Truyện Kiều: Một từ 'hoa', nhìn ra tiếng Việt

Tìm hiểu về 'Truyện Kiều' của Nguyễn Du, chúng ta đã có một số lượng công trình nghiên cứu khổng lồ (cho đến nay đã có tới hơn 22.000 thư mục). Chỉ một vấn đề liên quan tới cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Nguyễn Du thôi ta cũng đã thấy 'mênh mông bể sở'. Trong bài này, tôi thử phân tích một từ 'hoa' (trong các ngữ cảnh thể hiện của 'Truyện Kiều') với hy vọng 'từ một giọt nước nhìn ra được biển cả'.

Trong “Truyện Kiều”, có một đoạn mô tả sự kiện được coi như bước ngoặt trong đời nàng Thúy Kiều. Đó là khi gia đình Vương Ông gặp họa “Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ” đem lại, thì cha con Vương Ông-Vương Quan bị bắt đóng gông (Già giang một lão một trai); nhà cửa bị tàn phá (Rụng rời khung cửi tan tành gói may); của cải bị cướp bóc (Đồ tế nhuyễn của riêng tây/ Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham). Từ một tư gia tương đối khá giả, gia đình Thúy Kiều bỗng chốc rơi vào cảnh khuynh gia bại sản. Trước tai họa đó, nàng bắt buộc phải chọn một giải pháp tình thế vô cùng éo le, bi kịch: Hy sinh chữ tình chọn chữ hiếu ngõ hầu đem lại sự bình yên gia cảnh. Chấp nhận bán mình để lấy tiền chuộc cha và em, Thúy Kiều đã trở thành tấm gương tuyệt vời của lòng hiếu thảo.

Sau khi bắn tin chấp nhận điều này, lập tức có hai nhân vật xuất hiện: Bà mối lái và Mã Giám Sinh đến xem mặt, ngã giá để mua Kiều. Nguyễn Du đã mô tả tâm trạng u uất, buồn tủi của nàng vào lúc “Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”: Nỗi mình thêm tức nỗi nhà/ Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.

Hai câu thơ làm cho ta hình dung một sự tình: Nàng Kiều vừa đi từ trong buồng ra vừa khóc (với nước mắt rơi hàng hàng). Nhưng hai từ “thềm hoa” và “lệ hoa” được dùng ở đây với nghĩa gì?

Trước hết ta thấy, từ “hoa” trong “Truyện Kiều” là một từ xuất hiện với tần số nhiều chưa từng thấy: 107 lần.

“Hoa”, tức bông hoa, chỉ "1: Cơ quan sinh sản hữu tính của cây hạt kín, thường có màu sắc và hương thơm (hoa cải, hoa bưởi, hoa nhãn...); 2: Cây trồng để lấy hoa làm cảnh (hoa đào, hoa hồng, hoa thược dược, hoa cẩm chướng,...)..." (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Nhưng trong “Truyện Kiều”, "hoa" được dùng với những sắc thái nghĩa rất đa dạng.

Bởi có tới 76 trường hợp "hoa" được dùng hoán dụ với nghĩa chỉ "người đẹp, sắc đẹp, tình yêu” (Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội, 1974), cụ thể, "hoa" được Nguyễn Du dùng để đặc tả khuôn mặt, dáng vẻ, dung nhan của Kiều: Nàng càng ủ dột nét hoa; Lời thề đâu đã phũ phàng với hoa; Xót nàng chút phận thuyền quyên/ Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn; Về đây nước trước bẻ hoa/ Vương tôn quý khách ắt là đua nhau; Sợ gan nát ngọc liều hoa; Hoa xuân đương nhụy ngày xuân còn dài; Từ nghe vườn mới thêm hoa/ Miệng nhà đã lắm tin nhà thì không; Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân,...

Cũng từ nghĩa này, "hoa" kết hợp với những thành tố khác tạo nên những tổ hợp mang nghĩa chuyển.

- Hoa đèn, chỉ "ngọn đèn tỏa sáng": Đã hay chàng nặng vì tình/ Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru.

- Hoa khôi (khôi: Đứng đầu), danh từ chỉ "người đẹp nhất trong một vùng, một lĩnh vực". Trong "Truyện Kiều", Nguyễn Du dùng từ này chỉ "người đẹp nhất trong chốn thanh lâu" (hàm ý: Nàng Kiều): Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi/ Thiếp hồng tìm đến, hương khuê gửi vào.

