Truyền lửa ca trù

Mỗi sáng chủ nhật, Bích Câu đạo quán lại vang lên những tiếng 'tùng, tếnh' trầm đục, những lời ca 'Hồng hồng tuyết tuyết...'. Đó là buổi dạy hát ca trù của Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai (Nguyễn Thị Mai) cho một đào nương. Nghệ nhân Vân Mai là trường hợp hết sức đặc biệt: Không phải con nhà nòi; không được ca nương có tiếng nào truyền dạy. Nhưng giọng hát của chị được giới chuyên môn công nhận. Cảm nhận cái đẹp của ca trù, chị tự học, không ngừng nỗ lực vươn lên. Và bây giờ chị truyền tình yêu ca trù cho mọi người.

Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai trong một canh hát ca trù.

Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai trong một canh hát ca trù.

Mỗi sáng chủ nhật, Bích Câu đạo quán lại vang lên những tiếng "tùng, tếnh" trầm đục, những lời ca "Hồng hồng tuyết tuyết...". Đó là buổi dạy hát ca trù của Nghệ nhân Ưu tú Vân Mai (Nguyễn Thị Mai) cho một đào nương. Nghệ nhân Vân Mai là trường hợp hết sức đặc biệt: Không phải con nhà nòi; không được ca nương có tiếng nào truyền dạy. Nhưng giọng hát của chị được giới chuyên môn công nhận. Cảm nhận cái đẹp của ca trù, chị tự học, không ngừng nỗ lực vươn lên. Và bây giờ chị truyền tình yêu ca trù cho mọi người.

Vào mỗi sáng chủ nhật, Nghệ sĩ Ưu tú Vân Mai thường đến Bích Câu đạo quán (phố Cát Linh, Hà Nội) từ rất sớm. Trên chiếc sập kiểu cổ, mắt khẽ nhắm hờ, Vân Mai ngồi xếp bằng. Khẩu hình mở nhỏ, hơi buông tưởng như rất khẽ mà âm thanh lại có sức nặng như được dồn nén từ cõi lòng bật ra. Giọng ca hòa trong tiếng phách khi nổ chí chát, khi lách tách, lách tách những âm thanh mỏng tang cùng với tiếng "tùng, tếnh" trầm trầm của đàn đáy. Trong không gian yên tĩnh, những lời ca như đưa người ta về những miền xưa cũ... Bao giờ cũng thế, chị sửa soạn cỗ phách, "ướm" giọng trước khi lên lớp với học trò.

Ít ai biết rằng, một Vân Mai đài các trên chiếu hoa ca trù ấy lại là một bà chủ cửa hàng kinh doanh thiết bị xây dựng ở phố Bích Câu, cách Bích Câu đạo quán chừng hơn trăm bước chân. Nói về nghề và nghiệp, chị bảo: "Không có cửa hàng này thì làm sao mà yên tâm ngồi luyện phách, luyện ca, rồi dạy miễn phí được?". Vân Mai vốn mê âm nhạc. Trong suốt thời gian công tác tại Tổng cục Hậu cần, chị luôn đi diễn cho đơn vị, cho dù không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đầu những năm 1990, chị "gặp" ca trù. Vân Mai giỏi hát chèo, giỏi các kỹ thuật luyện thanh, nhưng chị sững người khi mới "thử" ca trù. Ca trù đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt. Chị nghe băng rồi tập. Việc không thể chinh phục được ca trù khiến chị càng mê, càng muốn tìm thầy để học. Vân Mai gặp nhiều nghệ nhân nổi tiếng. Song lúc đấy, ca trù bị bỏ quên. Nhiều nghệ nhân tâm huyết, nhưng không tin rằng có người ham mê ca trù và muốn học hát bằng cả tấm lòng. Một vài nghệ nhân giúp đỡ, nhưng không nhận làm đệ tử chân truyền. Vân Mai về sưu tầm băng đĩa, tài liệu rồi tự học. Ca nương tài danh xưa có nhiều, nhưng Vân Mai mê nhất giọng ca cụ Châu Doanh Đặng Thị Hảo, cụ Quách Thị Hồ. Cho đến khi mở cửa hàng kinh doanh, chị dành một góc để ngồi luyện phách, luyện ca. Hễ không có khách là chị lại ngồi tập luyện. Cứ mày mò như thế, rồi cũng "hát được". Vân Mai mạnh dạn tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc lần đầu năm 2007, giành Huy chương vàng. Chị được nhiều nhà nghiên cứu quý mến, trân trọng. Nhưng ít ai dám tin vào con đường tự học của Vân Mai. Bản thân Vân Mai cũng từng nhiều lần trăn trở làm sao mình có thể hát được như các cụ ngày xưa?

