Truyền dịch tại nhà dễ mất mạng

Bác sĩ khuyến cáo, việc tự ý mua và truyền dịch tại nhà rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến,..

Bệnh nhân tự ý truyền dịch tại nhà phải nhập viện cấp cứu

Bệnh nhân tự ý truyền dịch tại nhà phải nhập viện cấp cứu

Suýt mất mạng vì tự ý truyền dịch

Mới đây, BV Việt Nam - Thụy Điển (tỉnh Quảng Ninh) cấp cứu cho bệnh nhân Vũ Thị B. (56 tuổi, Phú Thứ, Kinh Môn, Hải Dương) bị sốc phản vệ độ III do truyền dịch. Được biết, trước đó, bệnh nhân tự đi mua một chai dịch truyền và nhờ người cắm kim truyền giúp tại nhà. Theo lời bệnh nhân kể lại, do cơ thể luôn thấy mệt mỏi, đã đôi lần bà B. truyền nước tại nhà. Lần này bà được “rỉ tai” mua chai dịch hoa quả màu vàng truyền cho chóng khỏe. Tuy nhiên, khoảng 10 phút sau truyền, bà thấy trong người mệt mỏi, khó chịu, buồn nôn, rét run… Thấy vậy, gia đình hoảng hốt đưa bà B. đi cấp cứu tại BV Việt Nam - Thụy Điển. Tại đây, các bác sĩ tiếp nhận cho biết, bệnh nhân bị sốc phản vệ độ III do truyền dịch, tiên lượng nặng. May mắn, sau khi được cấp cứu, xử trí sốc phản vệ, cho thở ôxy, truyền dịch, bệnh nhân dần ổn định.

"Trong các dịch truyền thường có pha vitamin nhóm B (B1, B6, B12) dễ gây tình trạng sốc phản vệ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Ngoài ra, các hội chứng Stevens-Johnson gây viêm loét da, hội chứng Lyell gây nhiễm độc da nặng tuy hiếm gặp nhưng cũng gây hậu quả dẫn đến tử vong. Nếu bệnh nhân được truyền dịch tại nhà hoặc phòng khám tư nhân, khi xảy ra sốc phản vệ hoặc biến chứng mà không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm tính mạng”.

BS. Hoàng Ngọc Ánh
Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Thống Nhất

Không may mắn như vậy, bệnh nhân Vũ Thị T. (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình) được cấp cứu tại BV Thống Nhật (TP HCM) đang hôn mê sâu. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, các bác sĩ đã can thiệp đặt nội khí quản cho thở máy, adrenalin, bù bicarbonat, tuy nhiên tiên lượng khó đoán. Được biết, bệnh nhân vốn có tiền sử hẹp van hai lá, rung nhĩ, đái tháo đường, tai biến mạch máu não, phải sinh hoạt tại chỗ 3 năm nay. Ba ngày trước, bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy nôn ói nên mời bác sĩ về truyền dịch tại nhà. Trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân khó thở nên được chuyển cấp cứu. Tại BV, kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị hẹp khít van hai lá, huyết khối buồng nhĩ trái, suy tim, di chứng tai biến mạch máu não. Sau 4 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu và không cải thiện, người nhà xin về lo hậu sự. Với trường hợp này, theo nhận định của bác sĩ, nguyên nhân do tốc độ truyền dịch vào cơ thể bệnh nhân có bệnh lý nền suy tim, quả tim bóp yếu nên không bóp được dẫn đến ứ nước trong phổi, làm phù phổi, suy tim, suy hô hấp.

Theo BS. Hoàng Ngọc Ánh, Phó khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Thống Nhất, bên cạnh ca bệnh trên, tại khoa thỉnh thoảng cũng tiếp nhận bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với một trong những thành phần của dịch truyền. Thậm chí, có bệnh nhân bị tổn thương não nặng dẫn đến tử vong do sốc phản vệ nhưng nhập viện muộn.

Vì sao truyền dịch tại nhà lại vô cùng nguy hiểm?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức, ĐH Y dược TP HCM cho biết, có thể chia làm 4 loại gồm dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải cho cơ thể với các công dụng khác nhau. Cụ thể, có dịch dùng trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải; dung dịch tái lập cân bằng kiềm toan trong cơ thể: Dùng trong trường hợp cơ thể bị bệnh hoặc thừa toan (tức dư chất acid hoặc thừa kiềm); dịch truyền thay thế máu dùng trong trường hợp người bệnh bị mất máu; dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng, acid amin thiết yếu cho cơ thể. Loại này thường dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường tiêm tĩnh mạch. Và đây chính là loại dịch truyền hay bị lạm dụng nhất. “Do có nhiều loại dịch truyền như vậy, dùng loại dịch truyền nào sẽ tùy vào từng trường hợp bệnh cụ thể với liều lượng truyền vào trong cơ thể sẽ được cân nhắc tính toán cho từng người, có sự theo dõi của thày thuốc chứ không phải loại nào cũng truyền được và truyền với bất cứ liều lượng nào. Hơn nữa, trong truyền dịch cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về tốc độ, thời gian, số lượng, dụng cụ phải đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối”, ông Đức cho hay.

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức, khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến rất trầm trọng xảy ra. Trước hết là nguy cơ nhiễm trùng, xuất phát từ nơi đưa thuốc vào cơ thể. Các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C… đều có thể lây nhiễm, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng. Hơn nữa, do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa gây các hiện tượng phù ở tim, thận… “Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không chịu đựng được như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền, rất nguy hiểm. Chính vì vậy, thày thuốc phải theo dõi chặt chẽ để có tai biến xảy ra sẽ có biện pháp xử lý kịp thời”, ông Đức lưu ý.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/truyen-dich-tai-nha-de-mat-mang-d274047.html