Truyện Kiều làm nóng sân khấu

Không chỉ các đạo diễn Việt mà các đạo diễn Hàn Quốc, Đức, Pháp đều có cảm hứng dựng sân khấu Kiều.

“Truyện Kiều” lâu nay được coi là “mảnh đất thiêng”, có không ít nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật khai thác qua các loại hình sân khấu, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, múa… nhưng gần như rất ít thành công và không mấy ai còn nhớ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, và nhất là trong năm 2019, những thể nghiệm sân khấu đương đại cùng các ê kíp trong nước, nước ngoài, đã tạo nên những bước chấm phá mới cho “Truyện Kiều”.

Nàng Kiều trở nên mạnh mẽ hơn

Năm 2017, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dựng vở “Kiều” do cố NSND Anh Tú làm đạo diễn ra mắt khán giả Thủ đô đã nhận được nhiều lời khen ngợi, và cả những ý kiến trái chiều khi nàng Kiều không phải như trong nguyên gốc, mà là một Kiều mạnh mẽ, biết cách phản kháng, không đầu hàng số phận… Và có lẽ chính sự khác biệt đó, mà “Kiều” của Nhà hát kịch Việt Nam đã có sức hút riêng, có cái nhìn mới mẻ trong con mắt của ngày hôm nay về thân phận nàng Kiều.

Truyện Kiều trên sân khấu rối.

Truyện Kiều trên sân khấu rối.

Tháng 6/2019, nữ đạo diễn - biên đạo múa người Hàn Quốc, Bà Yoo Oh Chun đã mang “Truyện Kiều” sang Việt Nam với 3 nàng Kiều tương trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự kết hợp nghệ thuật ballet hiện đại, âm nhạc, ánh sáng và ngôn ngữ hình thề tạo một vẻ đẹp lộng lẫy cùng với những nghĩ suy về triết lý cuộc sống, để có một góc nhìn sâu hơn “Truyện Kiều”, không chỉ là về số phận con người mà còn là lịch sử xã hội…

Dự án hợp tác “Nàng Kiều” giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Viện Goethe Việt Nam đang được các ê kíp gấp rút hoàn thiện để kịp ra mắt vào tháng 10/2019 này. Bốn đạo diễn, gồm NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), NSƯT Trần Lực (Đoàn kịch LucTeam), đạo diễn Lê Quốc Nam (Sân khấu kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, sẽ cùng dàn dựng “Truyện Kiều” bằng hình thức kịch nói.

Thách thức không nhỏ với họ là thể hiện góc nhìn về tác phẩm đồ sộ ấy với thời lượng 20-25 phút. Tuy nhiên, mỗi người lại có lời giải riêng cho câu hỏi: Đưa chất liệu kinh điển nào của “Truyện Kiều” lên sân khấu đương đại?

3 nàng Kiều.

Ở Hà Nội, NSƯT Bùi Như Lai kết hợp với tác giả Nguyễn Thu Phương lên kịch bản với 4 chủ đề: Định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do thông qua hình thức kịch đương đại và kịch đọc;

NSƯT Trần Lực với kịch bản của Đỗ Trí Hùng chọn giai đoạn Kiều gặp Từ Hải, gửi gắm vào Kiều quan điểm về bình đẳng giới ở người phụ nữ hiện đại, trước hết phải là chính mình, hiểu được sức mạnh và sự bình đẳng của mình nằm ở đâu, dùng ngôn ngữ sân khấu biểu hiện ước lệ vốn là phong cách của LucTeam với lời thoại được viết theo thể thơ lục bát, âm nhạc kết hợp giữa tuồng, chèo với âm nhạc hiện đại..

Ở TP. HCM, NSND Hồng Vân nhận làm một phần của tác phẩm này, cho biết sẽ dựng Kiều theo thể loại nhạc kịch: “Khi dựng Kiều, tôi muốn đề cập đến vấn đề con giáp thứ 13 theo ngôn ngữ hiện nay, tức sự xuất hiện của người đàn bà thứ ba trong mối quan hệ vợ chồng. Tôi chọn dựng đoạn ba nhân vật Hoạn Thư, Thúy Kiều, Thúc Sinh đối mặt với nhau để phân tích ứng xử của ba người trong hôn nhân theo con mắt nhìn của người hôm nay.

Sẽ nhấn vào Đạm Tiên, một nhân vật tuy là hồn ma nhưng từng đi qua con đường “sống làm vợ khắp người ta, hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Đạm Tiên gửi lại Kiều rất nhiều lời khuyên ngăn, để Kiều đừng bước chân vào con đường như mình. Bởi lẽ người phụ nữ cần phải mạnh mẽ quyết định lấy cuộc đời mình”.

Đạo diễn Amélie Niermeyer, người Đức. Bà chia sẻ muốn dựng Kiều qua lăng kính một người phụ nữ hiện đại. Kiều của bà sẽ mặc trang phục hiện đại, bước vào câu chuyện cổ trong cảnh dựng một cô gái hiện đại, trong tiệc sinh nhật mình được tặng một quyển “Truyện Kiều”, cô mở ra và đi vào thế giới đó. Trong cách nhìn của Amélie, Kiều có số phận giống như rất nhiều người phụ nữ châu Á cho dù trong thời hiện đại.

