Truyện ngôn tình: Những cảnh báo 'nóng' với học sinh

Ngôn tình là loại tiểu thuyết tình cảm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đa phần truyện ngôn tình nói về tình cảm nam nữ, nhưng cũng có nhiều truyện nói về đồng tính nam và đồng tính nữ.

Truyện ngôn tình: Những cảnh báo “nóng” với học sinh

Khảo sát về “thực trạng đọc truyện ngôn tình” ở Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM), chúng tôi nhận thấy có 20,37% HS quan tâm đến tình yêu đồng giới (đồng tính nam, đồng tính nữ) và 10,41% hứng thú với cảnh “nóng” (sex).

Ảnh hưởng đến tâm lý tuổi trẻ

Truyện ngôn tình nhấn mạnh yếu tố lãng mạn trong tình yêu đôi lứa và những khát vọng thể xác của con người, thậm chí nhiều truyện có yếu tố "sex" trá hình.

Công thức thường thấy của truyện là tình yêu giữa chàng trai đẹp, tài ba, xuất thân giàu có, tính cách lạnh lùng với một cô gái thường dân nhưng đầy cá tính, nỗ lực. Từ đó nảy sinh tình cảm bất ngờ, tình yêu lôi cuốn và kết thúc ám ảnh là công thức giúp truyện ngôn tình "thu phục" giới trẻ chọn đọc.

Mặc dù cốt truyện xa rời thực tế, nhân vật hư cấu nhưng truyện được trau chuốt bằng nhiều chi tiết, tràn đầy tình cảm nên dễ chạm đến trái tim người đọc, nhất là phái nữ.

Chẳng hạn như trong tác phẩm "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên"(Cố Mạn) là câu chuyện tình yêu giữa Vi Vi và Tiêu Nại đã thoát khỏi cuộc hôn nhân ảo trong game để làm nên một câu chuyện tình thật ngoài đời đầy lãng mạn với lời kết ngọt ngào.: "Nếu như, anh biết rằng sẽ có một ngày anh yêu em đến thế, anh nhất định sẽ yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên".

Lứa tuổi HS đang sống trong vòng tay bao bọc của cha mẹ, chưa trải nghiệm cũng như đối mặt với những khó khăn của cuộc sống hiện tại, thì việc sống trong thế giới toàn màu hồng và tình cảm bi lụy rất dễ khiến các bạn sốc khi gặp vấp ngã ngoài đời thực.

Và khi đứng trước một khó khăn nào đó của cuộc sống, nếu thiếu bản lĩnh, có thể sẽ hành động dại dột. Hơn nữa, việc bị ám ảnh vào tình yêu tuyệt đẹp của truyện ngôn tình khiến nhiều bạn trẻ bỡ ngỡ, gặp khó khăn khi kết bạn ngoài đời thực.

Một số tác động tiêu cực

Giới trẻ mê truyện ngôn tình vì sự phát triển tự nhiên của lứa tuổi đang thức dậy những nhu cầu tính dục. Thể loại này đã đánh trúng tuyệt đối vào sự tò mò cũng như nhu cầu của người đọc, đặc biệt lứa tuổi mới lớn về vấn đề rất nóng là giới tính.

Nếu tuổi trẻ chưa hiểu được hành vi tính dục thì sẽ dễ bị kích thích bởi những câu chữ và hình ảnh trong sách. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức, làm rối loạn hành vi tính dục, ảnh hưởng tới sức khỏe và còn gây ra những hệ lụy lớn trong cuộc sống.

Nhiều tác phẩm ngôn tình có cốt truyện đi ngược lại đạo lý, quá viễn tưởng. Trong đó, nó cổ súy cho thứ tình yêu lệch lạc, thiếu chuẩn mực như chuyện người yêu thú trong tác phẩm "Bạn trai tôi là sói" (Tát Không Không). Hoặc có những truyện quá thoáng trong mối quan hệ nam nữ khi nhân vật nữ chính tự nguyện dâng hiến cho nam chính khi chưa đến tuổi thành niên trong "Chuyện cũ của Lịch Xuyên" (Huyền Ân), "Cẩm Tú Duyên" (Niệm Nhất)…

Ám ảnh, hành hạ bản thân

Nguy hiểm nhất phải kể đến thể loại ngôn tình ngược, ảnh hưởng tiêu cực đến lứa tuổi HS phổ thông. Ngôn tình ngược là thể loại được xây dựng theo hướng đau khổ, những cảm xúc đau thương, giày vò cho nhân vật chính.

Truyện được xây dựng theo trình tự: Hiểu lầm rồi đến hành hạ về thể xác hoặc tinh thần để trả thù lẫn nhau, sau đó là hóa giải mâu thuẫn dẫn đến sủng (đến với nhau và yêu thương nhau), tiếp tục thử thách để rồi kết thúc viên mãn hoặc thê thảm.

Thể loại ngôn tình ngược: Ngược thân, thiên về hành hạ thân xác, có thể là cưỡng bức, đánh đập, ép phá thai. Ngược tâm, thiên về hành hạ tinh thần. Một trong những truyện ngôn tình ngược được các bạn trẻ tìm đọc là "Đông cung" của tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn.

