Truyền thông 'bẩn' bủa vây doanh nghiệp: Hình thức tuyên án không có tội trạng!

Thời gian qua, không ít vụ việc 'xương máu' về thực trạng khi các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra doanh nghiệp (DN), dù mới có một số nội dung ban đầu về các hiện tượng có dấu hiệu sai phạm nhưng một số cơ quan truyền thông, báo chí đã loan tin 'nhiệt tình', khiến doanh nghiệp 'liểng xiểng'.

Phóng viên Báo Lao Động trao đổi cùng ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Câu chuyện doanh nghiệp bị truyền thông “bẩn” bủa vây được ví như hình thức tuyên án không có tội trạng.

PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc vừa qua nhiều DN bị "bôi bẩn" bởi các thông tin thiếu chính xác (cả thông tin chính thống từ một số cơ quan báo chí lẫn mạng xã hội) về tình hình sản xuất kinh doanh như nợ thuế, sản xuất thua lỗ, buôn gian bán lậu, cho tới chất lượng sản phẩm?

- Việc bôi bẩn hoặc đưa các thông tin không chính xác đối với DN là tiếp tay làm cho DN gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh. DN là nơi tạo ra giá trị sản phẩm, tạo nguồn thu ngân sách và là nguyên nhân của tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Nếu nhìn vào nguồn thu của đất nước, chúng ta phải nhìn vào sự tăng trưởng và đóng góp của các DN.

Nếu chúng ta không tăng trưởng bằng khai khoáng tài nguyên, thì DN là yếu tố vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng.

Với DN, quan điểm của Chính phủ là phải cởi trói, cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho DN phát triển bất kỳ ngành nghề nào mà pháp luật không cấm.

Nếu báo chí đưa thông tin và phản ánh đúng hiện thực thì DN tốt ta phải ghi nhận và khuyến khích. Khi DN có hiện tượng vi phạm pháp luật càng phải nghiên cứu rất kỹ: Việc đó phải có cơ quan có chức năng kết luận đúng hay sai, kể cả việc DN đã sai cũng phải tìm được nguyên nhân.

Nếu là nguyên nhân chủ quan thì trách nhiệm DN, nếu khách quan thì Nhà nước hoặc các chủ sở hữu đơn vị có trách nhiệm hỗ trợ tháo gỡ. Do vậy, khi DN chưa có vấn đề gì, mà đã đưa thông tin gây lợi bất cập hại, tôi cho là quá trình đánh vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc này phải lên án và xử lý nghiêm minh.

DN cũng có thể rơi vào 2 tình huống: DN chưa nộp thuế, chậm đóng BHXH, chậm thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước,… có thể họ rất khó khăn do tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ, sự tác động của kinh tế thế giới, do biến động thiên tai địch họa,… và cần thời gian để hồi phục thì các cơ quan chức năng phải nghiên cứu cụ thể để chia sẻ, chia lửa với doanh nghiệp.

Có loại thứ 2 không vì khách quan mà do chủ quan những người phải thực thi việc đó mà họ không làm, điều đó là vi phạm pháp luật.

Chúng ta phải đặt các DN bình đẳng với pháp luật, nếu có tội thì cơ quan chức năng xử lý, hành chính hoặc hình sự. Trong thực tế ta đang phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN để thúc đẩy kinh tế đất nước, ngoài nỗ lực vươn lên của các DN, Nhà nước phải có khuyến khích, tác động vào cơ chế chính sách, tạo hành lang thông thoáng,…

Chính phủ kiến tạo chính là đây: Tại Đại hội Công đoàn vừa qua, cuộc đối thoại của Thủ tướng, công đoàn đồng hành cùng Chính phủ trong vấn đề cải cách thể chế và phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập là một điển hình.

Ông nghĩ như thế nào khi DN bị bủa vây bởi sự bôi bẩn?

- Tôi cho là điều này rất đáng tiếc, đó là lực cản cho DN. Người ta đang ăn nên làm ra, có thể gặp khó khăn trong một giai đoạn nhưng cái khó khăn đó chưa đến mức ta phải bôi bẩn, lên án, kết tội; đáng buồn hơn khi chưa được cơ quan chức năng kết luận vấn đề chúng ta đã tuyên án, coi như hình thức tuyên án không có tội trạng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực phát triển doanh nghiệp. Việc này cần phải lên án.

