Truyền thông nối liền khoảng cách giới

Truyền thông cần tác động để phụ nữ thoát khỏi vỏ bọc định kiến, tìm kiếm sự giúp đỡ; đồng thời tác động lên nam giới để họ ý thức đầy đủ, nghiêm túc về vấn đề bình đẳng giới...

Đó là thông điệp được đưa ra tại tọa đàm “Giới trong phát triển bền vững” diễn ra chiều nay (23/7) tại Hà Nội. Tọa đàm do Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Viện trợ Ai-len (lrish Aid) đồng tổ chức, nhằm kết nối nhà báo với cộng đồng, cũng như tiếp thu phản hồi của nhà báo về các vấn đề phát triển bền vững.

Phụ nữ có tầm nhìn xa từ nhà xuống bếp?

Theo quan niệm từ xưa, phụ nữ thường có "tầm nhìn xa từ nhà xuống bếp". Muốn có sự thay đổi sâu rộng và bền vững, trước tiên người phụ nữ phải tự thay đổi suy nghĩ của chính mình. Thu hẹp khoảng cách về giới phải bắt đầu bằng sự sẻ chia. Vai trò làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ của người phụ nữ đã và đang tạo ra rào cản lớn cho sự phát triển, đồng thời tạo áp lực cho phụ nữ. Họ vẫn vừa tham gia vào vai trò kinh tế, xã hội vừa cáng đáng mọi việc trong gia đình.

Trả lời cho câu hỏi sự khác nhau giữa bình đẳng giới và nữ quyền, diễn giả Trương Quang Hồng, Chuyên gia về Giới của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho rằng, nữ quyền chỉ nhằm khẳng định và đấu tranh cho quyền của phụ nữ, là phương thức hỗ trợ cho bình đẳng giới. Trong khi đó, bình đẳng giới hướng tới sự công bằng về vị thế, vai trò, lợi ích và cơ hội phát triển giữa các giới.

Ông Hồng cũng cho rằng, bất bình đẳng giới là khoảng cách giữa nam giới và phụ nữ từ tiếng nói, sự tham gia xã hội, chính trị, kinh tế. Bởi thế, cái gốc vẫn là ở phía phụ nữ nên truyền thông cần có sự hỗ trợ tích cực, mạnh để phụ nữ ngang bằng với nam giới hơn.

"Phát triển con người cũng là phát triển bền vững, mục tiêu bình đẳng giới cũng hướng đến bền vững. Thực tế, vẫn có khoảng cách giữa nam và nữ nên làm sao để hướng đến và thúc đẩy bình đẳng là câu hỏi lớn. Quan trọng là làm sao thay đổi được định kiến xã hội giữa nam và nữ về vai trò, giá trị của hai giới, định kiến về công việc, năng lực giữa nam và nữ. Từ đó, tôi nghĩ sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn giữa nam và nữ", ông Trương Quang Hồng nhấn mạnh.

Các diễn giả tại tọa đàm. (Ảnh: PK)

Cùng với đó, vấn đề bạo lực giới, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Ở mỗi gia đình, với các nền văn hóa khác nhau, thể chế xã hội khác nhau thì vấn đề về giới cũng khác nhau. Muốn giảm bạo lực giới để giúp phụ nữ mạnh mẽ, phá vỡ im lặng cần có sự thay đổi từ nhận thức. Không ít người phụ nữ chỉ vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, vì chỉ tiêu văn hóa của gia đình, địa phương nên im lặng cho êm ấm. Làm sao để họ tự thoát khỏi vỏ bọc định kiến, nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình, biết tìm kiếm sự giúp đỡ? Đồng thời, truyền thông cũng cần phải tác động lên nam giới, để họ ý thức được vấn đề bình đẳng giới một cách nghiêm túc.

Hiện nay, trong nhiều phân tích giới, việc tiếp cận thông tin có nhiều rào cản đối với phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn và bà con dân tộc thiểu số. Làm sao để phụ nữ tập trung được với nhau, chia sẻ những mong đợi của mình, tự chèo lái được việc tiếp cận thông tin cho mình mới quan trọng.

