Truyện ngắn: Chuông xoay

Gã trai Tây buông những ngón tay ra khỏi Sa, nằm vật ra bên cạnh ngáy rền rĩ. Sa vội chạy vào nhà vệ sinh, nôn khan như muốn lộn cả gan ruột ra ngoài. Cô để mặc cho nước chảy tràn khắp mình, hòng gột rửa những nhơ nhuốc bám trên da thịt.

Quảng cáo

Thay bộ quần áo khác, hong cho tóc khô. Sa thong thả đặt chiếc chuông lên tay trái. Tay phải cầm chày bao da xoay đều quanh miệng chuông. Tiếng u u như từ đâu đó vọng về, vừa gần gũi vừa xa xôi. Nó đẩy bật tạp âm xung quanh, thức tỉnh nguồn năng lượng tích cực trong cơ thể Sa. Nguồn sóng âm từ những đầu ngón tay lan ra khắp cơ thể đẩy bật mọi muộn phiền đau khổ giúp tâm thân Sa nhẹ bẫng như một áng mây. Tiếng bé Mít gọi mẹ ở đâu đó phía xa. Mẹ ơi! Mẹ à. Con cua đã gãy một cái càng. Con dế đồng nhốt trong chai đã không gáy nữa. Con cào cào nhớ cánh đồng trước nhà. Mẹ ạ. Nước mắt Sa chảy dài trong cõi chuông ngân…

Sa cầm những đồng đô-la mà gã Tây vừa chìa ra trước mặt. Cô ngồi đếm từng đồng tiền một, quy nó ra sữa bột cho con, thuốc men cho mẹ chồng, khoản nợ này kia phải trả. Sa trích một phần để chăm chút cho mình. Làm nghề nào mà chẳng phải đầu tư. Khách trả bằng tiền đô thì mùi nước hoa trên người mình cũng phải cân xứng chứ. Lần nào Sa cũng đi vài ba tháng, cóp đủ tấm đủ món thì về thăm nhà.

Sa bắc ghế ngồi dũa móng chân ngoài cổng lúc trông hai đứa nhỏ chạy chơi trên bãi đất trống trước nhà. Gió từ cánh đồng thổi vào, từ ngã ba ngã bảy thổi tới những tiếng đời lao xao. Mới đi có vài tháng chứ mấy mà nghe nói đã trả hết nợ ngân hàng. Nghe nói học mới hết lớp bốn, ngoại ngữ một chữ bẻ đôi không biết mà bà Bảy đi đâu cũng khoe con dâu làm phiên dịch. Thiên hạ đâu có cho con Sa miếng cơm nào mà buông lời phán xét? Chỉ những ai từng sống một cuộc đời tủi nhục như Sa mới thấm thía giá trị của đồng tiền. Nghèo thì họ khinh, giàu thì thi nhau xúm vào mỉa mai không ngớt. Những lúc thấy mình chuẩn bị biến thành ngọn lửa, Sa lại lôi trong vali ra chiếc chuông đồng. Thứ âm thanh phát ra từ chiếc chuông dẫn Sa tới một thế giới khác. Những gai góc, hằn học nguội dần. Tiếng lao xao trên miệng đời loãng ra, tan vào hư vô như mây khói.

Sa đẹp, nét nào đi nét ấy không chê vào đâu được. Cái miệng cười duyên, hàm răng trắng đều, chiếc mũi thanh tú, đôi mắt như nước hồ thu. Da trắng, tóc dài, chân mày lá liễu. Mười tám tuổi Sa theo người quen xuống khu công nghiệp xin việc làm. Trong cái xóm trọ nghèo Sa đã gặp Phan ở đó. Rồi thành chồng thành vợ, hai đứa con lần lượt ra đời. Đứa con gái đầu lòng mắc bệnh tự kỷ. Đứa thứ hai bị câm điếc bẩm sinh. Bà mẹ chồng nay ốm mai đau. Một mình Phan đi làm công nhân lương ba cọc ba đồng. Tiền không biết xoay đâu, từng ấy con người cắn xé nhau.

Cứ đến bữa cơm là Sa ôm con khóc. Miếng cơm chưa kịp đưa vào mồm thì bà Bảy đã ra rả chửi. Bà chửi từ bàn thờ chửi ra, từ ngã ba ngã bảy chửi vào. Bà chửi cha cái giống đàn bà đã đẻ toàn con gái còn “người chẳng ra người”. Thứ đàn bà sống không có đức nên con mới phải gánh tai ương. Bà chửi cho đến khi cục cơm nghẹn ứ trong cổ họng con dâu thì thong thả ngồi xuống mâm ăn. Nước mắt nuốt vào trong, Sa địu con trên lưng đi ra rừng chặt từng bó cây chè. Mùa hè, nhà máy chè thu mua cả chè cành với giá rẻ bèo. Nhưng rẻ mà mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn nuôi con vẫn còn hơn không có đồng nào. Rừng chè rậm, có hôm chạm phải tổ ong, Sa ôm con vào lòng để mặc cơ thể mình ong bâu vào đốt. Con lớn, Sa nài nỉ mẹ chồng trông cháu để xin đi làm trong khu công nghiệp. Nhưng đời nào. “Thân tao đau ốm thở còn mệt. Con mày đứa câm điếc, đứa lầm lì cục tính tao trông sao được”. Bé Na đã gần bốn tuổi mà không cất nổi một tiếng ê a. Đi khám, bác sĩ khuyên mua máy trợ thính cho con tập nghe. Cái máy trợ thính bé xíu ấy thôi mà mấy chục triệu đồng. Sa biết kiếm đâu ra từng ấy?

