Truyền thông chính sách muốn hiệu quả phải lấy công chúng làm trung tâm

Đó chính là chủ đề xuyên suốt của Hội thảo khoa học quốc tế 'Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng' do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu Nhân dân, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức ngày 8/11/2018 tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.

Dự và tham gia phát biểu thảo luận tại Hội thảo có ông Kim Do-Hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương. Tham dự Hội thảo còn có đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo, người làm truyền thông của Việt Nam và Hàn Quốc.

Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng”. (Ảnh: Trần Quỳnh)

Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng”. (Ảnh: Trần Quỳnh)

Trong phát biểu khai mạc của PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân và phát biểu đề dẫn của PGS.TS. Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là một khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành. Vì vậy, truyền thông chính sách phải lấy công chúng làm trung tâm, chính là nhằm đề cao vai trò của công chúng trong quá trình xây dựng, soạn thảo, ban hành và thực thi chính sách. Vai trò trung tâm của công chúng không chỉ thể hiện ở việc công chúng là đối tượng của chính sách, mà công chúng còn là người tham gia quá trình thực thi chính sách, phản hồi chính sách, lựa chọn chính sách và đánh giá tác động của chính sách.

Hội thảo đã chia làm hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất với chủ đề: “Truyền thông chính sách lấy công chúng làm trung tâm: Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc”. Phiên thứ hai với chủ đề: “Nâng cao năng lực tiếp nhận chính sách của công chúng: Sáng kiến và giải pháp”.

Đã có gần 60 tham luận được gửi đến Hội thảo, trong đó có 20 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Hầu hết ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng truyền thông chính sách lấy công chúng làm trung tâm không chỉ hướng tới bảo đảm “quyền được biết”, mà còn thúc đẩy “quyền được bàn” của người dân. Chỉ khi được tiếp cận một cách đầy đủ thông tin thì người dân mới có khả năng tham gia thảo luận việc lựa chọn chính sách và phản hồi chính sách một cách đầy đủ. Vì vậy, theo TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thì “yếu tố quan trọng để truyền thông chính sách đi vào cuộc sống là thông tin phải chính thống, công khai, minh bạch, đầy đủ, chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, đúng thời điểm”.

Tuy nhiên, thực hiện truyền thông chính sách để đạt được hiệu quả cao còn phải bắt kịp xu thế phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại trong kỷ nguyên kỹ thuật số, truyền thông số, toàn cầu hóa về báo chí - truyền thông. Về vấn đề này, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra 4 cơ hội và thách thức hiện nay đối lĩnh vực báo chí - truyền thông của Việt Nam cần phải nắm bắt và vượt qua, đó là: “Tình hình thế giới biến động phức tạp khó lường; xu thế toàn cầu hóa về truyền thông đại chúng đang ngày càng mạnh mẽ; an ninh phi truyền thống đang đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết cho mỗi quốc gia; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ truyền thông đang ngày càng tác động và chi phối đến kết quả của hoạt động báo chí - truyền thông. Nếu vượt qua được những thách thức đó thì sẽ là cơ hội tốt để truyền thông chính sách của Việt Nam phát triển.”

Đồng quan điểm với GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, ông Kim Do-Hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc cũng cho rằng: “Báo chí - truyền thông, ngoài việc đứng trung lập, thì phải có tinh thần yêu nước, lấy mục tiêu giới thiệu phổ biến, quảng bá, truyền thông chính sách công của đất nước tới được càng nhiều công chúng càng tốt”.

Để việc truyền thông chính sách đến được đông đảo công chúng và phát huy hiệu quả của những thông điệp truyền thông, thì theo TS. Vũ Thanh Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Truyền thông phải xuất phát từ nhu cầu và trình độ tiếp nhận của công chúng, chứ không phải xuất phát từ trình độ và nhu cầu của những người làm truyền thông. Có như vậy, người dân mới tiếp nhận và hấp thụ hết được những thông điệp truyền thông, từ đó chính sách sẽ đi vào cuộc sống”. Đồng quan điểm, TS. Se-Hoon Jeong, Phó Trưởng khoa Truyền thông, Đại học Korea, Hàn Quốc cũng cho rằng: “Người làm truyền thông phải lấy công chúng làm trung tâm thông qua việc phải lựa chọn chính xác các kênh truyền tải thông điệp truyền thông phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và trình độ nhận thức của từng nhóm công chúng. Có như vậy chu trình truyền thông chính sách mới phát huy hiệu quả”...

Từ Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” đã gợi ý, đề xuất và đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho các cơ quan quản lý nhà nước và những cơ quan báo chí - truyền thông của Việt Nam có cái nhìn mới, cách làm mới về truyền thông, nhất là truyền thông chính sách; góp phần nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn./.

Từ năm 2016 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Đại biểu Nhân dân, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức 3 Hội thảo khoa học quốc tế:

- Hội thảo “Truyền thông chính sách: Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc” - năm 2016;

- Hội thảo “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” - năm 2017;

- Hội thảo “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” - năm 2018.

Trần Quỳnh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/truyen-thong-chinh-sach-muon-hieu-qua-phai-lay-cong-chung-lam-trung-tam-504249.html