Thay đổi về giới phải bắt đầu từ nam giới

Chuyên gia Lê Hồng Giang, Chuyên gia về Giới CARE cũng cho rằng, khi tuyên truyền lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, tại sao chỉ để phụ nữ nói mà không để nam giới được nói? "Khi để nam giới tham gia chia sẻ sẽ góp phần điều chỉnh hành vi. Nói đúng hơn, thay đổi về giới thành công phải bắt đầu từ phía nam giới", bà Giang nói.

Truyền thông có trách nhiệm không nhỏ trong việc hỗ trợ sự phát triển của phụ nữ. Bên cạnh việc cổ vũ những hình ảnh và giá trị truyền thống của người phụ nữ, báo chí cần phải đưa ra những thông điệp phù hợp. Hiện nay, có nhiều quan niệm sai lầm khi đề cao vị thế và khuôn mẫu của người phụ nữ phải hy sinh chứ không phải đàn ông. Khi còn mang nặng tư tưởng ấy, chắc chắn bình đẳng giới còn ở rất xa.

Đưa ra khái niệm “gương soi” và “cửa sổ’, diễn giả Trương Quang Hồng cho rằng, nếu phản ánh thực tế để mọi người cùng nhìn vào cái gương đó là phản ánh thật. Nhưng tại sao chúng ta không nhìn qua cửa sổ ở bên kia với cách tiếp cận mới, thay đổi linh hoạt hơn?

“Nếu chúng ta quan niệm kiểu gương soi nghĩa là gương hy sinh của một bà mẹ. Nếu mang hình ảnh đó làm gương soi cho mọi người, coi đó là tiêu chuẩn của phụ nữ thì chắc chắn mọi trách nhiệm sẽ chỉ đổ dồn lên họ. Làm sao để hướng phụ nữ và đàn ông không còn bất bình đẳng nên báo chí cần có những góc nhìn và cách tiếp cận mới”, chuyên gia Trương Quang Hồng cho hay.

Đưa ra mô hình về tiến trình hướng đến sự bình đẳng giới, diễn giả Trương Quang Hồng cho rằng, cần qua ba công đoạn: mù giới - nhạy cảm - bình đẳng giới.

Người phụ nữ phải thay đổi suy nghĩ của mình về bình đẳng giới. (Báo Dân sinh)

Mù giới có hai loại. Thứ nhất là không biết gì về bình đẳng giới, định kiện giới nhưng tôn trọng tất cả mọi người. Loại thứ hai không biết về bình đẳng giới nhưng lại có những quan điểm hằn thêm những định kiến về giới, vô tình làm lan tỏa những định kiến đó tới tất cả mọi người.

Nhạy cảm là nhận biết bất bình đẳng giới trong gia đình đang diễn ra như thế nào, có những hoạt động gì để thay đổi, hướng đến nam giới và phụ nữ ngang bằng nhau. Chỉ khi làm được như thế mới giúp gắn kết giữa phụ nữ và nam giới, thúc đẩy bình đẳng giới.

Chuyên gia Trương Quang Hồng cũng đưa ra khung các can thiệp về bình đẳng giới, bao gồm: chủ thể/ cá nhân - mối quan hệ - cấu trúc. Lý giải, ông Hồng cho rằng, cần có sự nỗ lực của các cá nhân về nhận thức, kỹ năng, năng lực của họ, từ đó có sự thay đổi để ngang bằng giữa hai giới. Đồng thời, trong mối quan hệ, cần phải có nỗ lực can thiệp để cân bằng cho phụ nữ với các thành tố khác trong xã hội (như với chồng, con, với gia đình mình, gia đình chồng, với thiết chế). Qua đó, giúp họ mạnh mẽ hơn, có thể thay đổi được suy nghĩ và quan niệm của mình. Cuối cùng, về cấu trúc liên quan đến chính sách, hướng đến bình đẳng giới, các nỗ lực thay đổi định kiến về phụ nữ và nam giới.

“Có thể nói, khung can thiệp về bình đẳng giới phải kết hợp cả ba yếu tố thì mới mong thay đổi được quan niệm, định kiến của xã hội đối với phụ nữ, mới mong hướng đến bình đẳng giới một cách bền vững”, diễn giả Trương Quang Hồng khẳng định.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/truyen-thong-noi-lien-khoang-cach-gioi-74803.html