Truyện kể về mối tình éo le giữa Đông Cung thái tử Lý Thừa Ngân và Tây Lương Cửu công chúa Tiểu Phong. Truyện có đoạn viết: "Bởi theo truyền thuyết của Tây Lương, nếu nhảy xuống sông Quên sẽ quên hết mọi ưu sầu trong thời gian 3 năm… Sau cùng, Tiểu Phong gieo mình ở Ngọc Môn Quan kết thúc cuộc đời".

Phá vỡ sự trong sáng của tiếng Việt

Truyện ngôn tình sử dụng rất nhiều từ, ngữ xa lạ với cách hiểu của người Việt. Chẳng hạn như sắc nữ: Cách gọi dành cho những cô gái đọc ngôn tình, mê trai đẹp soái ca trong truyện ngôn tình. Hủ nữ: Cô gái mê truyện đam mỹ, ủng hộ các mối quan hệ đồng giới nam.

Nếu HS lạm dụng những từ ngữ như thế này thì sẽ dùng từ sai lạc ngữ nghĩa dẫn đến sai lạc nội dung và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Ngoài ra, một số truyện diễn đạt theo văn phong Hán học, không phù hợp với cách diễn đạt của người Việt. Ví dụ: "Cho tới nay, ta vô cùng nhất thống hận cái loại đó vì tiền mà làm có tiền than nhân tình nhân nữ nhân. Nhưng không ngờ tới, ta cũng vậy sẽ đi thượng con đường này, hơn nữa hay là cam tâm tình nguyện, lòng mang mừng thầm dưới tình huống!" (Kiếp sống tình phụ của ta - Thương Tiểu Kiệt).

Đoạn văn này được dịch sang tiếng Việt, nhưng người đọc rất khó để hiểu nội dung, ý nghĩa vì cách diễn đạt rối rắm, lủng củng, mơ hồ.

Sử dụng thuật ngữ tiếng Anh tùy tiện

Hàng loạt từ viết tắt trong truyện ngôn tình không đúng với quy ước viết tắt tiếng Anh theo thông lệ quốc tế. Ví dụ: HE: Happy Ending – Kết thúc có hậu; SE: Sad Ending – Kết thúc buồn bã; OE: Open Ending – Kết thúc mở; GE: Good Ending – Kết thúc ổn; BE: Bed Ending – Kết thúc bi thương…

Các từ viết tắt trong tiếng Anh vẫn thường được sử dụng trong các văn bản chính thống như báo chí, dự án khoa học… Chính vì vậy, chúng ta không thể viết tắt một cách tùy tiện mà phải nắm rõ các nguyên tắc để viết đúng.

Các bạn lưu ý cách viết tắt từ trong tiếng Anh trong một số trường hợp như: sử dụng mạo từ trước từ viết tắt; viết tắt đúng cách chức danh; viết tắt ngày tháng; cách sử dụng các từ viết tắt thông thường… Nếu lạm dụng cách viết tắt theo ngôn tình, chắc chắn các bạn sẽ nhầm lẫn khi viết tắt các từ tiếng Anh theo thông lệ quốc tế.

Đề xuất giải pháp

HS THPT cần rèn luyện một số kĩ năng sống cơ bản thì sẽ không cần đến truyện ngôn tình để giải tỏa áp lực và định hướng tư tưởng sống (như đã khảo sát). Các em cần rèn luyện một số kĩ năng sống như: Tự nhận thức; kiểm soát cảm xúc; ứng phó với căng thẳng, stress; thể hiện quan điểm; giao tiếp; bảo vệ bản thân.

Câu lạc bộ (CLB) trong trường học là nơi có những hoạt động phong phú, phù hợp với nhu cầu lợi ích của HS, tạo môi trường cho các em có khả năng và năng khiếu được bộc lộ, phát triển. Vì vậy, các nhà trường cần thẩy mạnh hoạt động CLB để HS có điều kiện giao tiếp, ứng xử, vui chơi giải trí lành mạnh, bày tỏ quan điểm, tâm tư nguyện vọng, đồng thời hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong học tập, công tác và trong cuộc sống.

Ngoài một số giải pháp trên, chúng tôi nhận thấy, giữa nhà trường và phụ huynh cần có sự kết hợp chặt chẽ để giáo dục HS một cách hiệu quả nhất. Những buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường cần có nhiều chuyên đề nói chuyện, trong đó có đề cập đến tác hại của truyện ngôn tình nhằm định hướng văn hóa đọc lành mạnh cho các em.

Nhóm tác giả: ThS Phan Thế Hoài (GV hướng dẫn), Đặng Ngọc Hà và Phạm Bùi Thiên Trúc (HS lớp 10C16, Trường THPT Bình Hưng Hòa, TPHCM) đã có cuộc khảo sát “HS THPT nhìn nhận về truyện ngôn tình” từ tháng 8 - 10/2019 với sự tham gia của 631 HS 3 khối lớp trong trường. Kết quả: Có 20,37% HS quan tâm đến tình yêu đồng giới (đồng tính nam, đồng tính nữ) và 10,41% hứng thú với cảnh “nóng” (sex) trong truyện ngôn tình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truyen-ngon-tinh-nhung-canh-bao-nong-voi-hoc-sinh-1595208266043.html