Đêm đến, Sa nằm ôm con trong tay nghe bầy dế nỉ non ngoài cửa sổ. Bé Mít - đứa con gái đầu của Sa thỉnh thoảng lại giật mình khóc thút thít. Mít sáu tuổi, sợ người lạ và ánh sáng mặt trời. Đến lớp Mít chỉ ngồi một xó không trò chuyện với ai. Tất cả những cuốn vở đều bị đầu bút bi cào rách nát. Mười móng tay đều bị cắn cụt sâu vào tận thịt. Mít lầm lì ít nói, học không chịu tiếp thu. Thỉnh thoảng các phụ huynh khác lại đến trường làm ầm nên vì con họ bị Mít cào cấu, giật tóc đến bật máu. Về nhà Mít hay chui xuống gậm giường chơi với chó mèo. Mỗi lần nghe tiếng bà nội chửi xéo xắt là Mít lại bấn loạn rú lên. Sa thấy đời mình quẫn quá. Nếu cứ sống thế này biết đâu đến một lúc nào đó không kiềm chế được sẽ ngu dại làm liều. Đói nghèo như một lưỡi dao.

- Hay là mẹ cho con đi xuất khẩu lao động để nhà mình đỡ khổ.

- Tiền đâu mà đi. Có cái sổ đỏ cũng cắm ngân hàng rồi. Mà cần gì phải đi nước nọ nước kia mới kiếm ra tiền. Ở xóm bên khối đứa đi làm ở các khu du lịch, lương cũng vài chục triệu.

- Không nghề nghiệp ổn định, cũng chẳng có bằng cấp thì làm gì mà lương vài chục triệu mẹ ơi?

- Thì dọn dẹp vệ sinh, lễ tân, nấu bếp.

Sa cười chua xót. Dạo đó mẹ chồng hay tỉ tê to nhỏ, khen người này người kia “son phấn lụa là, kiếm tiền dễ như chơi”. Bà kể đứa này mới mang tiền về mua đất, đưa kia mới mua xe, con dâu nhà bà Hoa làng bên đi làm có một năm mà đủ tiền xây nhà to vật. “Mấy đứa ấy còn không đẹp bằng mày Sa ơi. Ở nhà ôm nhau để chết đói hết à”. Đêm đến Sa quay lại ôm chồng dò hỏi “hay là em đi làm mấy chỗ mà mẹ nói?”. Phan giả vờ say ngủ. Hôm Sa nhét mấy bộ quần áo vào ba lô Phan cũng không nói gì. Sa lên tàu nhìn xuống sân ga cũng không có bàn tay nào níu lại. Thì đi.

Kể từ đó cuộc đời Sa nằm trên môi thiên hạ. Lao xao…

Có tiền mẹ chồng Sa đi đâu cũng khoe con dâu tài giỏi kiếm tiền. Bà không cần biết sau lưng mình người ta mỉa mai Sa. Tiền Sa gửi về mẹ chồng mua vòng vàng đeo lấp lánh khắp người. Hôm bà sâu cái răng số 6 liền gọi cho cho Sa nói “hay mẹ bọc vàng cho giống cái cô diễn viên gì đó trong phim”. Người Sa đau nhừ vì cả ngày tiếp khách. Trên da thịt còn hằn vết cắn, những dấu tay cào. Có hôm cơm không nuốt nổi, chút sữa cầm hơi. Người tiêu đồng tiền đâu biết những tủi nhục cay đắng trên từng số seri bạc phếch. Sa cay đắng nghĩ nếu không vì hai đứa con thì đời nào cô phải nắm níu thứ máu mủ tanh nồng.

* * *

Buổi sáng hôm ấy Sa đang ngồi sưởi ấm ở quán nước dưới gốc cây sa mu thì người đàn ông ấy bước đến. Ông ta nhìn một lượt những cô gái mặt hoa da phấn và dừng mắt ở Sa. Bà chủ ra hiệu cho Sa đi theo ông ta đến một căn phòng nhỏ. Ông ta nói “tôi chỉ cần một người sẻ chia. Tôi không có nhu cầu xác thịt”. Rồi ra hiệu cho Sa nằm xuống chiếc giường phủ toàn màu trắng.

- Tôi là Việt kiều, cô cứ gọi tôi là Vũ. Cô thử đoán xem tôi bao nhiêu tuổi?

- Chắc tầm ngoài bốn mươi chứ mấy.

- Con gái tôi chắc còn hơn tuổi cô ấy chứ.

- Hình như ông đến đây để tìm kiếm điều gì?

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi đi khắp mọi nơi trên thế giới mà vẫn không biết mình thật sự tìm kiếm điều gì?