Truyện Kiều - Nhà hát Thế giới trẻ.

Và những Nàng Kiều nhiều mới lạ

Cũng về Nàng Kiều, đầu tháng 7/2019, Nhà hát múa rối Việt Nam đã trình làng vở rối mang tên “Thân phận nàng Kiều”. Có thể đây là một bước đột phá mới mẻ nhất của “Truyện Kiều”, bởi lẽ đưa Kiều lên sân khấu kịch nói, kịch hát, múa thì đã nhiều rồi, nhưng với nghệ thuật rối có lẽ là lần đầu tiên và cũng là một phương án ít người... nghĩ tới.

Nằm trong mục tiêu hướng đến Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV sẽ diễn ra ở Hà Nội vào cuối năm nay, nên vở rối “Thân phận nàng Kiều” được coi là một “thử nghiệm táo bạo” của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng như các nghệ sĩ.

Chỉ một mảnh vải, một vật dụng đời thường, một khúc tre... qua lăng kính sáng tạo của đạo diễn, họa sĩ tạo hình và đôi tay hết sức khéo léo của người nghệ sĩ, tất cả đã trở thành những nhân vật có tính cách, có hồn. Mỗi nhân vật xuất hiện bằng cách tạo hình và diễn xuất của nghệ sĩ đều để lại những ấn tượng rất riêng. Hình tượng thằng bán Tơ được thể hiện như con rắn độc lấp ló, sẵn sàng luồn lách. Lũ chim lợn đứng sau thằng bán Tơ được xử lý như một dàn đế sẵn sàng hùa vào để tung những tin đồn thất thiệt. Có những lớp diễn đẹp và vô cùng ấn tượng như cảnh đan thành lưới bằng những dải lụa khi Kiều khuyên Từ Hải quy phục triều đình, cảnh xử lý Kiều với Đạm Tiên...

Thúy Vân - Thúy Kiều - Kiều của Pháp.

Không chỉ nữ đạo diễn người Đức, “Truyện Kiều” còn hấp dẫn và tạo cảm hứng sáng tạo cho đạo diễn người Pháp Christophe Thiry với tác phẩm nhạc kịch “Kim Vân Kiều” gây ngỡ ngàng cho công chúng Pháp khi ra mắt. Vở nhạc kịch vừa được trình diễn bằng tiếng Pháp và phụ đề tiếng Việt ngày 20/9 tại Trung tâm Văn học nghệ thuật TP.HCM, ngày 21/9 tại Sân khấu kịch IDECAF TP.HCM và ngày 25/9 tại L’Espace Hà Nội.

Ở vở nhạc kịch này, Nàng Kiều mang nhiều quốc tịch, với dụng ý của tác giả, còn nhiều phụ nữ trên thế giới chịu đau khổ, thiệt thòi. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được tái hiện với một ngôn ngữ nghệ thuật mới cùng những góc nhìn mới và hiện đại, nhưng vẫn trung thành với số phận nàng Kiều. “Kim Vân Kiều” của Pháp kết hợp giữa opera, pop, diễn tấu nhạc cụ phương Tây như violon, piano, guitar, hòa quyện với nhạc cụ truyền thống Việt Nam như sáo, trống, đàn nguyệt, đàn bầu…

Còn trong thời gian này, một nàng Kiều khác đang được dàn dựng trên sàn tập và sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10/2019. Đó là “Kiếp hồng nhan” của Nhà hát Thế Giới Trẻ - ĐH SKĐA TP. HCM, kịch bản của Lê Chí Trung, chọn Hoạn Thư là một trong những nhân vật đa chiều và tạo nhiều điểm nhấn…

Lê Chí Trung cũng xây dựng hình ảnh các nhân vật Kiều, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh khác biệt so với cái nhìn truyền thống. Tình yêu thật sự của Kiều không phải là Kim Trọng mà chính là Sở Khanh. Còn Sở Khanh thì vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân, trước khi lừa Kiều, Sở Khanh đã từng là nạn nhân của Tú Bà, đã từng rơi nước mắt. Kiều sẽ theo phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, sự kiện dồn dập, áp dụng những kỹ thuật hiện đại như sử dụng tranh cát để dàn dựng bối cảnh.

“Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã vượt không gian, thời gian, trở thành một thi phẩm quốc tế bởi chính nội dung về số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ, mà suốt gần 3 thế kỷ vẫn luôn mang tính thời sự. Có lẽ thế, không chỉ với sân khấu VN, mà với sân khấu thế giới, đây thật sự là một “kịch bản” thách thức tài năng của các nghê sĩ mọi thời đại, mọi quốc tịch.

Và dù với góc nhìn nào thì “Truyện Kiều” vẫn là một giá trị không gì thay thế./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/truyen-kieu-lam-nong-san-khau-959729.vov