Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ cô đọng, nhiều tầng nghĩa và đầy cảm xúc

'Vườn mộng' thêm lần nữa, tôi có niềm xác tín hoàn hảo về Nguyễn Văn Thọ - được sinh ra để viết truyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: Vũ Toàn

Những truyện ngắn trong tập Vườn mộng đều đã được in ở đâu đó, trong từng giai đoạn cuộc đời văn chương của ông. Ông đã từng mười năm buông bút. Mười năm ấy, ông dành sức lực, cả trí tuệ, để kiếm sống. Thực tế đời sống văn chương cho thấy, nhiều nhà văn, sau khi tạm dừng viết đã dừng luôn, dừng hoàn toàn cho đến hết đời. Tức là, khi anh đã buông bút thì văn chương nó cũng sẽ quay lưng lại với anh, từ chối anh mãi mãi. Nhưng Nguyễn Văn Thọ thì không rơi vào số đó. Mười năm dầm chân trong tuyết dày, chịu đựng bao nhiêu tủi cực của thân phận người Việt tha hương, ông đã được cái khoảng thời gian kinh khủng ấy, cộng với những năm tháng đối diện gang tấc với cái chết nơi chiến trường, tặng cho một ý chí thép. Một ý chí đủ để ông dùng cho cuộc đời, và đủ để ông khiến cho văn chương không thể từ chối ông.

Nếu như không nhìn vào dòng ngày, tháng, năm ông thoảng ghi ở cuối những truyện ngắn, tôi nghĩ rằng, phần đông bạn đọc sẽ khó hình dung đâu là truyện ông viết ở thời điểm 1985 - 1986 và đâu là những truyện ông viết vào thập niên 90 hay những năm 2000. Truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ có một sự kiên định rõ ràng về bút pháp, về giọng điệu, đặc biệt là về điểm nhìn. Nó có thể thay đổi một chút ở từng giai đoạn, những nỗ lực tự làm mới để chống lại sự nhàm chán (sự nhàm chán của bản thân nhà văn, chứ không phải với bạn đọc), nhưng nó thống nhất một cách tuyệt đối, kỳ lạ, nó không hề suy suyển, không chịu tác động bởi bất kỳ một thứ lý thuyết nào, trừ lý thuyết của chính tác giả. Lý thuyết về lòng nhân ái, về lẽ sống trung thực, về lao động văn chương nghiêm túc.

Tôi từng nói trong một cuộc ra mắt sách của Nguyễn Văn Thọ, ở ông, hiện lên rất rõ ràng ba mảng đề tài: “Chiến tranh, Hà Nội” và “Người Việt hải ngoại”. Thêm một lần nữa, ở tập truyện ngắn này, ba mảng đó lại cùng hiện lên. Và chúng hấp dẫn bạn đọc... như nhau. Không thể mang ba mảng đề tài này mà so sánh xem ông viết cái gì xuất sắc hơn. Ông là người giàu có vô cùng so với nhiều nhà văn, trong đó có tôi. Hầu hết chúng tôi, nhất là những người trẻ, cố gắng lắm cũng chỉ có thể có một đề tài ruột. Còn ông, cực kỳ hạnh phúc vì có đến ba đề tài, đều ruột, đều có thể viết cho đến lúc đi theo các bậc tiền nhân. Trời cho Nguyễn Văn Thọ điều đó chăng? Không phải. Là cuộc đời với vô số những thăng trầm, biến cố, bị cuốn đi bởi số phận đã mang lại cho ông điều đó.

Nguyễn Văn Thọ luôn kể về người cha, một trong những họa sĩ thuộc lớp đầu tiên của Mỹ thuật Đông Dương một cách đầy kính trọng, yêu thương. Ông lớn lên trong một gia đình đầy những quy định khắt khe trong sinh hoạt, nhưng cũng đầy mộng mơ nghệ sĩ. Ông hiểu Hà Nội như hiểu từng hơi thở. Cuộc đời nhiều thăng trầm, xa Hà Nội, rồi lại quay về, ông nhìn Hà Nội bằng ánh mắt của người thuộc về nó, chứng kiến từng chút một sự mất đi của Hà Nội cũ. Ông tham gia chiến tranh. Đánh hàng trăm trận. Kề cận cái chết hàng trăm lần. Ông lao tâm lao lực ở xứ người, nghĩ cách để tồn tại trong cái ranh giới sống chết, tối sáng, tốt xấu vô cùng mỏng manh. Một cuộc đời như thế, với một tài năng văn chương sẵn có, thì ông không viết truyện ngắn - những truyện ngắn xuất sắc mới là kỳ lạ, khó hiểu.