- Hoa lê, "hoa cây lê", cũng hàm ý chỉ người đẹp: Cớ sao trằn trọc canh khuya/ Màu hoa lê đã đầm đìa giọt mưa.

- Hoa nguyệt, "hoa và trăng", giống như "nguyệt hoa", hai từ này chỉ "quan hệ nam nữ" (thường là nghĩa không hay): Đừng điều nguyệt nọ hoa kia/ Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai; Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.

- Hoa quan, "mũ hoa" (mũ có trang trí bông hoa bằng vàng hay ngọc): Sẵn sàng phượng liễn loan nghi/ Hoa quan giấp giới hà y rỡ ràng.

- Hoa rơi, chỉ "người con gái đẹp bị lưu lạc": Nàng rằng: Chút phận hoa rơi/ Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.

- Hoa tàn, chỉ "người con gái đẹp phải trải qua nỗi đoạn trường, khổ ải, nhan sắc đã suy giảm": Hoa tàn mà lại thêm tươi/ Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

- Trướng hoa, "bức trướng thêu hoa", chỉ "buồng ở của phụ nữ": Kiều từ trở gót trướng hoa/ Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

- Hoa cười ngọc thốt, "hoa và ngọc" được nhân cách hóa, chỉ nụ cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc: Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

- Hoa đào năm ngoái, theo ý thơ của Thôi Hiệu: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong (Khuôn mặt người (quen) không biết đi đâu mất/ Chỉ còn thấy hoa đào năm cũ cười với gió đông). Câu thơ của Nguyễn Du: Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông lại mô tả tâm trạng của chàng Kim, sau thời gian cách xa Kiều (vì việc "thúc phụ từ đường", chàng phải về quê chịu tang), nay quay lại nhà người yêu thấy phong cảnh, gia thế nhà nàng đã đổi thay tan nát (Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời). Chàng xót xa nhìn hoa đào "hiện tại" mà liên tưởng tới "hoa đào năm ngoái" khi còn có Thúy Kiều ở bên.

Ngoài các từ ghép phái sinh trên, "hoa" còn xuất hiện trong một loạt thành ngữ khác: Cỏ nội hoa tàn (nhan sắc người con gái đã phai tàn), hoa ghen thua thắm (người con gái rất đẹp, đến hoa cũng phải ghen), hoa rụng hương bay (người con gái đã qua đời), hoa thải hương thừa (người con gái không còn trinh tiết, bị vứt bỏ, khinh rẻ), hoa trôi bèo giạt (cảnh lênh đênh, trôi nổi của đời người con gái), hoa xuân đương nhụy (người con gái ở độ tuổi xuân xanh, đang đẹp), hoa xưa ong cũ (người con gái gặp lại người cũ, tình nhân cũ), liễu chán hoa chê (chỉ cảnh ăn chơi hết tầm, tới mức chẳng còn thiết gì nữa), nguyệt nọ hoa kia (quan hệ nam nữ linh tinh, không đứng đắn),...

Quay trở lại hai từ "thềm hoa" và "lệ hoa" dẫn ở đầu bài này. "Thềm hoa'', chỉ "thềm nhà có trồng hoa” (Đào Duy Anh còn cho rằng "hoặc là thêm từ "hoa" cho lời thêm đẹp"). Còn "lệ hoa", dùng để chỉ "nước mắt của người con gái đẹp". Trong câu thơ: Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng thì "lệ hoa" chính là để tả những giọt nước mắt của Thúy Kiều. Nàng Kiều, đẹp từ dáng điệu, từ cử chỉ, từ lời nói. Tất nhiên là lúc nàng vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy sức sống. Điều đó quá rõ ràng. Nhưng ngay cả khi Thúy Kiều buồn rầu, đau khổ... thì sự thể hiện của nàng vẫn là những nét riêng chỉ người đẹp mới có: "Ủ dột nét hoa", "Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa", "Hoa dù rã cánh lá còn xanh cây",...

Như vậy, với cách thể hiện của mình trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du "cấp" cho từ “hoa” những nét nghĩa vô cùng đặc sắc. Từ "hoa" gắn liền với Thúy Kiều, thể hiện diện mạo, dung nhan "sắc nước hương trời" và thể hiện mọi cung bậc tình cảm của nàng trong những hoàn cảnh mà 15 năm lưu lạc nàng đã trải qua: Lúc là "hoa" của đời thường/ Lúc là "quốc sắc thiên hương" lẫy lừng (Thơ Phạm Văn Tình).

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/truyen-kieu-mot-tu-hoa-nhin-ra-tieng-viet-636029