Truyện ngắn Borges: Khu vườn những lối đi rẽ đôi (kỳ 2)

Truyện ngắn 'Khu vườn những lối đi rẽ đôi' do Nguyễn An Lý dịch được in trong cuốn 'Truyện hư cấu'. Theo Borges, đây là một câu chuyện trinh thám.

Một ngọn đèn soi sáng ga tàu, nhưng mặt đám trẻ con vẫn khuất trong bóng tối. Một đứa hạch hỏi tôi: Ông đến nhà đốc tờ Stephen Albert hả? Không đợi trả lời, một đứa khác nói: Nhà đó còn xa, nhưng ông sẽ không bị lạc nếu cứ theo đường bên trái và tới mỗi ngã rẽ lại rẽ về bên trái. Tôi ném cho chúng một đồng xu (đồng cuối cùng), xuống vài bậc đá và bước lên con đường cô độc. Đường dần dà dốc xuống. Dưới chân là đất nguyên tố, phía trên cành nhánh đan nhau, mặt trăng tròn treo thấp dường như đồng hành cùng tôi.

Trong một khắc, tôi nghĩ rằng Richard Madden đã bằng cách nào đó nhìn thủng mục đích tuyệt vọng của tôi. Nhưng lập tức tôi hiểu rằng chuyện đó là bất khả.

Lời khuyên luôn luôn rẽ trái nhắc tôi rằng đấy là phương cách quen thuộc để tìm đến sân giữa của một vài mê cung nào đó. Tôi có biết ít nhiều về mê cung; chẳng gì thì tôi cũng là chắt của cụ Thôi Bản lừng lẫy, từng làm tổng đốc Vân Nam và đã từ bỏ quyền lực trần gian để lui về viết một cuốn tiểu thuyết còn đông nhân vật hơn cả Hồng lâu mộng và để xây một mê cung đủ sức làm lạc lối mọi người.

Mười ba năm ông dành ra cho hai công trình khác hẳn nhau đó, nhưng bàn tay một kẻ lạ mặt đã giết chết ông, cuốn tiểu thuyết của ông chẳng nghĩa lý gì còn mê cung không ai từng tìm thấy.

Dưới những tán cây Anh quốc tôi suy ngẫm về cái mê cung đánh mất: tôi tưởng tượng nó vẹn nguyên và hoàn mỹ trên đỉnh núi bí mật nào đó, tôi tưởng tượng nó bị xóa sạch vì ruộng lúa hay dìm dưới nước sâu, tôi tưởng tượng nó vô tận, không chỉ làm bằng những đài bát giác và những lối đường dẫn về lại chính mình, mà bằng những sông suối tỉnh thành vương quốc… Tôi nghĩ đến một mê cung làm bằng các mê cung, một mê cung ngoằn ngoèo lớn mãi gồm cả quá khứ tương lai và cách nào đó với lên các vì sao.

Chìm đắm trong những hình ảnh ảo đó, tôi quên bẵng số phận bị truy đuổi của mình. Tôi cảm thấy mình, trong một khoảng thời gian vô định, là một kẻ đang tri nhận thế giới một cách trừu tượng. Cánh đồng mờ tỏ nhưng đang sống, mặt trăng, buổi tàn ngày, đã tác động vào tôi; thêm cả con đường thoai thoải đã ngăn mọi khả năng mệt mỏi.

Đêm vừa gần gũi vừa vô tận. Con đường cứ đi xuống rồi rẽ đôi, giữa những đồng cỏ hoang mang. Một điệu nhạc cao vút và ngắt âm dạt tới rồi lại lùi xa trên ngọn gió đu đưa, nhòa đi vì lá cây và khoảng cách. Tôi nghĩ rằng một người có thể là kẻ thù của những người khác, của những khoảnh khắc khác của những người khác, nhưng không thể là kẻ thù của một đất nước; của đom đóm, từ ngữ, vườn cây, dòng nước, hoàng hôn.

Cứ thế tôi đi đến một cánh cổng cao han gỉ. Qua song cổng tôi luận ra được một lối đi và một thứ gì như đình hóng mát. Thình lình, tôi hiểu ra hai điều, điều thứ nhất tầm thường, điều thứ hai thật không tin được: tiếng nhạc vọng đến từ tòa đình kia và nhạc ấy là nhạc Trung Hoa.

Chính vì vậy mà tôi đã hoàn toàn chấp nhận nó, mà không để ý thấy nó. Tôi không nhớ cổng có dây chuông hay nút bấm hay tôi đã vỗ tay gọi cửa. Tiếng nhạc chập chờn vẫn tiếp tục.