Phải mất hàng chục năm mò mẫm, chị mới biết đến cái kỹ thuật cốt yếu nhất của ca trù là "ém hơi, nhả chữ". Nghe các cụ nói, nhưng không ai hướng dẫn phải thực hành thế nào. Chị cứ thử hết cách này đến cách khác. Mãi rồi mới biết, muốn "ém hơi, nhả chữ" cho tốt, thì phải dùng kỹ thuật thở bụng. Hít vào, phình bụng ra, sau đó, ép bụng cho hơi bật ra. Hơi bật ra mạnh thì giọng ngân và vang, miệng hát nhẹ mà giọng có sức nặng, khác hẳn lối hát giả thanh của nhiều loại dân ca khác. Khi đã biết được kỹ thuật này, nửa đêm đi nằm rồi mà Vân Mai vẫn... tập thở. Hiểu kỹ thuật ém hơi, thì cũng hiểu kỹ thuật "đổ hột". Cái ngân của ca trù có sức truyền cảm ấy là vì nghệ nhân ngắt nhịp liên tục trong một khúc ngân, mà vẫn phải tròn vành, rõ chữ. Đấy là chưa kể chuyện học gõ phách. Muốn tiếng phách hay, đanh, thể hiện nỗi niềm trong những câu ca thì phải luyện gân tay. Phải luyện làm sao năm khổ phách phải tự nhiên như hơi thở. Muốn hát truyền cảm, thì còn phải hiểu thơ ca trù. Tự mày mò học hỏi thì vất vả, nhưng bù lại, chị trở thành người có kiến thức về ca trù. Vân Mai cũng có bộ sưu tập băng, đĩa ghi âm các nghệ nhân nổi tiếng trình diễn mà ít ai có được.

Vân Mai có một kỷ niệm đáng nhớ là sau một thời gian học hát ca trù, chị được nhạc sĩ Đặng Hoành Loan biết đến. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan khi đó là người trực tiếp nghiên cứu, điền dã và xây dựng hồ sơ ca trù là Di sản Văn hóa phi vật thể trình UNESCO. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan mang đến cho chị một đĩa ca trù. Ông bảo rằng, trong đó có một điệu mà ông rất thích, đó là điệu Non mai, nhưng đến giờ không còn ai hát được. Vân Mai suốt ngày nghe Non mai. Rồi chị tập thử. Đến khi hát thấy gần giống trong đĩa chị báo cho nhạc sĩ Đặng Hoành Loan. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cùng một nhà nghiên cứu khác đến nghe thử. Cả hai mừng lắm. Lúc đó Vân Mai mới biết điệu Non mai là điệu hát cổ. Xưa các cụ chỉ hát trong dịp hát thờ, cho nên ít người biết đến, ít người ghi âm và cũng rất khó thể hiện. Vân Mai đã góp phần hồi sinh khúc hát tưởng đã thất truyền.

Một điều đặc biệt nữa ở Vân Mai, là tình yêu ca trù trong chị đã lan tỏa sang người bạn đời - anh Trần Văn Trúc. Trước kia, thấy vợ say ca trù quá, anh Trúc cũng không ưng. Chiều vợ, anh đưa vợ đi gặp các nghệ nhân, tìm tòi, rồi tham gia các canh hát. Thế rồi anh mê ca trù. Anh theo học đàn đáy của các nghệ nhân trong Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà. Học đàn đáy thì cũng phải học năm khổ phách. Về nhà, anh được vợ bổ túc thêm. Chồng đàn, vợ hát, hai người cùng nhau luyện tập. Bây giờ, anh chính là kép đàn cho mỗi buổi biểu diễn của chị. Câu lạc bộ UNESCO Ca trù Hà Nội do Vân Mai làm Chủ nhiệm đã dời địa điểm hoạt động từ đền Voi Phục về Bích Câu đạo quán được ba năm. Bởi vậy, mới đây, chị đổi tên câu lạc bộ thành Câu lạc bộ Ca trù Bích Câu đạo quán. Ca trù bây giờ được nhiều người biết đến hơn. Chị bảo, ít người đủ kiên trì theo ca trù đến cùng. Nhiều người chưa thạo những kỹ thuật cơ bản của ca trù đã đi hát, rồi truyền dạy, dẫn đến nguy cơ những tinh túy của ca trù bị sai lạc.

Bài và ảnh: Dã Liên

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/34801002-truyen-lua-ca-tru.html