Truyền thông dân số Nghệ An hướng đến từng đối tượng, từng địa bàn

Đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau là cách làm hiệu quả trong công tác truyền thông dân số. Riêng trong tháng 10 này, chương trình tập trung vào các đối tượng phụ nữ, trẻ em gái với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa.

Thông điệp về bình đẳng giới

"Là con gái thì sao" là câu hỏi được em Viết Trung (lớp 8A1) và em Bảo Ngọc (lớp 6A1) - Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu) đặt ra trong bài thuyết trình vẽ tranh của mình tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái.

Để đưa ra quan điểm của mình, cả hai cũng đã vẽ một bức tranh khá sống động về hình ảnh của một người phụ nữ làm công nhân đang xây dựng trên công trường.

Học sinh trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu) tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái. Ảnh: MH

Học sinh trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu) tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái. Ảnh: MH

Bức ảnh cũng đã thay lời mà các em muốn nói: Phụ nữ không phải "chân yếu tay mềm" mà vẫn làm những việc mà đàn ông có thể làm được.

Đừng bao giờ có sự phân biệt và đối xử thiếu công bằng với trẻ em gái. Hơn thế, là người lớn xin hãy bảo vệ, trao yêu thương và cơ hội để tất cả trẻ em gái đều được phát triển một cách toàn diện, trưởng thành...

Ngày Quốc tế trẻ em gái là hoạt động thường niên đã được tổ chức nhiều năm nay. Tuy nhiên, năm 2020, chương trình lần đầu tiên được tổ chức tại một trường học với sự tham gia của đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ban tổ chức chương trình cũng đã chọn huyện Quỳ Châu để triển khai hoạt động ý nghĩa và thiết thực này, bởi Quỳ Châu là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, nơi đây vẫn còn những hủ tục lạc hậu và tình trạng trẻ em gái phải nghỉ học để lấy chồng sớm, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn đang còn diễn ra.

Với tinh thần trên, đến với chương trình ngoài được tham gia các trò chơi, giao lưu và chia sẻ những vấn đề xung quanh việc chăm sóc SKSS, chương trình còn là một diễn đàn để các em học sinh được nói lên những suy nghĩ của mình về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em gái. Qua những bài vẽ tranh, thuyết trình của học sinh, các thầy giáo, cô giáo và những người đang làm công tác chăm sóc trẻ em cũng từng bước tiếp cận được suy nghĩ và nhận thức của học sinh hiện nay.

Việc đổi mới những chương trình truyền thông đem đến sự hào hứng cho học sinh. Ảnh: MH

Cô giáo Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết cho biết: “Trường chúng tôi nằm ở vùng trung tâm của huyện, nhưng tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số vẫn khá đông. Thực tế, trong những năm qua, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng trẻ em gái phải nghỉ học sớm để lấy chồng vẫn xảy ra. Vì thế, với chương trình này, tôi nghĩ thực sự ý nghĩa và là một kênh truyền thông bổ ích để các em hiểu được giá trị của trẻ em gái và động viên, khuyến khích các em nỗ lực vươn lên để vượt qua hoàn cảnh, học tốt và sau này trở thành những người có ích cho xã hội”.

Cũng với mục đích tương tự, năm nay, Hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức đã chọn huyện Kỳ Sơn làm điểm đến. Đây cũng là một trong những "điểm nóng" của tỉnh Nghệ An trong năm qua về tình trạng học sinh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm.

Cuộc thi Rung chuông vàng được tổ chức tại Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: MH

Đến với cuộc thi năm nay, học sinh của Trường THPT Kỳ Sơn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện được tham dự một sân chơi sôi nổi nhưng cũng thật sự ý nghĩa và bổ ích. Đặc biệt, trải qua 30 câu hỏi của cuộc thi, học sinh đã được trang bị những kiến thức cần thiết để nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và để các em thể hiện tài năng, trí tuệ và bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Được tham dự cuộc thi “Rung chuông vàng” đã giúp em biết thêm nhiều kiến thức ý nghĩa. Em cũng tin rằng, rất nhiều học sinh của trường em cũng đã rút ra được nhiều điều bổ ích sau cuộc thi này và từng bước làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ của các bạn về vấn đề bảo vệ bản thân, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên”.

Em Hà Thu Dịu - học sinh lớp 10 A1, Trường THPT Kỳ Sơn - giải Nhất cuộc thi

Mở rộng đối tượng tuyên truyền

Từ cuối tháng 9 đến nay, rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị để đồng tổ chức. Trong đó, một trong những hoạt động sôi nổi nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em là hội thi “Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới”.

Đây cũng là lần đầu tiên Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cùng đồng hành với Hội LHPN tỉnh triển khai cuộc thi này. Qua 3 hội thi được tổ chức thí điểm tại các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và Đô Lương, điều đọng lại lớn nhất chính là sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền địa phương và chị em ở cơ sở. Tham dự chương trình này, các chi hội phụ nữ cũng có cơ hội để thể hiện khả năng hiểu biết, kiến thức, năng khiếu và đặc biệt là được giao lưu, học hỏi và chia sẻ với các đơn vị bạn.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân huyện Quỳ Hợp. Ảnh: MH

Để chương trình được tổ chức mới mẻ, phong phú, các đơn vị đã xây dựng kịch bản khá chi tiết, công phu vừa tuyên truyền được chính sách dân số nhưng cũng vừa lồng ghép nhiều nội dung về phong trào phụ nữ như Chương trình "5 không 3 sạch", xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng.

“Phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các phong trào ở cơ sở. Vì thế, việc phối hợp triển khai các chương trình sẽ đem đến lợi ích "kép" để vừa thu hút đông đảo hội viên tham gia và triển khai các hoạt động truyền thông một cách phong phú và sôi nổi hơn”.

Bà Phan Thị Thanh Tâm - Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội LHPN tỉnh

Không chỉ cấp tỉnh, ở cấp cơ sở, trong thời gian qua, việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền dân số cũng được triển khai linh hoạt với nhiều đối tượng khác nhau.

Tại huyện Quỳ Hợp, Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển xã Châu Quang đã phối hợp với các ban, ngành trong xã tổ chức Hội thi "Chung tay xây dựng nông thôn mới'. Xuyên suốt hội thi là các chủ trương, chính sách về công tác dân số, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...

Qua đó, động viên khuyến khích các gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hóa, phát triển kinh tế và cùng chung tay với các ban, ngành, địa phương xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hay để hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái, Trạm Y tế xã Bắc Sơn đã phối hợp với Đoàn Thanh niên và Công an xã triển khai chương trình giao lưu truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục, phòng, chống đuối nước và phòng, chống bạo lực học đường.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp cũng khẳng định: “Việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông về dân số đã đem đến nhiều hiệu quả thiết thực. Điều đó cũng đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các ban, ngành đối với công tác Dân số - KHHGĐ”.

Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu với cuộc thi Phụ nữ với công tác dân số trong tình hình mới. Ảnh: MH

“Công tác truyền thông dân số là một nhiệm vụ khó khăn và phải kiên trì để "mưa dầm thấm lâu". Vì thế, ngoài việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" thì chúng tôi sẽ đa dạng hóa các loại hình truyền thông như tổ chức các cuộc thi, triển khai các hoạt động sân khấu hóa hoặc tăng cường phối hợp với các ban, ngành. Chúng tôi cũng tin tưởng bằng sự cố gắng này sẽ góp phần làm chuyển biến nhận thức của nhân dân và nâng cao hành động vì sự nghiệp dân số của tỉnh nhà”.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/truyen-thong-dan-so-nghe-an-huong-den-tung-doi-tuong-tung-dia-ban-276192.html