Nhưng từ trong ngôi nhà thầm kín một cây đèn tiến lại gần: một cây đèn khi cắt ngang khi che khuất bởi những thân cây, một cây đèn lồng bằng giấy, có hình của trống và màu của trăng. Cầm đèn là một người rất cao. Tôi không thấy mặt ông, bởi đã lóa mắt vì ánh sáng. Ông mở cổng và nói chậm, bằng tiếng nước tôi:

- Tiên sinh Thấp Bằng ân cần, không để ta chịu cô tịch. Hẳn ngài tới chiêm ngưỡng khu vườn?

Tôi nhận ra tên một trong các lãnh sự nước tôi và hoang mang nhắc lại:

- Khu vườn?

- Khu vườn những lối đi rẽ đôi.

Có gì đó cựa quậy trong ký ức tôi và tôi thốt ra chắc nịch một cách khó hiểu:

- Khu vườn của cụ tổ Thôi Bản của tôi.

- Cụ tổ anh? Cụ tổ lỗi lạc của anh? Mời vào.

Lối đi ẩm ướt chạy hình chữ chi như những lối đi trong tuổi thơ tôi. Chúng tôi đi vào một thư phòng đầy sách đông tây. Tôi nhận ra, bìa bọc lụa vàng, một vài cảo bản từ bộ Đại điển đã mất biên soạn theo chiếu chỉ của vị Đệ tam hoàng đế triều Minh, chưa bao giờ được in. Đĩa hát quay trong máy quay đặt cạnh con phượng bằng đồng điếu. Tôi còn nhớ một bình hoa bằng sứ đỏ và một cái nữa, từ nhiều thế kỷ trước đó, mang màu men lam mà các nghệ nhân nước tôi đã bắt chước theo những thợ gốm Ba Tư…

Stephen Albert quan sát tôi, mỉm cười. Ông (như tôi đã nói) rất cao, đường nét sắc sảo, đôi mắt xám, chòm râu quai nón xám. Ở ông có nét gì của nhà tu hành mà lại có nét gì của tay thủy thủ; về sau ông cho biết từng đi truyền giáo ở Thiên Tân “trước khi mộng tưởng trở thành nhà Hán học”.

Chúng tôi ngồi xuống; tôi trên đi văng thấp dài; ông quay lưng lại cửa sổ và đối diện cỗ đồng hồ cao hình tròn. Tôi tính rằng độ một tiếng nữa kẻ truy đuổi tôi, Richard Madden, mới tới. Quyết tâm không phương đảo ngược của tôi có thể chờ được.

- Một số phận sửng sốt, tiên sinh Thôi Bản ấy, - Stephen Albert nói. - Làm tổng đốc quê hương mình, tinh thông thiên văn, am tường chiêm tinh, bậc thầy phiên giải kinh văn, kỳ thủ, thi nhân, thư gia danh tiếng: ông vứt bỏ tất cả để làm ra một cuốn sách và một mê cung. Ông từ bỏ hết mọi khoái lạc của áp bức cũng như công lý, của giường ôm gối ấp, đại yến tiệc tùng, của chính cả học vấn và khép mình suốt mười ba năm trong Thanh Tịch Đình. Khi tiên sinh từ trần, những người thừa kế chẳng tìm thấy gì ngoài một mớ bản chép tay hỗn độn. Gia đình, mà chắc anh không phải không hay, muốn gửi tất vào ngọn lửa; nhưng người thực hiện di chúc của ông (một vị sư hoặc đạo sĩ) nhất định đòi cho xuất bản.

- Những người mang dòng máu Thôi Bản, - tôi đáp lời, - tới nay còn nguyền rủa tay tu sĩ ấy. Xuất bản thứ đó thì thật điên rồ. Cuốn sách là một tập hợp bất quyết những bản nháp mâu thuẫn nhau. Tôi có từng xem qua một lần: nhân vật chính chết ở chương ba, sang chương bốn anh ta lại sống. Còn về công trình thứ hai của Thôi Bản, cái Mê cung của ông...

- Mê cung đó đây, - ông nói và chỉ một cái bàn viết cao phủ sơn mài.

- Một mê cung bằng ngà! - tôi thốt lên. - Một mê cung bé tí…

- Một mê cung biểu tượng, - ông chữa. - Một mê cung thời gian vô hình. Chính là tôi, kẻ người Anh mọi rợ này, đã được số phận ủy thác cho nhiệm vụ vén màn bí ẩn trong suốt ấy. Sau hơn một trăm năm, các chi tiết không còn truy lại được, nhưng cũng không khó suy đoán những điều đã xảy ra.

