Truyền lửa tình yêu nghệ thuật truyền thống

Sân đình Hào Nam (phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa) một ngày cuối tháng 8 rộn rã tiếng trống chèo. Nhiều em học sinh của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con đã có mặt từ sớm, trong sự háo hức khi lần đầu được biết thế nào là "chèo sân đình". Những tràng pháo tay rộ lên khi hai anh "hề mồi" xuất hiện. Trong tay mỗi anh là hai cây đuốc. Trong khi hai anh "hề mồi" diễn trò, NSƯT Tuấn Kha (Nhà hát Chèo Việt Nam) giới thiệu anh hề mồi chính là người "dẹp đám", hay "ổn định chỗ ngồi" trước khi bắt đầu một buổi diễn. Chỉ sau một vài tiết mục, các em nhỏ được chia làm ba đội để tham gia các hoạt động trải nghiệm chèo thông qua các bài thi. Khởi đầu là nhận diện các nhân vật. Bằng những hình ảnh minh họa sinh động, các em đã biết thế nào là các nhân vật như kép, đào, hề, mụ... Phần thi "Nhìn hình, đoán ý" giúp các em hiểu thêm về tính ước lệ trong biểu diễn chèo. Sôi nổi hơn cả là các phần thi mang tính "nhập vai". Hai bạn nhỏ đại diện mỗi đội được hướng dẫn vào vai anh "hề mồi", với động tác di chuyển, kết hợp múa có bó đuốc trong tay. Sau khi thử động tác, một số bạn đã vào vai một cách sinh động, được sự ngợi khen của các nghệ sĩ. Màn thử hát một câu chèo cũng khiến không khí hết sức sôi nổi. Khó nhất là sau khi xem biểu diễn trích đoạn Vu quy trong vở Quan âm Thị Kính, các em nhỏ được học cách hát, múa "Duyên phận phải chiều" và biểu diễn báo cáo trước mọi người. Nghệ sĩ Tuấn Kha đánh giá, nhiều em rất có năng khiếu biểu diễn hát chèo.

Trải nghiệm với chèo sân đình là chương trình thứ ba trong chuỗi chương trình "Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội năm 2018" do Trung tâm Văn hóa Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao) phối hợp các đơn vị nghệ thuật tổ chức. Với mục tiêu để mọi người, nhất là các bạn trẻ được tiếp cận, trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm Văn hóa Hà Nội lập fanpage trên mạng xã hội để mọi người có thể đăng ký tham gia làm nhân vật trải nghiệm. Ở mùa trải nghiệm năm nay, chương trình đem đến năm loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Múa trống bồng (làng Triều Khúc), hát xẩm, hát chèo, ca trù, chầu văn. Ở các chương trình trước, các bạn trẻ đã tham gia chương trình "Người giữ nhịp cho xẩm" với các nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Hoạch, Đào Bạch Linh; các em học sinh Trường THCS Tân Triều giao lưu, làm quen và tập múa điệu múa trống bồng.

Mỗi chương trình đều để lại những ấn tượng khác nhau. Ở hoạt động trải nghiệm "Đặc sắc điệu múa Trống Bồng làng Triều Khúc", có một chi tiết thú vị là theo hương ước xưa, điệu múa Trống Bồng chỉ được truyền cho nam giới và dành cho người trong làng. Vì thế, để các bạn trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm, các nghệ nhân đã phải nghiên cứu lên chương trình sao cho hợp lý nhất. Các nghệ nhân như Triệu Đình Vạn, Triệu Đình Hồng dù đều ở độ tuổi 70, 80, nhưng vẫn mặc váy, vấn khăn mỏ quạ để biểu diễn cho các bạn trẻ. Ở chương trình "Người giữ nhịp cho xẩm", 15 bạn trẻ tham gia là những người làm nhiều ngành nghề khác nhau, người là doanh nhân, người là giảng viên đại học, sinh viên hay làm nghề tự do... Điều thú vị ở chương trình là ngoài giao lưu, tìm hiểu với Nghệ sĩ Nhân dân hát xẩm Xuân Hoạch, các bạn trẻ còn được trò chuyện, trải nghiệm với những nhà nghiên cứu, những nghệ nhân thế hệ 8x, 9x... Niềm vui, sự tò mò khi tham dự các chương trình chứng tỏ không phải giới trẻ quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống, mà dường như vấn đề nằm ở việc tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện cho lớp trẻ tiếp cận nghệ thuật truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu. Mỗi người đến với chương trình vì một lý do khác nhau, nhưng nền tảng chung là tình yêu, sự say mê. Bạn Trần Anh Thư (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, bạn đang có ý định đi du học, và trong hành trang, bạn muốn đem theo một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đó là lý do bạn muốn tìm hiểu thêm về hát xẩm.

Con đường giúp giới trẻ trải nghiệm nghệ thuật truyền thống vẫn tiếp tục với Trung tâm Văn hóa Hà Nội. Ngoài các chương trình giới thiệu về ca trù, hát xẩm sắp được tổ chức, Trung tâm còn tiếp tục thực hiện chương trình ở những năm sau. Nhìn những gương mặt háo hức, những nụ cười, những tràng pháo tay, những màn "thử vai" đôi khi vụng về nhưng vẫn đầy hăng hái của các bạn trẻ, có thể thấy nghệ thuật truyền thống luôn có chỗ đứng nếu được giới thiệu đến cộng đồng. Nghệ nhân hát xẩm Ngô Văn Hảo chia sẻ: "Nhiều người cho rằng giới trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống, nhưng thực chất các bạn trẻ chưa có nhiều dịp tiếp cận để rồi từ đó có quyền lựa chọn giữa nghệ thuật truyền thống hay các loại hình nghệ thuật hiện đại khác".

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37540502-truyen-lua-tinh-yeu-nghe-thuat-truyen-thong.html