Trong Vườn mộng vắng mặt một số truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Văn Thọ, mà theo tôi là “Vàng xưa”, “Nhà ba hộ”, “Gửi ngài đại tá chờ thư”, “Cõi ảo” - những truyện ngắn ông viết vào giai đoạn sau này, dự thi ở Văn nghệ Quân đội với một mục tiêu lì lợm là phải đoạt giải. Và năm đó ông đoạt giải thật. Ban Chung khảo hoàn toàn bị thuyết phục và trao giải cao nhất cho ông.

Với cá nhân tôi, Nguyễn Văn Thọ ngang ngửa ở cả ba đề tài, không thể kết luận được ông viết mảng nào hay hơn, nhiều vốn sống hơn, thuyết phục hơn. Tuy nhiên, tôi luôn gai người khi đọc những dòng ông viết về Hà Nội. Một Hà Nội vừa gần gũi vừa xa xôi, một Hà Nội với những phận người mỏng manh, bé nhỏ, tủi cực nhưng hào hoa, đẹp đẽ, sáng láng. Ông đã kể những câu chuyện dài về Hà Nội, ở phía sau những dãy phố sầm uất, cửa kính bóng loáng. Những hành lang hun hút, tối om, ngày cũng như đêm; tiếng đàn chuột chạy lục sục; nỗi khổ sở do sự chật chội, chen chúc mang lại. Chật chội tới mức đã ba bốn gia đình chuyển đi mà căn nhà ống ấy vẫn chẳng rộng ra tí nào. Nguyễn Văn Thọ mạnh về chi tiết. Chi tiết là yếu tố quan trọng nhất trong truyện ngắn. Dung lượng vừa phải của truyện ngắn đòi hỏi sự cô đọng, càng cô đọng thì càng có sức nặng. Sức nặng từ từng chữ, từng câu, từng cách ngắt đoạn, ngắt dòng. Và đặc biệt, là chi tiết. Tiếng nước chảy rí rách một cách vô cùng khó hiểu, giữa ban ngày, phát ra từ nơi một bà cụ già bị mù, đứng khom khom khiến cho người đọc hình dung ra toàn bộ sự chật chội, tù túng, bức bối đến nghẹt thở của cái đời sống ấy. Và khi bà mất, không có lối để khiêng quan tài xuống, người ta phải truyền quan tài qua những mái nhà, rồi từ từ hạ nó xuống mặt đất khi những tia nắng mặt trời đang chiếu rọi buổi bình minh. Chao ôi, có cái bình minh nào buồn thảm đến thế không? Con người ta, mỗi ngày sống trên đời đều là đang tiến dần đến cái chết. Ai cũng thế. Nhưng chết cũng có nhiều loại chết, tang ma cũng nhiều loại tang ma. Tôi hình dung linh hồn bà cụ già mù cả đời mê mẩn ca trù ấy từ trên cao xanh nhìn xuống cái quan tài đang đựng xác mình, lơ lửng trên những mái nhà cũ kĩ phủ đầy rêu phong. Còn dưới mặt đất, một đứa cháu trai nào đó trong dòng họ đang ôm trước ngực tấm di ảnh của bà, hai con mắt đã được vẽ thêm vào để bà không bị mù nữa. Sống thì mù, nhưng chết thì phải sáng sủa. Hà Nội đấy. Hà Nội mà bao người hễ đi xa thì da diết nhớ về. Nhưng nhiều người cũng chỉ nhớ thôi, không về nữa. Về để rồi lúc chết lại lơ lửng trên mái phố hay sao? Đã có nhiều nhà văn viết về Hà Nội. Viết rất thành công. Nguyễn Văn Thọ viết bằng sự thản nhiên, thân thuộc mà điềm tĩnh, sâu sắc, chậm rãi, kỹ lưỡng.

