Truyền lửa cho tình yêu tư tưởng Hồ Chí Minh

Ở Việt Nam và cả trên thế giới, hiếm có một vị lãnh tụ nào lại được dân chúng yêu quý và tôn kính như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự tôn kính, ngưỡng vọng đó có được từ những hành động cụ thể trong cuộc sống thường nhật của Bác có sức lan tỏa, ảnh hưởng và trở thành chuẩn mực về đạo đức. Nhà thơ Tố Hữu có hai câu thơ nổi tiếng: 'Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi'. Lời thơ ấy đã nói lên tình cảm và nguyện ước của nhiều lớp người Việt Nam.

Đại úy Lương Thái Dũng là một trong 3 gương mặt tiêu biểu có mặt trong lễ khai mạc triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý năm 2019.

Đại úy Lương Thái Dũng là một trong 3 gương mặt tiêu biểu có mặt trong lễ khai mạc triển lãm Những tấm gương bình dị mà cao quý năm 2019.

Học Bác ở đức tính nêu gương

Là một trong 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến được lựa chọn để tôn vinh tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, giáo viên Trường THCS xã Quang Lang, huyện Chi Lăng luôn chỉ giản dị với một lẽ sống: "Học Bác ở đức tính nêu gương".

Thầy Hoàng Anh Tuấn sinh năm 1984, quê ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; hiện trú khu Ga, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Sau nhiều năm công tác tại Trường THCS xã Quang Lang, từ một giáo viên, thầy Hoàng Anh Tuấn đã không ngừng học tập, vươn lên và được tin tưởng giao trọng trách Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Chi bộ nhà trường từ tháng 10/2019.

“Từ một giáo viên và nay làm công tác quản lý, điều hành, tôi không ngừng nỗ lực học hỏi để cống hiến, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Đặc biệt, qua việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp tôi trưởng thành hơn, phấn đấu để vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác lúc sinh thời đối với thế hệ trẻ” – thầy Tuấn cho biết.

Theo thầy Tuấn, việc học và làm theo gương Bác không ở đâu xa và khó khăn, mà chính là ngay trong công việc và sinh hoạt hằng ngày của mỗi người. Đối với thầy giáo, muốn học sinh của mình ngoan ngoãn, học tập tốt thì trước hết người thầy phải gương mẫu về đạo đức, lối sống và ý thức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Không chỉ chấp hành nghiêm quy định về giờ giấc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, người thầy phải có tác phong chuẩn mực, mô phạm mỗi khi lên lớp và trong cuộc sống hằng ngày.

Nhờ rèn luyện những đức tính đó, thầy Tuấn luôn được đồng nghiệp, học sinh quý mến. Về công tác chuyên môn, những năm học qua, thầy liên tục có những sáng kiến kinh nghiệm được ứng dụng hiệu quả. Trong đó, sáng kiến giải Toán và Vật lý trên máy tính cầm tay được học sinh rất hứng thú, kết quả học tập được nâng lên.

Thầy giáo Hoàng Anh Tuấn, giáo viên Trường THCS xã Quang Lang, huyện Chi Lăng.

Những đóng góp của thầy Tuấn đã góp phần đưa chất lượng giảng dạy và học tập của Trường THCS xã Quang Lang, huyện Chi Lăng ngày càng nâng cao. Đơn cử, năm học 2018 – 2019, học lực giỏi của học sinh nhà trường đạt 23,6%, tăng 0,01% so với cùng kỳ năm học trước và tăng 0,7% so với cam kết đầu năm học.

Người “truyền lửa” tình yêu với môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh

Tháng 4/2018, Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trao Giải C cho tác phẩm “Tư tưởng Hồ Chí Minh – Nhận thức và vận dụng”.

Chủ biên và cũng là tác giả của phần lớn nội dung của cuốn sách này là PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường, giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Lý luận chính trị - Đại học Luật Hà Nội và là người vẫn được bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên trân quý gọi tên là “người truyền lửa tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Có một thực tế rằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh là một môn học khó và ít thu hút được sinh viên say mê học tập, nghiên cứu. Vậy tại sao lại có một người thầy say mê đến vậy và sách của ông liên quan đến môn học cũng luôn được sinh viên tìm đọc?

Trả lời câu hỏi này, PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường tâm sự: “Vẫn biết rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang trở thành yếu tố cơ bản định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam. Nhưng tại sao tại một số trường đại học, cao đẳng, việc giảng dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang gặp không ít khó khăn. Là giảng viên có nhiều năm gắn bó với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi đã không ít lần tự vấn mình và đặt ra câu hỏi: Tại sao thế hệ trẻ lại thờ ơ?

Từ trăn trở, tìm hiểu, tôi nhận thấy rằng, sở dĩ sinh viên, học sinh ít mặn mà với môn học vì trong suốt quá trình học phổ thông, các em đã được học, được biết khá nhiều về tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ kính yêu qua những chuyện kể, bài viết và những lời dạy, những lời căn dặn thế hệ trẻ của Người.

