'Truyền lửa' cho tuổi trẻ quân đội qua những trang sách

Văn hóa đọc của thanh niên nói chung và thanh niên quân đội nói riêng hiện nay như thế nào? Bằng cách nào để thu hút người trẻ đến với sách? Đó là trăn trở của những người làm sách hôm nay.

Từ năm 2012, được Ban giám đốc Thư viện Quân đội phân công làm công tác tổ chức giới thiệu sách qua những cuộc giao lưu giữa tác giả, tác phẩm với bạn đọc là cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị trong toàn quân, tôi càng có điều kiện nghiên cứu tài liệu, sách vở, thơ, văn về lịch sử truyền thống hào hùng của Quân đội ta. Đồng thời, tôi cũng có may mắn được tiếp xúc với các nhân chứng, những nhà văn, nhà thơ, các tướng lĩnh, anh hùng trong quân đội... những người trực tiếp cầm súng đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, như: Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trung tướng Phạm Phú Thái, Thiếu tướng-nhà văn Hồ Phương, Đại tá Hoàng Đăng Vinh... Đó chính là những người “truyền lửa” nhiệt huyết và hứng thú đọc sách cho thế hệ trẻ hôm nay.

Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc khi được nghe các nhân chứng lịch sử kể những câu chuyện, ký ức chiến tranh. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, trong một buổi giao lưu đã tâm sự: “Tôi tự hứa với lòng mình, nếu còn sống trở về, tôi sẽ viết về những năm tháng chiến tranh đau thương và oanh liệt mà tôi đã trải qua, được chứng kiến; đồng thời tin rằng, những điều dang dở mà thế hệ trước chưa làm được thì thế hệ sau nhất định sẽ làm được, lòng yêu nước vẫn luôn tiềm ẩn trong mỗi người lính trẻ”. Và ông đã viết kịch bản phim “Mùi cỏ cháy” dựa trên các cuốn nhật ký chiến tranh như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, “Tài hoa ra trận” của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân, “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc... "Mùi cỏ cháy" được ví như một khúc tráng ca về một thế hệ thanh niên Việt Nam tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh-người trong tổ bắt sống tướng De Castries trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, từng chia sẻ: “Tôi rất thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Những sự hy sinh đó sẽ tiếp tục tạo nên ngọn lửa, thôi thúc thế hệ trẻ rèn luyện, phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh đất nước, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc”.

Thực tế cho thấy, để tăng tính hiệu quả trong tuyên truyền giới thiệu sách, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền bằng các hình thức giao lưu tác giả, tác phẩm, với nhân chứng lịch sử có “sân khấu hóa” (kèm các tiết mục văn nghệ của chính các chiến sĩ tại đơn vị). Trong các buổi giới thiệu sách, thay vì đọc những bài giới thiệu tác phẩm dài lê thê, chúng ta nên lồng ghép trình chiếu các clip và các tiết mục văn hóa, văn nghệ phù hợp với chủ đề tuyên truyền. Quan trọng nhất là phải biết cách thiết kế nội dung, xây dựng kịch bản phù hợp với từng chương trình để người nghe cảm thấy hứng thú và mong muốn được đọc các cuốn sách mà diễn giả giới thiệu. Những bài học chính trị khô khan sẽ khó thấm vào chiến sĩ trẻ nhưng những câu chuyện sinh động, thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thế hệ cha anh sẽ là những bài học giáo dục về lòng yêu nước, tinh thần cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay.

NGUYỄN THÚY CÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/truyen-lua-cho-tuoi-tre-quan-doi-qua-nhung-trang-sach-658026