- Vậy tại sao ông lại chọn tôi?

- Tôi cũng không biết nữa. Tôi đọc được trong mắt cô sự bất ổn.

Sa cười. Người cần giãi bày tâm sự là ông ta chứ không phải là Sa. Vậy ông ta chọn một người đàn bà bất ổn để lắng nghe mình chẳng hợp lý chút nào. Thiếu gì người tử tế ngoài kia, sao phải chọn một cô gái làng chơi? Thôi kệ, miễn Sa nhận đủ tiền. Làm cái nghề này có mấy khi tụi Sa được nhìn thấy những điều tử tế. Đàn ông tìm đến Sa là “bóc bánh trả tiền”, điên cuồng, đê mê, hằn học trên da thịt. Chứ chưa ai chịu mất tiền chỉ cần Sa im lặng lắng nghe.

- Tôi từng vượt biên năm 1987 vì không chịu được cuộc sống nghèo khổ ở quê hương. Tôi muốn tìm cho mình một miền đất hứa. Tôi bỏ lại gia đình ở đây, khi đó con gái tôi mới bốn tuổi. Đó là một chuyến đi kinh hoàng lênh đênh trên biển.

- Bao lâu sau thì ông trở lại?

- Tôi mải mê kiếm tiền gửi về cho vợ con mình và cứ nghĩ thế là đủ. Cho đến khi quay lại gia đình vẫn còn đó nhưng mọi thứ đã khác xưa. Tôi không tìm thấy niềm vui trong mắt con mình. Vợ tôi cũng trở thành người khác.

- Và ông lại ra đi?

- Vì gia đình không còn chỗ cho tôi.

- Tôi biết thứ ông tìm là gì.

- Cô nói thử xem.

- Đó là sự thanh thản.

- Ừm. Có thể.

Sa ngủ quên giữa chừng câu chuyện. Khi tỉnh dậy thấy ông ta để lại chiếc hộp. Mở ra thấy một chiếc chuông đồng. Một chiếc chuông hình bát mà Sa từng có lần nhìn thấy ở đâu đó. Dưới đế chuông có một mảnh giấy nhỏ gập lại. Vài dòng chữ liêu xiêu trên giấy khiến Sa nghĩ đến dáng người cô độc đi trong tuyết. “Tôi đã tìm thấy thứ cần tìm. Chiếc chuông này đã theo tôi trong suốt cuộc hành trình. Giờ thì chắc là cô sẽ cần đến nó”. Sa gõ thử một cái, tiếng chuông bay vào tâm thức, ngân dài…

“Mẹ ơi, củ đậu nhỏ con giấu dưới gậm giường đã mọc những chiếc mầm xanh non. Nhưng chúng lại muốn rời bỏ con đi tìm ánh sáng. Con sợ những tia nắng mặt trời cứ nhức nhối xoáy vào mắt con …”

“Mẹ ơi, em Na không nghe tiếng con gọi nhưng em hiểu những điều con muốn nói. Con ước gì em có thể hát ca. Có thể nghe thấy tiếng dế kêu ngoài vườn. Tiếng lá rơi ngoài sân. Tiếng chân mẹ lại gần. Tiếng của con mời gọi…”.

Sa cứ xoay, xoay mãi để nghe thấy tiếng của con thủ thỉ bên tai. Nếu không có tiếng chuông ngân, Sa sợ mình sẽ dần quên lãng tiếng của con vào tháng ngày chắp vá. Những cuộc gọi điện thoại gọi về nhà thưa dần, vì các con đã dần quen với sự vắng mặt của mẹ trong nhà. Sa cũng không biết con mình nghĩ gì. Mắt chúng dần vô hồn lẫn trong bóng tối hoặc những đám mây lãng đãng trên trời. Có đêm Sa mơ thấy xung quanh mình không còn ai hết. Chỉ có những âm thanh từ bóng đêm dội lại. Thứ âm thanh dồn nén và bất lực. Nghe như tiếng của bé Na muốn hét bung lồng ngực cố bật thành ngôn từ trong cuống họng. Bóng dáng của các con lẫn vào bóng tối, chỉ còn mình Sa trong luồng sáng vô hồn. Bật dậy khỏi cơn mê, Sa biết mình đã đến lúc phải trở về nhà. Các con Sa cần mẹ.

Những buổi sáng bình yên Sa hay nghe thấy tiếng chuông ngân lên từ tâm thức. Không có lời xì xào bên tai. Chỉ có tiếng chim ca, tiếng lao xao của những tán cây xanh ngát. Tiếng chuông kéo bé Mít ra ngoài ánh sáng chan hòa. Tiếng chuông diệu kỳ ấy chạm vào sâu thẳm trong tâm hồn một đứa trẻ từng bị điếc bẩm sinh. Tiếng chuông gột rửa tâm hồn Sa, thức tỉnh và dẫn dắt. Sa đèo con đến trường. Sa cùng con vui chơi. Những ngón tay của Sa cũng bắt đầu tập ngôn ngữ ký hiệu để có thể cùng Na chạm vào thế giới…

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/truyen-ngan-chuong-xoay-post55655.html