Truyền thông Nga nói tên lửa phòng không Iris-T Đức chuyển cho Ukraine đạt hiệu suất 0%

Truyền thông Nga vừa cho biết, mặc dù hệ thống phòng không Iris-T Đức chuyển cho Ukraine đã được đặt trong tình trạng trực chiến, tuy nhiên chúng lại không thể bắn hạ được một mục tiêu nào.

Trang Avia của Nga cho biết, Ukraine đã đặt hệ thống phòng không tầm trung Iris-T của Đức vừa chuyển giao vào trực chiến tại khu vực miền nam Ukraine, song chúng đã không bắn hạ được mục tiêu nào, mặc dù hướng tập kích của Nga đều được thực hiện nhằm vào vùng Odessa và Nikolaev.

Trang Avia của Nga cho biết, Ukraine đã đặt hệ thống phòng không tầm trung Iris-T của Đức vừa chuyển giao vào trực chiến tại khu vực miền nam Ukraine, song chúng đã không bắn hạ được mục tiêu nào, mặc dù hướng tập kích của Nga đều được thực hiện nhằm vào vùng Odessa và Nikolaev.

Truyền thông Nga cho biết thêm rằng, hiện tại tổ hợp tên lửa phòng không Iris-T đang được triển khai ở khu vực Odessa, và chúng không thực hiện được đòn đánh chặn thành công nào.

Trang Avia nhận định rằng thì hệ thống phòng không Iris-T của Đức hóa ra lại "cực kỳ tầm thường".

Hiện phía Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin truyền thông Nga đăng tải.

Dù vậy các chuyên gia phân tích cho rằng, nhận định hiệu suất của hệ thống tên lửa phòng không Iris-T chỉ sau một ngày sẽ khó đưa ra được sự khách quan.

Mặt khác Ukraine mới chỉ vừa nhận tổ hợp này, họ cần có thời gian để làm quen.

Sau cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine, các quốc gia NATO đã xúc tiến viện trợ vũ khí phòng thủ cho Kiev, trong đó bao gồm hệ thống phòng không tiên tiến IRIS-T.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ quốc phòng cần thiết, bao gồm các hệ thống phòng không hiện đại. Trong khi đó tổ hợp IRIS-T SLM đầu tiên đã được Đức bàn giao cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, ba hệ thống còn lại sẽ được Đức cung cấp từ đầu năm sau.

"Cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Kiev và nhiều thành phố cho thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine", bà Lambrecht nói.

"Những cuộc tấn công của Nga là lý do chúng tôi viện trợ những hệ thống phòng không cho Ukraine", bà Lambrecht nhấn mạnh.

Phía Nga liên tục lên án Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine, Moscow cho rằng điều này chỉ khiến cho tình hình thêm tồi tệ.

Hệ thống phòng không IRIS-T được Đức và Thụy Điển hợp tác phát triển trên nền tảng các tiêu chuẩn mới với kiến trúc mở, tạo sự linh hoạt tối đa trong quá trình nâng cấp.

Tổ hợp vũ khí này cho phép kết hợp các yếu tố bao gồm cảm biến, radar, hệ thống điều khiển chiến đấu, thông tin liên lạc... từ các nhà sản xuất khác nhau vào một nền tảng duy nhất

Điểm độc đáo của hệ thống phòng không này đó là nó sử dụng tên lửa không đối không IRIS-T có thể tấn công các mục tiêu trên không trong phạm vi 25 km.

Đạn tên lửa IRIS-T có thông số kỹ thuật cơ bản bao gồm: trọng lượng 87,4 kg; chiều dài 2,93 m; đường kính thân 127 mm; sải cánh 447 mm; lắp đầu nổ phá mảnh uy lực cao.

Đầu dò hồng ngoại của tên lửa IRIS-T có độ nhạy cao và chống lại được các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương.

Kết cấu thân cùng động cơ mạnh mẽ trang bị hệ thống kiểm soát vector lực đẩy giúp chúng có khả năng truy sát mục tiêu cực tốt.

Đặc tính ưu việt khác của tên lửa IRIS-T đó là nó có khả năng bao quát phạm vi lên đến 360 độ, điều này đặc biệt lợi thế trong việc truy đuổi mục tiêu.

Tên lửa IRIS-T có hai chế độ bắn: khóa trước khi phóng (LOBL) và khóa sau khi phóng (LOAL), cho phép tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh.

Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T đặt trên khung xe kéo moóc BV 410 đem lại sự cơ động cao.

Nhà sản xuất cho biết, tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T ra đời để bảo vệ các đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng khỏi tên lửa hành trình, máy bay cánh cố định cũng như trực thăng tấn công của đối phương.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/truyen-thong-nga-noi-ten-lua-phong-khong-iris-t-duc-chuyen-cho-ukraine-dat-hieu-suat-0-post520203.antd