Nay khi lên đến bậc đại học, cao đẳng một lần nữa gặp lại, nhưng không thấy gì mới, không khai thác sâu hơn giá trị khoa học của tư tưởng sẽ khiến các em sinh chủ quan và cảm thấy thờ ơ. Điều này chứng tỏ việc cung cấp cho các em một góc nhìn mới và sự “truyền lửa” của giáo viên trong mỗi tiết dạy là rất quan trọng”.

Với PGS. TS Nguyễn Mạnh Tường, giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên, người giảng viên cần dẫn dắt người nghe khai thác nội dung tư tưởng của Người, đặt nó trong mối tương quan giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Kiến thức có thể cũ nhưng những giá trị tinh thần thì không bao giờ cũ.

“Nhưng để làm được điều này không dễ, bởi người giáo viên ngay từ khi tiếp nhận tư tưởng Hồ Chí Minh để biến thành “vốn” của mình đã phải nhận thức được việc học tập tư tưởng của Người có nghĩa là chọn lựa những gì phù hợp với công việc của mình để làm theo, để vận dụng nhuần nhuyễn chứ không phải rập khuôn. Đây cũng chính là điểm then chốt để phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” không bị sa vào hình thức”, theo ông.

Tin rằng những lời tâm huyết này đã, đang và vẫn sẽ theo “người truyền lửa tư tưởng Hồ Chí Minh” trên chặng đường đến với các thế hệ sinh viên của Đại học Luật Hà Nội.

Anh bộ đội Cụ Hồ và “Mỗi ngày một câu chuyện về Bác”

Năm 2019, tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đại úy Lương Thái Dũng là một trong 73 cá nhân được tôn vinh và là một trong 3 cá nhân tiêu biểu được mời đến buổi khai mạc.

Trao đổi với phóng viên, Đại úy Lương Thái Dũng cho biết: "Bản thân tôi từ thực tiễn công tác nhận thấy rằng việc học tập và làm theo phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân của Bác đã giúp tôi rất nhiều trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Đó là sự chân thành, bình dị, khiêm tốn của bản thân, là sự yêu thương, tôn trọng con người, tôn trọng đồng chí, đồng đội, khoan dung độ lượng với cấp dưới, với chiến sĩ. Từ đó, đã giúp tôi cũng như đồng chí, đồng đội trong đơn vị luôn đoàn kết, gắn bó, trên dưới như một, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Là đơn vị đóng quân trên địa bàn Thủ đô, Đại úy Lương Thái Dũng xác định việc xây dựng bản lĩnh chính trị, phương pháp, tác phong công tác của người chiến sĩ là hết sức quan trọng và cần thiết để tránh tác động của mặt trái cơ chế thị trường hay những luồng thông tin xấu đang trực tiếp tác động đến tâm tư tình cảm của đội ngũ cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.

“Vì vậy, tôi đã cùng chỉ huy và các cấp trong đơn vị cụ thể hóa được những tiêu chí, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nét đẹp văn hóa người chiến sĩ Thủ đô và 2 bộ quy tắc ứng xử của TP. Hà Nội vào chính thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của bản thân cũng như cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị", theo Đại úy Lương Thái Dũng.

Có thể nói, những giải thưởng và bằng khen mà Đại úy Lương Thái Dũng nhận được phần nhiều đều gắn với nội dung về Bác như: Giải Nhất Hội thi Tuyên truyền về học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức năm 2017; năm 2018 anh được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khen và được thành phố Hà Nội lựa chọn là gương mặt tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội tham dự lễ vinh danh cấp nhà nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc…

Ở đơn vị, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Chính trị viên phó Lương Thái Dũng luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho bộ đội. Anh cùng tập thể chỉ huy xây dựng và duy trì hiệu quả một số mô hình hoạt động như: mô hình “Mỗi ngày một câu chuyện về Bác” đọc trên hệ thống truyền thanh nội bộ của tiểu đoàn; mô hình “Vườn hoa thanh niên”, khu vực giải trí ngoài trời của cán bộ, chiến sĩ; mô hình “Tủ sách Bác Hồ” được nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng hưởng ứng sưu tầm tư liệu về Bác, đóng góp xây dựng tủ sách…

“Những chuyên đề học tập và làm theo Bác có ý nghĩa hết sức thiết thực. Quả thực, để chọn ra một chuyên đề tâm đắc nhất thật là khó. Tuy nhiên, từ thực tiễn công tác của bản thân, tôi nhận thấy rằng, học tập và làm theo phong cách ứng xử, văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân của Bác đã giúp tôi rất nhiều trong công việc” - Đại úy Lương Thái Dũng cho biết.

Xuân Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh/truyen-lua-cho-tinh-yeu-tu-tuong-ho-chi-minh-517219.html