Truyện ngắn: Bến Gừa

Nguyên phân vân dừng xe trước ngã ba đường. Làng Long Thạnh bây giờ đổi thay nhiều quá. Nhìn mãi mà Nguyên không tìm đâu ra cái nét tiều tụy, hốc hác của hơn hai mươi năm về trước.

Nhà văn Trần Dũng.

Làn gió bấc hanh hao làm cho gương mặt làng ven biển cứ như cô gái tuổi đôi mươi hây hây má đỏ, háo hức đón xuân về. Nguyên thấy vui trong bụng, biết đâu Long Thạnh hôm nay vượt qua đói khổ chẳng có chút công anh năm xưa góp vào. Nghĩ cũng lạ, cái nghề làm báo năm đồng bảy đỗi, hiếm khi có dịp hai lần đặt chân lên một vùng đất vậy mà cái xứ sở xa mịt mùng, nhỏ như cái chén úp này vẫn khiến anh phải trở lại. Lần trước anh sắm vai người hùng vạch trần thủ đoạn của đám cán bộ xã lập hồ sơ khống cho một phụ nữ bá vơ nhận suất liệt sĩ. Hôm nay anh lại trở về để ghi nhận một mô hình kinh tế tư nhân đang ăn nên làm ra, nổi danh khắp cả nước. Bất giác, Nguyên cảm thấy hơi choáng. Chắc là do cái nắng chói chang giữa trưa miền biển. Thấp thoáng dáng người đàn bà mặc áo bà ba màu xanh lá mạ từ xa ngược về phía mình, Nguyên đon đả:

- Chị ơi! Cho tôi hỏi thăm đường về khu du lịch sinh thái Bến Gừa?

- Bến Gừa? - Người đàn bà ngước nhìn lên khiến Nguyên giật mình. Màu xanh lá mạ của chiếc áo bà ba đã đánh lừa anh. Bên dưới chiếc nón lá cũ kỹ là một gương mặt nhợt nhạt và nhăn nheo làm cho người đối diện khó đoán định tuổi tác nhưng chắc chắn là không còn trẻ nữa. Lạ nhất là ánh mắt, vừa thăm thẳm vừa xa xôi, vừa nhìn anh lại chừng như không nhìn vào ai cả: Bến Gừa? - Người đàn bà lại lẩm bẩm: Phải rồi... ở dưới Bến Gừa!

Và người đàn bà đi thẳng, bỏ Nguyên một mình bối rối giữa ngã ba.

* Đêm nay, Nguyên nghỉ lại Bến Gừa. Cái gì cần biết cho bài viết, anh đã biết rồi sau một buổi chiều cùng giám đốc Tâm ngồi trên chiếc ca nô ngược xuôi trên những con xẻo ngoằn ngoèo xuyên qua dãy rừng đước nguyên sinh. Lâu rồi, mải bở hơi tai chạy theo những câu chuyện nóng hổi, ly kỳ của nghề nghiệp mà anh ít có dịp cho phép mình những phút giây thư thả với tiếng chim kêu, với dòng nước chảy. Thêm nữa, hình như vẫn còn điều gì đó ẩn sâu trong suy nghĩ của anh chàng giám đốc có mái tóc muối tiêu đã một mình giữ lại màu xanh của mấy mươi mẫu rừng ngập mặn trước sức tấn công dữ dội của con tôm sú...

Chèo thuyền trong ánh hoàng hôn (ảnh AFP)

Đêm Bến Gừa xao xác lạnh. Chai rượu đã vơi dần. Giọng giám đốc Tâm vẫn trầm trầm:

- Hồi đó, tôi như một thằng khùng vừa bị cuộc đời đá văng ra khỏi con đường công danh sự nghiệp. Mà không khùng sao được... đang như cánh diều no gió bỗng dưng đứt dây, rơi bịch xuống đất. Rồi cả làng Long Thạnh hè nhau phá rừng nuôi tôm. Tôi đâu còn cách nào khác cũng liền nhào vô, tiền vay bạc hỏi, máy cạp máy đào, mong có ngày đổi vận. Cho tới một ngày, nói chính xác hơn, cho tới một đêm, cũng là một đêm trăng tròn đầu mùa gió bấc như đêm nay...

Cầm ly rượu giám đốc Tâm đưa, Nguyên dõi mắt nhìn lên. Ánh trăng vành vạnh treo chênh chếch, xuyên qua những tán dù xanh màu lá đước, rồi trôi dài, trôi dài trong màn sương mỏng tang. Thi thoảng, làn khói từ mẻ hun muỗi đặt phía đầu hồi bùng lên. Chạm phải màu xanh dát bạc lung linh của ánh trăng, nó vây tròn, bắt lấy và trả ngược về phía trời cao. Đêm Bến Gừa thật yên tĩnh. Vẳng tiếng vo ve của mấy chú muỗi ham mồi cố tìm cách băng mình qua làn khói. Tiếng côn trùng gọi nhau rả rích. Tiếng sủi tăm ro ro của mấy anh chàng ba khía to càng giữa đêm thanh vắng đợi bạn tình... Và hình như vừa có tiếng gì đó nhẹ còn hơn tiếng chiếc lá rơi mơ hồ như không như có. Giám đốc Tâm buông ly, bật dậy, lao thẳng về phía bờ sông:

- Cô ơi!