Với tình trạng thanh kiểm tra của các cơ quan công quyền (thanh tra, thuế, quản lý thị trường, công an, y tế...) ngoài việc cơ bản là công tâm chính xác nhưng vẫn còn một số nơi, một số ngành đưa ra kết luận vội vàng, thiếu khách quan đã làm hại DN. Các cơ quan báo chí cũng vội vàng đưa tin từ các kết luận này của các cơ quan chức năng nên tác hại càng lan rộng. Theo ông, trách nhiệm chính thuộc về ai?

- Tôi thấy phải thay đổi cách thức, phương pháp thanh tra kiểm tra. Theo tư tưởng của Chính phủ kiến tạo phát triển và đồng hành cùng DN, trong Nghị quyết Trung ương và thí điểm một số địa phương chúng ta đã nhập một số cơ quan có cùng chức năng, như Quảng Ninh, Hà Giang,… để không có câu chuyện nhiều cơ quan thanh tra với 1 đơn vị trong cùng 1 thời điểm hoặc trong 1 năm quá nhiều thanh tra.

Thứ hai, thanh tra không phải để kết tội cho DN là chủ yếu, tất nhiên có tội thì phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thanh tra còn là một giải pháp để chỉ ra những tồn tại, vướng mắc để DN khắc phục vấn đề đó. Thứ ba, thanh tra không được chồng chéo, thanh tra phải là cách thức để hỗ trợ giúp DN.

Nếu làm tốt, đây là nguồn động lực để DN phát triển. Đương nhiên có những DN luồn lách để trốn tránh trách nhiệm khi thanh tra. Cái chúng ta phải lên án là thanh tra không khách quan, thanh tra không mang tính xây dựng và không thể hiện trách nhiệm cơ quan nhà nước với đơn vị hoặc DN bị thanh tra, dẫn đến phản ánh những điều không đúng thực tế.

Khi thanh tra chưa có kết luận, mới có hiện tượng đã thông tin rộng rãi, chưa cần thiết, chưa rõ nguyên nhân, cộng với cơ quan báo chí mới nhìn thấy ngọn mà chưa nhìn vào bản chất sâu xa để phản ánh, “chộp” lấy sai phạm dẫn đến DN mất uy tín trên thị trường và có nguy cơ mất thị trường dẫn đến đình đốn sản xuất. Ta đừng tưởng chỉ DN có hại, rất nhiều đối tượng có hại, trước nhất là người lao động mất việc làm, không có thu nhập. Thứ hai, DN không phát triển dẫn đến Nhà nước thất thu thuế, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Theo ông, trách nhiệm là của cơ quan thanh tra hay truyền thông hùa theo?

- Có hai vấn đề, về cơ quan cung cấp số liệu - cơ quan thanh tra, anh không được cung cấp khi chưa có kết luận. Nguyên tắc chưa kết luận thanh tra thì chưa có thông báo.

Nếu cơ quan báo chí đưa sai, lồng cá nhân vào mà không mang tính xây dựng (có thể nêu cả cái tồn tại và thành tựu, nhưng nêu tồn tại khuyết điểm phải phân tích nguyên nhân, chỉ dùng “ngọn” và vu khống DN thông qua kết luận thanh tra) thì trách nhiệm thuộc cơ quan thông tấn báo chí.

Theo ông, để kiểm soát các thông tin xấu, độc hại với DN thì phải giải quyết tận gốc là vấn đề gì?

- Khi sự thật bị bóp méo, từng có rất nhiều bài học khiến DN lụn bại, phá sản. Nếu đưa thông tin chất lượng sản phẩm không tốt trong khi chất lượng đảm bảo, DN sẽ sụp đổ vì mất thị trường khi không ai tiêu thụ sản phẩm.

Cơ quan chức năng, báo chí phải có trách nhiệm với xã hội, DN và người dân để khi phản ánh điều gì phải có lương tâm, trách nhiệm. Những lời không có lương tâm có thể như con dao đâm vào DN. Tuy nhiên, cũng không nên vì những tồn tại mà “bịt” báo chí, mạng xã hội.

Với cơ quan báo chí, có vai trò định hướng dư luận xã hội, trách nhiệm đầu tiên là phản ánh đúng, có trách nhiệm với xã hội chứ không thể muốn làm gì thì làm. Để hạn chế sự thiếu trách nhiệm, cơ chế, chế tài xử lý rất quan trọng. Khi DN làm sản phẩm kém chất lượng, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự; nếu những người nêu hiện tượng sai, là vi phạm pháp luật, thì cũng phải bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Lê Phương (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/truyen-thong-ban-bua-vay-doanh-nghiep-hinh-thuc-tuyen-an-khong-co-toi-trang-635878.ldo