Thôi Bản có lần nói: Ta cáo quan về viết sách. Lần khác nói: Ta cáo quan về xây mê cung. Ai cũng tưởng tượng ra hai công trình; không ai nghĩ rằng cuốn sách và mê cung là một.

Thanh Tịch Đình đặt ở trung tâm một khu vườn có lẽ khá tinh vi; có thể vì thế người ta tưởng tượng một mê cung hữu hình. Thôi Bản tạ thế; không ai tìm thấy mê cung đó trong lãnh địa bao la thuộc về ông; tính chất hỗn loạn của cuốn tiểu thuyết xui tôi nghĩ rằng đây chính là mê cung đó. Hai sự kiện chỉ cho tôi lời giải đúng cho bài toán này. Một là: tương truyền, rất lạ lùng, Thôi Bản đã muốn xây nên một mê cung thực sự là vô tận. Hai là: một đoạn thư tôi bắt gặp.

Albert đứng dậy. Trong một lúc, ông quay lưng về phía tôi; ông mở ngăn kéo bàn viết đen thếp vàng. Ông quay lại cầm theo một tờ giấy ngày xưa màu đỏ thẫm; nay chỉ còn hồng và mờ chữ và sọc ca rô. Thủ bút Thôi Bản quả là danh bất hư truyền. Tôi đọc háo hức và không hiểu gì hết những chữ viết bằng bút lông nhỏ xíu của một người cùng máu mủ: Ta để lại cho các tương lai khác nhau (không phải cho tất cả) khu vườn những lối đi rẽ đôi của ta. Tôi im lặng đưa trả lại. Albert tiếp:

- Trước khi khai quật ra lá thư này, tôi đã tự hỏi bằng cách nào mà một cuốn sách có thể trở thành vô tận. Tôi không đoán ra cách nào ngoài một cuốn sách tuần hoàn, một cuốn sách vòng tròn. Một cuốn sách mà trang cuối cùng giống hệt trang đầu, có khả năng nối tiếp đến vô biên.

Tôi cũng nhớ lại đêm giữa Nghìn lẻ một đêm, khi hoàng hậu Scheherazade (vì một sự lãng trí ma thuật của người chép sử) bắt đầu kể lại nguyên văn câu chuyện Nghìn lẻ một đêm, có nguy cơ trở lại cái đêm đang kể chuyện và cứ lặp lại đến vô cùng.

Tôi cũng tưởng tượng một tác phẩm truyền thừa, như một ý niệm Platon, cha truyền con nối, mỗi đời sau lại thêm vào một chương hoặc sửa lại rất mực cẩn trọng và sùng kính những trang của cổ nhân. Những phỏng đoán đó đánh lạc đường tôi; nhưng không cái nào có vẻ tương tự mảy may với các chương sách mâu thuẫn nhau của Thôi Bản. Giữa lúc bối rối như vậy, tôi nhận được từ Oxford thủ bản mà anh vừa xem đó.

Cũng tự nhiên, tôi dừng lại ở câu: Ta để lại cho các tương lai khác nhau (không phải cho tất cả) khu vườn những lối đi rẽ đôi của ta. Gần như lập tức tôi hiểu ra; khu vườn những lối đi rẽ đôi là cuốn tiểu thuyết hỗn độn kia; đoạn các tương lai khác nhau (không phải cho tất cả) khiến tôi nghĩ đến một sự rẽ nhánh trong thời gian, không phải trong không gian.

Giả thiết ấy được củng cố khi đọc lại tổng thể cuốn sách. Trong mọi tác phẩm hư cấu, mỗi khi đối diện với nhiều lựa chọn khác nhau, nhân vật sẽ chọn một và loại trừ các đằng còn lại; trong tác phẩm gần như không đường tháo gỡ của Thôi Bản, kẻ đó chọn - cùng một lúc - tất cả các đằng. Như vậy hắn ta tạo ra những tương lai khác nhau, những thời gian khác nhau, đến lượt chúng cũng nhân lên và rẽ đôi. Từ đó mà có những mâu thuẫn trong cuốn sách.

Chẳng hạn, Phương có một bí mật; một kẻ lạ mặt tới gõ cửa; Phương quyết định giết hắn. Tất nhiên, có vài kết quả khả dĩ: Phương giết kẻ xâm nhập, kẻ xâm nhập giết Phương, cả hai thoát thân, cả hai cùng chết, vân vân.

