Truyền thông giúp khoa học và công nghệ phát triển nhanh và toàn diện

Kinh nghiệm mà đoàn công tác của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ (STC) cùng đại diện một số cơ quan báo chí vừa khảo sát tại Australia cho thấy sự coi trọng truyền thông là hoạt động không thể thiếu trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia.

Đoàn công tác khảo sát mô hình, tổ chức Bảo tàng khoa học tại thành phố Sydney.

Chuyến khảo sát nhằm mục đích tìm hiểu thông tin về KH&CN cũng như công tác tổ chức hoạt động truyền thông trong lĩnh vực KH&CN; công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới về truyền thông đa phương tiện; các phương thức phổ biến, nâng cao hiểu biết của người dân về lĩnh vực KH&CN… Đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài trong lĩnh vực truyền thông KH&CN, nhất là với một số cơ quan liên quan của Australia.

Giám đốc STC, Trần Quang Tuấn, trưởng đoàn công tác cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong sáu giải pháp chủ yếu để phát triển KH&CN.

Truyền thông có vai trò giới thiệu các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển KH&CN; thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KH&CN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế- xã hội… Vì vậy, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KH&CN được đặt ra rất bức thiết. Trong đó, đối tượng truyền thông khoa học hướng đến bao gồm từ lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, nhà quản lý về KH&CN, đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Đại diện một số cơ quan nơi đoàn đến làm việc đều cho biết, để trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới chỉ với khoảng 25 triệu dân, Chính phủ Australia luôn đặt KH&CN là nền tảng, trong đó truyền thông KH&CN là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN. Từ Thủ tướng Chính phủ đến người đứng đầu các cơ quan quản lý, tổ chức KH&CN, cơ quan truyền thông đại chúng, doanh nghiệp... đều ủng hộ công tác truyền thông KH&CN.

Từ cách đây khoảng 30 năm, Australia đã đầu tư cho các chương trình quốc gia về truyền thông KH&CN như Chương trình nâng cao nhận thức về KH&CN, Chiến lược quốc gia nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo, Chương trình kết nối khoa học - SCOPE... Sau mỗi giai đoạn thực hiện các chương trình, hoạt động đánh giá, rút kinh nghiệm luôn được chú trọng để xây dựng những chương trình mới phù hợp với bối cảnh, yêu cầu và tính hiệu quả cao hơn.

Đáng chú ý, đầu năm 2010, Australia đưa ra sáng kiến “Inspiring Australia” nhằm khắc phục điểm yếu của các chương trình trước đó, đó là: các hoạt động truyền thông KH&CN vẫn còn dàn trải, chiến lược chưa rõ ràng và chưa được điều phối bảo đảm các bên tham gia có cùng định hướng. Do đó tính khơi dậy cộng đồng chưa cao và chưa bao phủ hết các cộng đồng xã hội trên toàn đất nước.

Theo đánh giá, đây là Chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN hoàn hảo, nổi bật nhất, với mục tiêu xuyên suốt là tăng cường hoạt động truyền thông KH&CN tới mọi người dân trên khắp đất nước nhằm khơi dậy tinh thần, cảm hứng khoa học và sáng tạo của người dân, hướng đến hình thành một xã hội đổi mới sáng tạo với niềm tin và hiểu biết về KH&CN.

Mặt khác, các cơ quan quản lý, các tổ chức KH&CN của Australia cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng để thông tin KH&CN được chia sẻ và chuyển tải nhanh nhất, không qua các cầu nối hoặc khâu trung gian.

Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông KH&CN, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới luôn được các các viện nghiên cứu, trường đại học... dành sự quan tâm đặc biệt. Các đơn vị này đều có bộ phận PR hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để kịp thời quảng bá các sản phẩm nghiên cứu. Các nhà khoa học của họ luôn có ý thức tự truyền thông thành quả nghiên cứu của mình và coi đấy là trách nhiệm đối với nhân dân.

Đặc biệt, các cơ quan truyền thông đại chúng luôn chú trọng thúc đẩy truyền thông KH&CN trên tất cả các kênh: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, tăng cường mạng lưới các websites về thông tin KH&CN. Các Đài phát thanh, truyền hình trung ương đều có các kênh khoa học hấp dẫn phát sóng liên tục 24 giờ mỗi ngày…

Nhằm đẩy mạnh truyền thông khoa học và công nghệ, Chính phủ Australia đã xây dựng các trung tâm truyền thông để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông, chủ động kết nối với giới truyền thông. Trong đó cơ quan đầu mối là Questacon (Trung tâm KH&CN quốc gia) có vai trò dẫn đầu và góp phần vào phát triển chính sách trong hoạt động truyền thông khoa học. Questacon chịu trách nhiệm chủ trì soạn thảo và quản lý các chương trình/chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN từ trước đến nay, trong đó có các hoạt động lớn như Tuần lễ Khoa học Quốc gia, Giải thưởng Khoa học của Thủ tướng và chương trình tài trợ hoạt động truyền thông khoa học. Questacon cũng dẫn đầu về các hoạt động tư vấn về truyền thông khoa học.

Với vai trò là đầu tàu trong các chương trình quốc gia về truyền thông khoa học, Tuần lễ Khoa học Quốc gia đã liên tục phát triển và đổi mới. Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tạo cơ hội cho các phương tiện đại chúng đưa ra các bài viết và trao đổi về tầm quan trọng của khoa học và các vấn đề liên quan tới khoa học. Trong suốt hơn 20 năm, các sự kiện có tính đổi mới sáng tạo trong Tuần lễ Khoa học quốc gia đã tiếp tục có các tác động lâu dài trên cả nước; tạo ra kênh tương tác để nâng cao sự quan tâm và gắn kết những người trước đây không hề quan tâm tới các hoạt động này.

Gánh xiếc khoa học (Science Circus) lưu động là nét đặc trưng, riêng biệt nhất của truyền thông KH&CN Australia so với các nước khác trên thế giới. Đây là chương trình trải nghiệm khoa học mở rộng của Questacon nhằm phục vụ tới mọi cộng đồng trong xã hội. Ngoài việc khơi dậy mối quan tâm và niềm đam mê KH&CN ở người dân, mô hình gánh xiếc khoa học đã đưa đến nhiều đổi mới sáng tạo trong việc thiết kế các đồ trưng bày siêu gọn nhẹ, các tiết mục trình diễn khoa học thường xuyên được thay đổi nên không bị nhàm chán… Ngày nay gánh xiếc khoa học không chỉ dừng lại ở các địa phương trong nước mà đã có mặt ở các nước: New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam…

Ngoài việc chia sẻ các thông tin trên, các cơ quan đối tác còn đưa ra nhiều gợi ý hữu ích với đoàn để đẩy mạnh hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ tại Việt Nam và đều khẳng định sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các nội dung như: đào tạo nhân lực truyền thông khoa học và công nghệ thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Australia hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước; hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ truyền thông khoa học và công nghệ ; phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế về lĩnh vực khoa học và công nghệ; đề xuất hỗ trợ nghiên cứu đề án phát triển truyền thông khoa học và công nghệ quốc gia, đề án tổ chức Tuần lễ khoa học và công nghệ quốc gia; Xây dựng Bảo khoa học…

Ông Trần Quang Tuấn, nhấn mạnh: Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy cách làm và hiệu quả mà nước bạn Australia đã, đang triển khai sẽ thực sự hữu ích trong việc giúp Việt Nam xây một chiến lược truyền thông KH&CN hiệu quả.

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/37974602-truyen-thong-giup-khoa-hoc-va-cong-nghe-phat-trien-nhanh-va-toan-dien.html