Truyền máu để… cải lão hoàn đồng?

Lão hóa vốn là quá trình một đi không trở lại, khiến con người dần trở nên già nua và phải đối diện cái chết. Thế nhưng, nhiều ý kiến vẫn tin rằng có thể đảo ngược một số khía cạnh của lão hóa, giúp biến giấc mơ bất tử, trẻ mãi không già và cải lão hoàn đồng trở thành hiện thực.

Gần đây, xuất hiện một phương pháp đang gây tranh cãi là truyền máu của người trẻ để chậm lão hóa người già.

Những bằng chứng... trên chuột

Câu chuyện trẻ hóa nhờ máu được làm nóng từ thí nghiệm của Tony Coray - Giáo sư chuyên ngành Lão hóa thuộc Đại học Stanford (Mỹ). Nhóm các nhà khoa học trong quá trình thí nghiệm phẫu thuật hai con chuột dính liền nhau đã tiến hành truyền máu của con chuột trẻ sang con chuột già và ngược lại.

Sau một thời gian, kết quả phân tích hậu phẫu cho thấy, số tế bào thần kinh trong vùng hồi hải mã (vùng chịu trách nhiệm học tập và ghi nhớ) trên não bộ của con già tăng lên gấp 3-4 lần, gần bằng số lượng của con chuột trẻ.

Liên hệ với máu người, nhóm nghiên cứu đưa ra một số giả định về “thuốc giải” nằm ở máu những người trẻ tuổi. Họ nghi ngờ, lúc chào đời, máu người tràn ngập protein giúp mô lớn và mau lành. Trong giai đoạn trưởng thành, nồng độ protein này giảm mạnh, có thể do lập trình di truyền.

Nghiên cứu trẻ hóa từ máu đang tiến hành trên chuột.

Nghiên cứu trẻ hóa từ máu đang tiến hành trên chuột.

Cuối cùng, những protein tươi trẻ này dần biến mất, khiến các mô lão hóa dần. Nếu hiểu rõ cách thức chúng làm việc, có thể làm chậm, thậm chí đảo ngược quá trình lão hóa.

Sau nhiều nỗ lực, nhóm nghiên cứu tuyên bố phát hiện protein CREB - đóng vai trò như một công tắc tắt bật nhiều gene cùng lúc và là công cụ giúp người ghi nhớ và học hỏi từ lúc sơ sinh. Để chắc chắn huyết tương trẻ tác động thông qua CREB, Giáo sư Tony và cộng sự tạo ra một loại virus tắt đi cơ chế điều khiển này, và thử nghiệm cho kết quả tích cực trên chuột, dù tác động không hoàn toàn. Ngoài ra, yếu tố nghi ngờ lão hóa B2M cũng được tìm thấy, tồn tại nhiều nhất trong máu của chuột già, và gây suy giảm trí nhớ khi được tiêm vào chuột trẻ.

Trong một nghiên cứu độc lập khác đến từ Trường Đại học California (San Francisco), các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật parabiosis - phẫu thuật kết nối các hệ thống tuần hoàn của một đôi chuột có độ tuổi tương đối khác nhau - để giải thích vì sao máu của chuột non có tác dụng cải thiện trí nhớ cho những con chuột già.

Kết quả chỉ ra sự thay đổi của enzyme Tet2 có vai trò trong hoạt động điều tiết biểu sinh ở một số gene. Theo đó, lão hóa có thể khiến tích tụ đột biến trong các gene chứa Tet2, làm gia tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch.

Khi đưa các chuỗi ARN ngắn nhằm hạn chế hoạt động của Tet2 ở chuột 3 tháng tuổi, các tế bào thần kinh ở vùng hồi hải mã đều bị suy giảm chức năng. Trong khi đó, nếu kích thích loại enzyme này thì mât độ Tet2 lên cao đã chứng minh khả năng gia tăng các hoạt động biểu sinh và tạo ra những tế bào não mới.

Từ đây, nhóm nghiên cứu kết luận, phân tử Tet2 có thể ngăn quá trình suy giảm trí nhớ và tăng cường một số chức năng nhận thức trong não chuột trưởng thành, từ đó góp phần làm chậm quá trình lão hóa.

Niềm tin mong manh

Các nghiên cứu trên chuột, cùng niềm tin về máu người trẻ có tác dụng cải lão hoàn đồng, đã trở thành “cần câu cơm” của nhiều công ty. Larry Ellison - đồng sáng lập của Oracle thành lập Công ty Ambrosia chuyên cung cấp huyết tương của người trẻ từ 16-25 tuổi từ ngân hàng máu cho người trên 35 tuổi, với giá 8.000 USD/2 lít huyết tương. Công ty tuyên bố kết quả thử nghiệm cho thấy những người lớn tuổi sau khi được truyền máu của thanh thiếu niên đều “cảm thấy tăng thêm năng lượng”.

Ngoài ra, phía Ambrosia khẳng định sức khỏe của nhiều bệnh nhân tim mạch, ung thư hay Alzheimer đều “tỏ ra cải thiện theo hướng tích cực”, cho rằng tác dụng trẻ hóa là... gần như vĩnh viễn.

Nhiều công ty đã lợi dụng các nghiên cứu trên chuột và niềm tin về máu người trẻ có khả năng chống lão hóa để kinh doanh.

Trên thực tế, ý tưởng dùng máu để cải lão hoàn đồng xuất hiện từ khoảng những năm 1950, với một số thí nghiệm đầu tiên. Thế nhưng cho đến nay, chưa một ai có thể giải thích rõ ràng những bí ẩn liên quan đến máu cùng cơ chế hoạt động của quá trình máu biến đổi trong cơ thể người. Những nghiên cứu trên mới dừng lại ở chuột, chưa ai chứng minh được tính hiệu quả của nó trên người. Vì vậy, vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn, và đặc tính trẻ hóa của máu người trẻ cần phải được nghiên cứu dưới góc độ y học cho người.

Ngoài ra, các chuyên gia đều lên tiếng cảnh báo chưa có bằng chứng khoa học nào đủ xác thực về tác dụng cải lão hoàn đồng của máu, chưa kể nguy cơ truyền nhiễm bệnh và các vấn đề đạo đức. Một vài quốc gia đã thiết lập thị trường pháp lý cho máu và huyết tương. Kinh doanh huyết tương là ngành hợp pháp, nhưng chứng minh được máu có tác dụng chống lão hóa thì nguy cơ lợi dụng khai thác rất cao, làm dấy lên nỗi e ngại về thị trường chợ đen rùng rợn. Khi đó, trẻ em có thể bị bắt cóc với giá cao để lấy máu, hoặc bùng nổ môi giới bán máu giả, hoặc kém chất lượng.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cảnh báo, vì chưa thực sự có cơ sở rõ ràng nên không thể sử dụng liệu pháp truyền máu người trẻ để chống lão hóa cho người già. Theo các nhà nghiên cứu, cách đơn giản để giúp các tế bào chống lại sự lão hóa là tuân thủ lối sống lành mạnh, với chế độ ăn uống nhiều rau quả, tập thể dục đều đặn hàng ngày và kiểm soát sự căng thẳng.

Trong tương lai, sự phát triển của khoa học công nghệ hi vọng sẽ giải mã bí ẩn của sự bất tử, hứa hẹn những liệu pháp cải lão hoàn đồng được thử nghiệm thành công trên chính cơ thể con người...

Nam Hồng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/truyen-mau-de-cai-lao-hoan-dong-562192/