Trong tác phẩm của Thôi Bản, tất cả các kết quả này đều xảy ra; mỗi cái lại là xuất phát điểm của những nhánh rẽ khác. Thỉnh thoảng, những lối đi trong mê cung này giao nhau: chẳng hạn, anh đến nhà này, nhưng trong một trong các quá khứ khả dĩ anh là kẻ thù của tôi, trong một quá khứ khác lại là bạn của tôi. Nếu anh không chê phát âm vô phương cứu chữa của tôi, chúng ta sẽ đọc vài trang.

Mặt ông, trong quầng đèn tròn sống động, không nhầm lẫn được là khuôn mặt một cụ già, nhưng có vẻ gì bất khuất, thậm chí còn bất tử. Ông đọc chậm rãi và nắn nót hai phiên bản của cùng một chương hùng tráng.

Trong bản đầu, một đội quân đang lên đường ra trận kéo quân qua một ngọn núi hoang; cảnh kinh hoàng giữa đá và bóng tối khiến họ coi thường tính mạng và dễ dàng thắng lợi; trong bản hai, cũng đoàn quân đó đi qua một cung điện đang tổ chức tiệc tùng; trận chiến huy hoàng đối với họ là một sự nối tiếp yến tiệc kia và họ giành thắng lợi.

Tôi lắng nghe cung kính những truyện xưa cũ đó, có lẽ đáng ngưỡng mộ vì chính nó thì ít mà đúng hơn vì đã được sinh ra từ máu mủ ruột rà tôi và được một người từ một đế quốc xa xôi khôi phục trả lại tôi, trên dòng một cuộc phiêu lưu tuyệt vọng, trên một hòn đảo phương Tây. Tôi nhớ những lời cuối cùng, lặp lại trong mỗi bản như một lời răn bí mật: Cứ thế các anh hùng chiến đấu, hùng tâm bình lặng, bảo kiếm hung tàn, cam tâm sẽ giết và sẽ chết.

Từ giây phút ấy, tôi cảm thấy quanh mình và trong cơ thể tăm tối của mình một sự kéo đàn nhung nhúc vô hình, không sờ nắn được. Không phải sự kéo đàn của những đạo quân tách khỏi nhau, chạy song song với nhau và cuối cùng lại nhập một kia, mà là một sự kích động khó với tới hơn nhiều, gần gũi hơn nhiều mà hai đạo quân kia cách nào đó đã báo trước. Stephen Albert tiếp:

- Tôi không tin rằng cụ tổ lỗi lạc của anh chỉ đùa chơi vô bổ với những biến tấu khác nhau. Tôi nghĩ ít có khả năng cụ hy sinh mười ba năm thực hiện không cùng tận một thí nghiệm tu từ. Ở nước anh, tiểu thuyết là một thể loại thấp kém; vào thời đó còn là một thể loại hạ cấp.

Thôi Bản là một tiểu thuyết gia cừ, nhưng cũng là một bậc văn nhân hiển nhiên không chỉ coi mình là một kẻ thuyết thoại xoàng. Lời chứng của những người đồng thời ông cho biết - và cuộc đời ông xác nhận - ông mang những mối quan tâm siêu hình học và thần bí học. Triết luận chiếm một phần lớn tiểu thuyết của ông. Tôi biết rằng trong mọi vấn đề, không cái nào khiến ông day dứt và miệt mài giải đáp cho bằng bài toán khôn dò về thời gian. Vậy mà, đấy là vấn đề duy nhất không xuất hiện trong các trang của Khu vườn. Ông còn không dùng đến chữ thời gian. Anh giải thích thế nào sự bỏ qua cố ý này?

Tôi đề xuất một vài lời giải; tất cả đều không thỏa đáng. Chúng tôi bàn bạc; cuối cùng, Stephen Albert nói:

- Trong một câu đố về cờ, chữ gì là chữ duy nhất bị cấm nhắc đến?

Tôi nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Chữ cờ.

