Truyền thông nay đã khác

Ngày xưa chưa xa lắm, nhiều người có thói quen sáng sớm mở một hai tờ báo yêu thích của mình và đọc từ đầu đến cuối, không bỏ sót tin nào. Chính tờ báo định hình dòng chảy thời sự và dư luận thường bàn tán dựa trên dòng chảy thời sự đó.

Nay người ta đang chuyển dần từ đọc báo giấy sang đọc ấn bản điện tử của báo giấy nhưng thói quen đọc từ trang chủ đọc vào các trang trong là không có. Trừ những người làm báo, ít ai lần lượt vào trang chủ của vài ba tờ báo rồi nhẩn nha đọc như thời báo giấy nữa. Họ đọc theo vấn đề thời sự nổi lên và họ đọc theo giới thiệu của bạn bè, của mạng xã hội.

Như vậy trọng tâm của truyền thông không phải là tờ báo nữa; trọng tâm của truyền thông là nội dung và cách thức phát hành nội dung đó để đạt được sự lan tỏa tốt nhất.

Lấy ví dụ các vụ việc đáng tiếc gần đây ở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) như soạn một dự thảo trong đó có nội dung sinh viên hoạt động mại dâm bốn lần thì bị đuổi học, những phát ngôn bất nhất về sách giáo khoa, cách xử lý chuyện gian lận điểm thi... Ngày xưa khi chỉ có báo giấy với dung lượng đăng tải hàng ngày có hạn, bộ có thể “làm truyền thông” bằng cách khoanh vùng thông tin, trả lời phỏng vấn, “nói lại cho rõ” nên sự việc có thể bị chìm lấp thành một tin nhỏ ở trang trong.

Trong khi đó, bộ có trong tay vài ba tờ báo có thể tô đậm chuyện “kiên quyết sửa sai”, nhấn mạnh “lỗi cập nhật”, thậm chí làm phóng sự về con đường dẫn tới sai sót của cấp soạn thảo nên có thể khỏa lấp mọi chuyện.

Nay câu chuyện không còn khoanh vùng ở báo này hay báo khác. Câu chuyện trở thành một chủ đề thời sự và các báo phải chạy theo chủ đề này dưới sức ép của bạn đọc. Cho dù ngày hôm đó có nhiều tin quan trọng hơn nhưng khái niệm tin chính, tin phụ không còn như xưa; bài nhỏ xíu vẫn có thể được dẫn đường link nằm ngay trên trang Facebook của nhiều người.

Việc Bộ GD&ĐT có một hay nhiều tờ báo không còn là vấn đề quan trọng nữa. Có lẽ bộ không có tờ báo nào trong tay là chọn lựa tốt hơn vì kinh phí dành cho tờ báo có thể chuyển sang làm công tác truyền thông sẽ có hiệu quả hơn. Ngược lại, nếu Bộ GD&ĐT có một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, phát hiện vấn đề nhanh chóng và có những tư vấn kịp thời, thiết nghĩ hình ảnh truyền thông của bộ sẽ khá hơn nhiều. Tư vấn đó không phải là chuyện đánh bóng tên tuổi, vận động để các báo đừng nói tiêu cực hay ngăn cấm thầy cô giáo, học sinh sinh viên lên mạng nói chuyện “linh tinh”. Tư vấn đó là xác nhận trách nhiệm, tìm đúng nguyên nhân sai sót, trình bày câu chuyện sai sót một cách chân thật và cặn kẽ, kèm theo là các biện pháp khắc phục cũng như xác lập cơ chế rà soát ngăn ngừa các sự vụ tương tự trong tương lai.

Nhìn rộng ra, thiết nghĩ nên chuyển từ tư duy mỗi bộ có bao nhiêu tờ báo, mỗi tỉnh có bao nhiêu đài phát thanh, truyền hình sang tư duy làm gì để truyền thông công tác nhà nước ở mọi cấp, mọi địa bàn hiệu quả nhất. Một tỉnh sau khi yên chí mình có một tờ báo rồi ắt sẽ không còn quan tâm đến công tác truyền thông nữa trong khi truyền thông là một khía cạnh quan trọng để người dân nắm được hoạt động của Nhà nước.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281288/truyen-thong-nay-da-khac-.html