Và chiến tranh. Sự tàn khốc của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã in đậm vào cuộc đời Nguyễn Văn Thọ, đến mức mỗi khi nói đến những năm tháng ấy ông lập tức như bị kích động. Thậm chí, ông bị kích động ngay cả với những tác phẩm của bạn bè, đồng nghiệp về đề tài này. Nguyễn Văn Thọ là một người lính chiến thực thụ. Tôi không biết khi ra trận, cái sự mộng mơ của một nhà thơ có khiến Nguyễn Văn Thọ coi cái chết nhẹ hơn những thanh niên Hà Nội khác không, nhưng quả thực, cái thực tế đời sống ấy nó đã cho Nguyễn Văn Thọ một lối sống quyết liệt sau này, tôi nghĩ vậy. Bom đạn còn chả sợ, sợ gì dăm ba cái chuyện vặt vãnh ở đời. Ở Nguyễn Văn Thọ có một điều đáng kể, đấy là ông tuyệt đối chưa bao giờ đố kị với bạn viết. Ông có thể ngồi hàng giờ nói say sưa về một cuốn sách của một tác giả nghiệp dư hoàn toàn, về sự trung thực của nó, về những góc khuất mà cuốn sách chạm tới, về khả năng thuyết phục bạn đọc bằng chi tiết. Tôi thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên trong thời bình. Đọc khá nhiều tác phẩm của các nhà văn viết về chiến tranh. Tôi đã từng hồ đồ nghĩ rằng, chiến tranh thì ở đâu chẳng thế. Mặt trận nào chẳng khốc liệt. Bom đạn nào chẳng đáng sợ. Nhưng hóa ra không phải. Gương mặt chiến tranh đôi khi không giống nhau. Ở mỗi điểm nhìn của mỗi người trong cuộc, nó lại có những nét khác biệt. Nên tôi vô cùng ngạc nhiên khi Nguyễn Văn Thọ mê mải nói không dừng về một cuốn sách khác, về chính cái đề tài mà ông cũng coi là “ruột”.

Ở tập “Vườn mộng” này, bạn đọc sẽ có lúc phải buông sách ra, ôm lấy ngực. Trong truyện ngắn “Thật là giản đơn” có một cậu bé Việt Nam, với một bên chân giả do va phải bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Một cậu bé với tâm hồn sáng trong, ngây thơ, cởi mở, nhân ái, hoàn toàn không biết bom bi là cái gì. Cậu mang nguyên tâm hồn đó sang nước Mỹ. Chính là nơi đã sản xuất loại bom đó, và cũng chính những con người ở đó đã mang nó tới Việt Nam. Một sự trớ trêu kì quặc của số phận chăng? Không ai nói cho cậu biết câu chuyện này. Người ta, cựu binh Mỹ, thậm chí sợ hãi cậu như sợ hãi một chủ nợ, bất kể lúc nào cũng có thể mở miệng ra “đòi trả chân cho tôi“. Sự vĩ đại của lòng nhân ái, của tâm hồn sáng trong ấy đã khiến cho cái ranh giới nghi kị, bất an được xóa nhòa. Người với người, chạm được vào nhau không phải bằng tay, mà bằng trái tim. Trẻ thơ càng dễ chạm vào nhau, cũng là bởi chúng nói chuyện với nhau bằng trái tim.

Nhiều năm qua, nhắc đến Nguyễn Văn Thọ là bạn đọc sẽ nhớ đến Quyên. Tiểu thuyết “Quyên”. Một bộ phim điện ảnh cùng tên đã được sản xuất, được chiếu ở cả trong nước và nước ngoài. Nhưng có một điều ít ai để ý, là với Quyên, hoàn toàn có thể cắt ra từ nó hàng chục truyện ngắn. Những truyện ngắn có thể đứng độc lập. Đây là điều không thường thấy. Tiểu thuyết thường gánh những câu chuyện dày dặn và vạm vỡ, được cấu trúc một cách lớp lang, chặt chẽ. Nhấc ra một đoạn, một chương, chỉ có thể gọi là đoạn trích. Nhưng nhấc ra để nó hẳn hoi là một truyện ngắn, thực không dễ. Động tác đó chẳng khác gì câu chuyện thầy bói mù sờ voi. Nhưng với “Quyên”, cho dù chẳng cần bàn tay của nhà văn, thì tôi cũng có thể nhấc ra bất kì một đoạn nào đó, đang được cấu trúc liên hoàn và vô cùng kỉ luật, để có thể thưởng thức một truyện ngắn riêng lẻ.

Tôi sẽ không nói thêm cụ thể về các truyện ngắn trong Vườn mộng nữa, để dành cho bạn đọc. Nhưng tôi thành thật khuyên bạn đọc, nên tìm nốt những tập truyện ngắn khác của Nguyễn Văn Thọ nếu như bạn thấy tập này hấp dẫn, nhất là “Hương Mỹ nhân” ra cách đây ít lâu. Đọc để thưởng thức những câu văn đầy sức nặng. Sức nặng của câu chữ, tôi nghĩ là điều mà mọi nhà văn chuyên nghiệp đều hướng tới. Cô đọng, nhiều tầng nghĩa, biểu cảm mạnh mẽ, và đầy ắp cảm xúc, bạn sẽ gặp rất nhiều những câu, những đoạn, những trang như vậy trong cuốn sách này.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/truyen-ngan-nguyen-van-tho-co-dong-nhieu-tang-nghia-va-day-cam-xuc-621358.ldo