- Không sai, - Albert nói. - Khu vườn những lối đi rẽ đôi là một câu đố, hay dụ ngôn khổng lồ về thời gian; chữ đó bị cấm chính vì nguyên do ẩn mật ấy. Hoàn toàn bỏ qua một chữ, viện đến những ẩn dụ kém cỏi và những cách diễn đạt vòng vèo lộ liễu, có lẽ là cách tốt nhất để nhấn mạnh chữ đó. Chính phương thức khổ sở ấy là cách ông lựa chọn, trong mỗi nhánh miên man của tiểu thuyết không biết mệt ấy, ông Thôi Bản lắt léo này. Tôi đã so sánh hàng trăm bản thảo, đã sửa lại những lầm lẫn mà người biên chép sơ ý đưa vào, đã suy luận ra sơ đồ của cảnh hỗn mang, đã dựng lại, đã tin rằng mình dựng lại được trật tự nguyên thủy của nó, đã dịch toàn bộ tác phẩm này: tôi biết chắc rằng ông không một lần dùng đến chữ thời gian. Lời giải thích đã rõ ràng: Khu vườn những lối đi rẽ đôi là một hình ảnh không trọn vẹn, nhưng không sai lầm, về vũ trụ quan của Thôi Bản. Khác với Newton hay Schopenhauer, cụ tổ anh không tin vào một thời gian đồng dạng và tuyệt đối. Ông tin vào những chuỗi vô tận thời gian, một mạng lưới tăng tiến và chóng mặt những thời gian tách xa, hợp lại và song song. Mạng những dòng thời gian đến gần nhau, rẽ nhánh khỏi nhau, cắt đứt nhau, hoặc đơn thuần là không biết đến nhau qua hàng thế kỷ này chứa toàn bộ mọi khả năng. Chúng ta không tồn tại trong đại đa số những dòng thời gian ấy; trong một vài cái, có anh nhưng không có tôi; trong vài cái khác có tôi mà không có anh; trong vài cái khác lại có cả hai chúng ta. Trong dòng thời gian hiện tại, mà ngẫu nhiên đã ưu ái dành cho tôi, anh đã tới nhà tôi; trong cái khác anh đi qua vườn bắt gặp tôi đã chết; trong cái khác, tôi cũng nói đúng những lời này, nhưng tôi là một lầm lẫn, một bóng ma.

- Trong tất cả, - tôi thốt lên không khỏi run rẩy, - tôi đều cảm phục và kính trọng ông đã tái dựng khu vườn của Thôi Bản.

- Không phải là tất cả, - ông lẩm nhẩm với một nụ cười. - Thời gian không ngừng rẽ nhánh về những tương lai vô số. Trong một trong số đó tôi là kẻ thù của anh.

Tôi lại cảm thấy sự nhung nhúc như lúc nãy. Dường như khu vườn ẩm ướt quanh nhà đang ngập tràn vô tận những nhân vật vô hình. Những nhân vật đó là Albert và tôi, bí mật, bận rộn, muôn hình muôn dạng trong các chiều kích thời gian khác. Tôi ngước mắt và cơn ác mộng nhạt mờ kia tan biến. Trong khu vườn vàng và đen chỉ có một người; nhưng người đó mạnh mẽ như pho tượng, nhưng người đó đang tiến lại trên lối đi và đó là đại úy Richard Madden.

- Tương lai đã tồn tại rồi, - tôi đáp, - nhưng tôi là bạn ông. Cho phép tôi xem lại bức thư?

Albert đứng dậy. Cao lớn, ông mở ngăn kéo cái bàn cao; trong một khắc ông quay lưng về phía tôi. Tôi đã chuẩn bị sẵn khẩu súng. Tôi bắn rất cẩn thận: Albert gục xuống không rên rỉ, ngay lập tức. Tôi thề rằng cái chết đã đến với ông tức khắc: một tia sét.

Phần còn lại đều phi thực, không đáng nói. Madden xông vào bắt tôi. Tôi đã bị kết án treo cổ. Một cách kinh tởm, tôi đã thắng: tôi đã truyền đạt được cho Berlin cái tên bí mật của thành phố cần tấn công. Hôm qua họ đã ném bom; tôi đọc tin đó trong chính những tờ báo đã đặt với nước Anh câu đố khó hiểu rằng nhà Hán học uyên thâm Stephen Albert đã bị sát hại bởi một kẻ lạ mặt, Vũ Thôn. Sếp đã giải mã được câu đố đó. Hắn biết bài toán đặt cho tôi là chỉ đến (vượt qua tiếng huyên náo chiến tranh) thành phố mang tên Albert và tôi không tìm được cách nào hơn là giết một người mang tên đó. Hắn không biết (không ai có thể biết) nỗi ăn năn và mệt mỏi vô bờ của tôi”.

Jorge Luis Borges/NXB Hội nhà văn & Phanbook

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-ngan-borges-khu-vuon-nhung-loi-di-re-doi-ky-2-post1436960.html