Truyền thống đoàn kết lương - giáo ở Thanh Oai

Nhiều năm qua, dịp Giáng sinh đã trở thành ngày hội đoàn kết của nhân dân huyện Thanh Oai. Phát huy truyền thống đoàn kết lương - giáo, tạo sức mạnh tổng hợp, Thanh Oai phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành huyện nông thôn mới.

 Đồng bào Công giáo huyện Thanh Oai trang trí nhà thờ chuẩn bị đón mừng Giáng sinh.

Đồng bào Công giáo huyện Thanh Oai trang trí nhà thờ chuẩn bị đón mừng Giáng sinh.

Giáng sinh - ngày hội đoàn kết

Những ngày này về huyện Thanh Oai, không khí Giáng sinh đã rộn ràng khắp các nẻo đường dẫn đến nhà thờ - nơi sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào công giáo. Nhiều giáo dân dành thời gian để trang trí nhà cửa, nhà thờ, đường làng, ngõ xóm... chuẩn bị đón lễ Giáng sinh.

Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa Phạm Đình Anh cho biết, xã có 2/6 thôn là đồng bào công giáo với tổng số hơn 300 hộ dân, tương ứng 1.200 nhân khẩu, chiếm gần 10% dân số toàn xã. Nhiều năm nay, Giáng sinh trở thành ngày hội đoàn kết, thân ái của tất cả mọi người trong vùng. Phục vụ nhân dân đón Giáng sinh an lành, Công an xã Dân Hòa đã chủ động phối hợp với Giáo xứ Canh Hoạch xây dựng và triển khai kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông…

Chia sẻ với chúng tôi, trùm họ Antôn Phan Xuân Hằng, Giáo họ Tây Sơn, Giáo xứ Phương Trung cho biết: “Trong niềm vui mừng Chúa cứu thế Giáng sinh, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện cho đất nước luôn an thịnh; mọi người, mọi nhà đều an lành. Noi gương Đức Chúa, chúng tôi nguyện dấn thân phục vụ bằng những việc làm thiết thực xây dựng quê hương, giáo xứ, giáo họ giàu đẹp, văn minh”...

Nhân dịp Giáng sinh, nhiều đoàn công tác của huyện Thanh Oai đã đến chúc mừng các linh mục, chức sắc và giáo dân trên địa bàn; thăm hỏi một số gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm động viên, hỗ trợ người dân vui đón Giáng sinh an lành...

Chung sức xây dựng quê hương

Hiện nay, huyện Thanh Oai có 17/21 xã, thị trấn có đồng bào công giáo sinh sống với 16.030 giáo dân, sinh hoạt tôn giáo tại 32 giáo họ trực thuộc 7 giáo xứ: Từ Châu, Trình Xá, Phương Trung, Canh Hoạch, Cao Bộ, Thạch Bích và Đàn Giản. Phần lớn đồng bào công giáo huyện Thanh Oai có nghề chính là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ…

Giáo dân Bùi Văn Quý, Trưởng thôn Trung Hòa, xã Dân Hòa cho biết: Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, đời sống của nhân dân ngày càng phát triển. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo dân thôn Trung Hòa đã huy động gần 5 tỷ đồng và hàng trăm ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, nhà mục vụ, nhà trẻ mẫu giáo, cứng hóa toàn bộ đường làng, ngõ xóm… Người dân trong thôn không phân biệt lương - giáo “tối lửa tắt đèn có nhau”, hàng xóm láng giềng thân tình giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt, thôn Trung Hòa nhiều năm liền không xảy ra vụ việc khiếu kiện vượt cấp, không có ai vi phạm pháp luật, không có người mắc nghiện ma túy…

Về đóng góp của giáo dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung Lê Xuân Thanh cho biết: “Mặc dù cuộc sống chưa thật sự khá giả nhưng giáo dân trên địa bàn xã luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc góp tiền, góp công, góp đất để cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm... Hiện nay, thôn Tây Sơn (nơi sinh sống tập trung của đồng bào công giáo) đã bê tông hóa 2.350m đường ngõ, xóm; 32 hộ dân đã hiến 126m2 đất ở để mở rộng mặt cắt đường thôn từ 1,5m lên 3,5m. Điển hình phong trào hiến đất làm đường ở thôn Tây Sơn là các hộ: Phan Xuân Hằng, Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Tiến Khiết, Nguyễn Thị Diệp, Phạm Thị Hải...

Thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, các giáo xứ ở Thanh Oai còn thường xuyên động viên giáo dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; răn dạy con em tránh xa các tệ nạn xã hội. Các giáo xứ còn tích cực vận động giáo dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, nhiều giáo xứ trên địa bàn huyện đã tuyên truyền để giáo dân đưa thi hài người thân đi hỏa táng.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Sống tốt đời đẹp đạo”, 97,9% hộ gia đình công giáo đã đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa năm 2018, Gia đình công giáo gương mẫu, ông bà mẫu mực, con cháu chăm ngoan để đạt “Xứ họ đạo tiên tiến”. Phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”, các giáo xứ của huyện Thanh Oai còn vận động giáo dân đóng góp, ủng hộ 128 triệu đồng làm quỹ khuyến học; 85 triệu đồng làm quỹ thăm hỏi, hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào bị thiệt hại do thiên tai…

Đánh giá cao sự đóng góp của đồng bào công giáo trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Nguyễn Văn Bổng mong muốn các linh mục, chức sắc công giáo tiếp tục động viên giáo dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tích cực phát triển kinh tế, chung sức với nhân dân đưa Thanh Oai sớm đạt huyện nông thôn mới…

Bài, ảnh: Kim Nhuệ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/922355/truyen-thong-doan-ket-luong---giao-o-thanh-oai