Nguyên giật mình chạy theo. Anh ngó dáo dác mà chẳng nhận ra một bóng người. Dưới ánh trăng mờ ảo, giám đốc Tâm đứng bên gốc gừa, mắt dõi về phía hun hút như đang cố tìm cái gì đó trong màn sương mỏng.

- Anh gọi ai? - Nguyên đặt tay mình lên vai giám đốc Tâm mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Anh có nghe tiếng thở dài vừa rơi ra bên bờ sông vắng không? - Giám đốc Tâm hỏi lại.

- Không mà hình như là... có! - Nguyên trả lời mà không tin chắc vào những gì mình nghe được.

- Đó, chính cái tiếng thở dài nhẹ như sương như khói giữa đêm trăng huyễn hoặc mấy chục năm trước đã khiến tôi chùn bàn tay đào phá, giữ lại nguyên vẹn màu xanh của dải rừng đước quanh Bến Gừa...

Đến bây giờ Nguyên mới nhận ra, ngoài những cây đước san sát như bó đũa chen nhau vươn thẳng lên trời, ở đây còn có một gốc gừa cổ thụ soi mình bên dòng nước ầm ào tuôn ra biển cả. Và hình như chính gốc gừa này mới là trung tâm của cả khu du lịch mà giám đốc Tâm mấy chục năm trời dốc công xây dựng. Mặc cho bạn bè chung quanh tranh đua, giành giật nhau chút không gian chật chội để hướng mình tắm nắng mặt trời, gừa lặng lẽ và bình thản thu mình lại. Năm tháng trôi đi, từ thân, từ tược, từ cành gừa lại buông từng chùm rễ cắm chặt vào đất. Bền chặt trước thời gian. Bền chặt trước bão giông sóng gió.

- Chính tại bến sông này, dưới bóng mát cội gừa này, năm xưa bà con tứ xứ gom về Long Thạnh tiễn đưa con em mình xuống tàu tập kết! - giọng giám đốc Tâm ngùi ngùi đưa Nguyên trở ngược thời gian: Phải chăng chính những giọt nước mắt chia ly của những người mẹ, người vợ đã tưới đẫm cho gừa thêm xanh cành chặt rễ. Ngày cuối cùng, khi vầng trăng vừa nhô khỏi ngọn gừa, không thể nấn ná hơn nữa, anh bộ đội cuối cùng rời bước. Chiếc tàu cuối cùng đã nhổ neo. Một cô gái trẻ mặc chiếc áo bà ba màu xanh lá mạ nghe đâu từ miền nước ngọt Hậu Giang vừa bươn bả trờ tới. Con tàu chẳng thể quay mũi mà cô gái cũng chẳng thể băng mình ra khơi. Khoảng cách giữa họ mỗi lúc một xa thêm. Tiếng còi tàu, tiếng sóng biển không át đi tiếng lòng của hai con người thổn thức. “Lo cho má giùm anh. Hai năm, anh về!”. “Em sẽ chờ anh, nhất định em sẽ chờ anh!”. Trong màn sương đầm đìa nước mắt, dáng anh và dáng con tàu nhòa dần, nhòa dần rồi tan vào biển cả mênh mông.

Ánh trăng nhẹ lên cao. Gió bấc thổi về se sắt lạnh. Người đưa tiễn lặng lẽ, ai về quê nấy. Trên bến vắng dưới cội gừa chỉ còn trơ lại cô gái trẻ và bà mẹ già. Họ ôm chầm lấy nhau, mặc cho những giọt nước mắt chảy dài. Một thời gian sau, căn chòi nhỏ của bà mẹ già xóm Bến Gừa có thêm bóng dáng cô gái trẻ. Họ cùng nương tựa, chăm sóc nhau cho nỗi đợi chờ cứ dài ra theo năm tháng.

Hai năm. Ba năm. Rồi năm năm...

Căn chòi ngày thêm rách nát nhưng nỗi đợi chờ cứ bền chặt với thời gian. Bóng người mẹ già ngày một gần hơn với đất. Bóng cô gái trẻ cứ tất tả vào ra chén cơm manh áo, viên thuốc chai dầu. Chưa một ngày làm vợ cũng vẹn nghĩa dâu con. Trong lửa đạn cứ mơ ngày tan giặc nước.

Thân gái yếu mềm rơi vào vòng vây quỷ dữ. Giận mình không giữ được cái quí nhất cuộc đời cho người đi xa, cô gái trẻ men ra bờ sông vắng định gieo mình vào dòng nước xoáy. Tiếng bà mẹ già khúc khắc ho trong đêm mưa bão. Thương mẹ già ngày mỗi ngày thêm xa trời gần đất, cô gái nuốt nước mắt âm thầm quay về với bổn phận dâu con.

Năm năm. Mười năm. Rồi hai mươi mốt năm...

