh, cách xử lý vấn đề, cách tiếp cận/khảo sát thị trường, kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cho các doanh nghiệp khởi nghiệp khác để họ có một hình dung bao quát nhất về lĩnh vực mình sẽ lựa chọn để bắt đầu kinh doanh.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đến thành công. Ảnh minh họa

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đến thành công. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kết nối với nhau nhờ truyền thông. Bằng nhiều hình thức quảng bá, các doanh nghiệp có thể biết tới nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, từ đó tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, mang tới lợi ích cho mỗi doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn gặp khó khăn về tài chính trong thời gian đầu, truyền thông sẽ là một công cụ hữu ích để giúp các nhà khởi nghiệp kêu gọi vốn đầu tư nếu họ có một đường lối kinh doanh tốt, được vạch định rõ ràng.

Có thể tóm tắt các yếu tố mà truyền thông mang lại cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đó là: cung cấp khả năng quảng bá dưới nhiều hình thức; cung cấp khả năng kết nối, hỗ trợ kiến thức làm startup; hỗ trợ động viên tinh thần các startup

Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn gặp khó khăn về tài chính trong thời gian đầu. Thậm chí, có tới 95% doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam thất bại trong 3 năm đầu, có thể còn sớm hơn.

“Với các doanh nghiệp khởi nghiệp thì vấn đề tài chính là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, truyền thông sẽ là một công cụ hữu ích để giúp các nhà khởi nghiệp kêu gọi vốn đầu tư nếu họ có một đường lối kinh doanh tốt, được vạch định rõ rang”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Truyền thông cho khởi nghiệp cần đi theo hướng nào?

Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù thời gian qua truyền thông đã hỗ trợ rất nhiều cho phong trào khởi nghiệp nhưng báo chí chính thống, các cơ quan truyền thông hiện nay đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với mạng xã hội. Báo chí luôn phải kiểm định nguồn tin cực kỳ chặt chẽ kể cả những thông tin quảng cáo. Trong khi đó, nguồn tin trên mạng xã hội thường không được kiểm định nên có nhiều thông tin giật gân, tạo sự chú ý, đôi khi sai sự thật.

Để nâng cao vai trò của truyền thông trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí cần chú trọng hơn nữa trong việc kiểm định thông tin để tránh sai sót.

Đồng thời, tập trung truyền thông kiến thức khởi nghiệp để doanh nghiệp khởi nghiệp nắm được những kiến thức về khởi nghiệp, định giá đúng được giá trị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin chính xác, trung thực cho báo chí và không ngừng phát triển nội tại doanh nghiệp.

Ông Đỗ Quốc Khánh - Trưởng Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Theo Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Xeca Việt Nam Nguyễn Vĩnh Thụy, truyền thông sẽ luôn là một công cụ đầy hiệu quả trong việc quảng bá các điển hình khởi nghiệp, tác động tích cực tới các chủ thể trong xã hội, nếu như truyền thông gắn liền với nội tại sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trái lại, một khoảng cách quá lớn giữa hình ảnh trên truyền thông và thực tại sản phẩm sẽ là con dao 2 lưỡi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đó. Việc lựa chọn đúng kênh truyền thông thích hợp để quảng bá sẽ giúp startup tiếp cận được đúng khách hàng và từng bước xây dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy một kênh truyền thông cực kỳ hữu ích đối với các startup mới, bởi tính chính thống và tính uy tín của nó, chính là truyền hình.

Cũng theo ông Thụy, tác động của truyền thông khi quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp tới người tiêu dùng hay khán giả khá rõ ràng.

“Truyền thông vốn được xem như là công cụ để dẫn người tiêu dùng tới gần doanh nghiệp và sản phẩm hơn. Người tiêu dùng sẽ được biết tới những sản phẩm chất lượng được tạo ra bởi chính người Việt. Họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn hoặc có được lựa chọn tốt hơn trong các hoạt động hàng ngày”, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Xeca Việt Nam chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Anh Tiến, CEO Công ty TNHH Chatbot Việt Nam chia sẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần tới các cơ quan truyền thông để đưa sản phẩm của họ tới công chúng, từ đó thu hút được nhiều nhà đầu tư. Mỗi doanh nghiệp cũng phải mạnh dạn, tự tin vào khả năng của mình khi trình bày về dự án của mình. Điều này sẽ có được khi doanh nghiệp thực sự có những sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Cũng theo ông Lê Anh Tiến, để nâng cao vai trò của các cơ quan truyền thông trong quảng bá các điển hình khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, các kênh truyền thông cần chú trọng hơn nữa việc kiểm định thông tin. Bên cạnh đó, tập trung truyền thông kiến thức khởi nghiệp để doanh nghiệp nắm thêm kiến thức khởi nghiệp, định giá đúng được giá trị doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Anh Tiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần sản phẩm tốt, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng, với giá cả hợp lý, khi đó các sản phẩm của doanh nghiệp của mình sẽ được quảng bá rộng rãi với chiều hướng tích cực.

"Tác động của truyền thông đối với việc quảng bá các doanh nghiệp khởi nghiệp là không thể phủ nhận. Và truyền thông sẽ là đôi cánh giúp cho doanh nghiệp bay nhanh, nhưng để bay cao, bay xa thì giá trị nội tại của mỗi doanh nghiệp chính là điều cốt lõi", ông Lê Anh Tiến nhấn mạnh.

Phong Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/de-truyen-thong-tro-thanh-be-phong-vung-chac-cho-phong-trao-khoi-nghiep-sang-tao-d167294.html