Truyện cổ về các vị thần ở vùng biển đảo Quảng Ninh

Truyện kể về các vị thần ra đời để ca ngợi những người có công khai phá, kiến tạo nên các làng, xã, quê hương. Người dân vùng biển đảo Quảng Ninh đã sáng tạo những câu chuyện đẹp đẽ, điểm thêm đôi nét hoang đường, kỳ bí, linh thiêng.

Miếu Tiên Công (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) thờ các vị tiên công có công khai khẩn lập nên vùng đất Hà Nam trù phú như ngày hôm nay.

Miếu Tiên Công (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) thờ các vị tiên công có công khai khẩn lập nên vùng đất Hà Nam trù phú như ngày hôm nay.

Những truyền thuyết về các thành hoàng làng ở Quảng Ninh ra đời thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, sự tôn kính của nhân dân đối với những đấng, bậc có công trạng với làng xã, quê hương. Vùng đất Quảng Ninh cũng có nhiều chuyện kể về những người có công đầu khai hoang, khẩn đất, tạo dựng nên làng xóm quê hương. Ví dụ như chuyện về 6 vị tổ từ các làng Trà Phương, Cổ Trai của Đồ Sơn ra Trà Cổ (Móng Cái), chuyện các vị Tiên Công từ Thăng Long xuống lập nên vùng đất Hà Nam...

Ở huyện đảo Vân Đồn có truyền thuyết về thần Cao Sơn (hiệu Tế giang cư sĩ) là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân theo cha xuống biển. Thần Cao Sơn giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh cho mọi người. Năm ấy, dân vùng Quan Lạn bị bệnh đậu mùa, bao nhiêu người đã chết, tiếng khóc oán than vang dậy cả vùng. May nhờ có thần cứu giúp nên nhân dân thoát khỏi dịch bệnh. Ghi nhớ công ơn của thần, nhân dân Quan Lạn thờ thần trong miếu ở xóm Thái Hòa gọi là Cao Sơn thần miếu. Đằng sau câu chuyện huyền thoại về thánh thần, có thể thấy những dấu ấn lịch sử về cuộc sống, tín ngưỡng của nhân dân vùng đất Quan Lạn.

Truyện kể dân gian của các vùng biển đảo Quảng Ninh tuy khác nhau về tên đất, tên làng, tên người nhưng đều giống nhau ở đích đến: Trân trọng ngợi ca những con người dũng cảm, bất chấp khó khăn, hiểm nguy, gan góc bám trụ, đổ mồ hôi và máu trong lao động và chiến đấu nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió. Nhiều dòng họ ở ven biển hoặc trên nhiều hòn đảo kể về các vị thần gắn liền với các chiến tích đánh giặc bể, diệt hổ báo, nghĩ ra cách làm bè, đóng thuyền, kì công tìm ra thuốc chữa bệnh, tìm ra nguồn nước ngọt.

Đó có thể là sự huyền thoại hóa các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử có thật đã diễn ra ở vùng đất thiêng liêng này. Ở Bắc Mã (Đông Triều) có thần tích và miếu thờ ba anh em ruột là liệt sĩ chống giặc Đông Hán. Nhân dân Móng Cái lại có truyền thuyết Cầu Voi (Cầu Voi là cây cầu ở phía bắc xã Vạn Ninh, tiếp giáp với phường Ninh Dương) kể về chiến tích đánh giặc Tống của quân dân nước Đại Việt. Hay như nhân dân làng Cốc (phường Phong Cốc và Phong Hải, TX Quảng Yên) vẫn còn lưu truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương, thành hoàng của làng được thờ tại miếu Cốc và đình Cốc. Đảo Hoàng Tân (trước đây dân gian thường gọi là Hoàng Lỗ), thuộc TX Quảng Yên lưu truyền câu chuyện về bà chúa Cua linh thiêng.

Trong các địa phương có truyện kể liên quan đến cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, Quảng Yên có nhiều truyền thuyết gắn với các truyện về chiến thắng Bạch Đằng. Đó là chuyện ba cô gái người trời xuống giúp dân đánh giặc. Người dùng mĩ nhân kế để quân ta bắt tướng giặc Phạm Nhan, người làm tiếp tế cho quân sĩ, người hóa bà hàng nước chỉ lịch lên xuống của con nước để Hưng Đạo Đại Vương lập trận địa cọc gỗ Bạch Đằng.

Miếu Vua bà gắn liền với truyền thuyết về bà hàng nước vô danh đã mách lịch triều con nước cho Trần Hưng Đạo kế sách đánh giặc.

Như vậy, có thể thấy, truyện cổ dân gian Quảng Ninh có một hệ thống truyện kể phong phú, đa dạng nhưng tập trung lý giải sự hình thành các địa danh, ca ngợi những người có công kiến tạo nên các làng, xã; ca ngợi lòng yêu nước, ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền. Truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh đã phản ánh đậm nét và phong phú hầu hết mọi mặt trong đời sống xã hội cũng như con người trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Về mặt nghệ thuật, truyện kể dân gian vùng biển Quảng Ninh có kết cấu đơn giản, nội dung ngắn gọn, hệ thống nhân vật khá đa dạng, dễ lưu truyền, lan tỏa. Yếu tố kì ảo trong nhân vật truyện kể dân gian Quảng Ninh thường mờ nhạt nhưng lại làm cho nhân vật rất thật, được miêu tả hoàn toàn bằng yếu tố hiện thực.

Xây dựng các nhân vật trong truyện cổ, người dân Quảng Ninh xưa gửi gắm vào đó niềm tự hào về mảnh đất quê hương, ca ngợi những người có công lao mở đất, tôn vinh những người anh hùng. Vì vậy, truyện cổ Quảng Ninh là nguồn tư liệu quý để tìm về nguồn cội quê hương, bản sắc, bản lĩnh dân tộc trên vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202003/truyen-co-ve-cac-vi-than-o-vung-bien-dao-quang-ninh-2474700/