Người mẹ già vĩnh viễn nằm lại với gió mưa. Bóng người phụ nữ đơn côi trong căn chòi rách nát lồng vào bóng cội gừa bên bờ sông vắng. Đêm đêm lắng nghe trong xạc xào gió bấc mòn mõi chờ mong tiếng bước chân người trai trẻ năm xưa quay gót trở về.

Quê hương tan bóng giặc. Những chàng trai trẻ năm nào từ làng quê Long Thạnh ra đi, lần lượt trở về. Có người về tới đầu làng có pháo nổ cờ giong. Có người về với mảnh thân tàn tạ. Cũng có người về trên tấm bằng Tổ quốc ghi công... Duy chỉ một người vẫn như bóng chim tăm cá, mặc cho người thiếu phụ bên cội gừa ngày ngóng đêm trông. Tin tức về anh còn mỏng hơn làn sương cuối chạp: Hồi ác liệt nhất, anh đã tình nguyện lên đường về Nam chiến đấu!

Hai mươi mốt năm. Hai mươi hai năm. Rồi hai mươi lăm năm...

Dáng người thiếu phụ Bến Gừa ngày thêm tiều tụy, liêu xiêu. Bàn thờ nhỏ dựng lên giữa căn chòi nhưng chén nhang thì úp xuống. Chiều nào bà cũng ra bờ sông vắng, mắt đăm đắm dõi về phương ngọn nguồn cơn gió bấc.

Ủy ban xã bàn nhau hoài mà không biết đưa người thiếu phụ cô đơn tội nghiệp ấy vào diện nào để có chút an ủi cuối cùng cho một người đã đánh mất tuổi xuân qua mấy mươi năm chờ đợi. Anh chủ tịch trẻ túng thế cậy người chứng nhận rồi làm hồ sơ liệt sĩ cho chàng bộ đội tập kết không về và người thiếu phụ Bến Gừa trở thành vợ liệt sĩ. Sự việc lở dở, anh chủ tịch nhận kỷ luật về nhà nuôi tôm còn người thiếu phụ bị buộc bồi hoàn những gì vốn không phải của mình. Không đồng bạc lận lưng, bà bị đưa vào trại giam trên huyện...

*

- Hồ sơ liệt sĩ giả? - Nguyên bồn chồn không yên: Phải cái vụ của Long Thạnh rùm beng trên báo hồi năm đó?

- Phải! - giọng giám đốc Tâm vẫn trầm trầm.

- Rồi... người thiếu phụ ấy bây giờ làm gì? Ở đâu? - Nguyên chết đứng trong bụng. Anh không thể nào ngờ chuyện làm năm xưa mà mình cứ cho là đúng lại đẩy người khác vào cảnh bi thương hôm nay.

- Hơn hai mươi năm nay, chưa ai gặp lại người đàn bà trái tim hóa đá ấy. Nghe nói, thỉnh thoảng vào những đêm trăng sáng đầu mùa gió bấc, có người thoáng trông thấy một người đàn bà mặc áo màu xanh lá mạ đứng bên cội gừa ngó ra dòng sông vắng, đánh rơi một tiếng thở dài.

- Còn tay chủ tịch xã?

- Đang đứng trước mặt anh!

- Là... anh? - Nguyên giật mình. Trái đất quả có hình tròn. Nguyên không hiểu mình đang gặp lại cố nhân hay gặp lại oan gia: Anh có oán hận anh chàng nhà báo năm đó không?

- Có. Có nhiều nữa là khác! Đang như cánh diều no gió bỗng dưng... Nhưng dần dần nghĩ lại. Làm sai thì mình phải chịu. Luật là luật thôi!

Nguyên cố nhìn vào mắt giám đốc Tâm. Ánh trăng run run yếu ớt khiến mọi vật rơi vào trạng thái hư hư ảo ảo. Rất có thể anh chàng giám đốc không nhận ra gương mặt trẻ trung của tay nhà báo năm xưa ẩn dưới những nếp nhăn, cộng thêm mái tóc đã hoa râm và cặp kính dày cộp. Nhưng cũng có thể... biết đâu được từ cái bắt tay đầu tiên hồi giữa trưa. Mấy chục năm rong ruổi với nghề làm báo, lòng dặn lòng lấy sự thật làm thước đo mọi giá trị trên đời nhưng mãi đến hôm nay Nguyên mới nhận ra cũng có những sự thật cứ để nó tồn tại trong màn sương mờ ảo. Bất giác giám đốc Tâm nắm lấy tay Nguyên:

- Có thật là anh có nghe tiếng thở dài hay là tôi bị ảo giác?

Hình ảnh người đàn bà lạ lùng mặc áo bà ba màu xanh lá mạ hồi trưa giữa ngã ba đường loáng thoáng hiện ra trong trí nhớ, Nguyên nắm chặt bàn tay giám đốc Tâm:

- Có, tôi có nghe!

Làn gió bấc nhẹ lướt qua. Nguyên khẽ rùng mình. Đâu đó một chiếc lá gừa nhẹ rơi, trôi dài trong màn sương mỏng.

Truyện ngắn của TRẦN DŨNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/truyen-ngan-ben-gua-629749.ldo