Truyền cảm hứng về cuộc sống của người cao tuổi

Triển lãm chuyên đề về chủ đề dân số và phát triển bền vững, cùng với những bức ảnh truyền bao câu chuyện đầy cảm hứng của người cao tuổi ở các vùng, miền Việt Nam đã khai mạc sáng ngày 30-9 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa: UNFPA tại Việt Nam.

Ảnh minh họa: UNFPA tại Việt Nam.

Nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam, Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, tổ chức HelpAge International tại Việt Nam khai mạc triển lãm ảnh “Con người của ICPD: Ngang qua cuộc đời, Quyền và Lựa chọn cho tất cả mọi người”.

Năm 2019 là dịp kỷ niệm 25 năm ngày thông qua Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD). Triển lãm ảnh là một trong những hoạt động hướng tới chương trình kỷ niệm này.

Cắt băng khai mạc triển lãm (Ảnh: UNFPA).

Triển lãm bao gồm hai chuyên đề. Thứ nhất là một bộ ảnh với 15 bức ảnh về 15 phương châm của ICPD cho thấy mối tương quan giữa dân số và phát triển bền vững. Cùng với đó là một bộ 15 bức ảnh và các câu chuyện đầy cảm hứng của những người cao tuổi ở một số tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Người xem sẽ gặp ở đây câu chuyện của ông Lê Văn Ngàn, 85 tuổi, ở ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre ở trên Cồn Phụng. Ông Ngàn sống trên ghe thuyền hàng chục năm, làm nghề chài lưới. Các con ông đã trưởng thành và không sống với ông ở ngoài cù lao nữa. Hiện chỉ có gia đình người con nuôi Nguyễn Văn Hùng sống cạnh ông.

Hay câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thanh Hà, 78 tuổi, sống ở đường Vườn Lài, An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Từng là giáo viên dạy toán cấp 3, khi nghỉ hưu ở nhà, bà thấy buồn, muốn làm gì đó. Bà cũng có nỗi lo không cập nhật được kiến thức, sợ mình già đi, nhưng ngoài Toán ra, không biết gì thêm. Do đó, bà tự mình tham gia khóa học tâm lý, kỹ năng hòa giải để hàn gắn các gia đình. Rồi bà học thêm về kiến thức pháp luật, giúp bà con giải quyết các tranh chấp. Giờ bà như tổng đài hỗ trợ chòm xóm. Bất cứ việc gì dù to hay nhỏ, bà con đều gọi điện đến xin hỗ trợ và tư vấn. Nghỉ hưu cần 30 năm, giờ cũng đã xấp xỉ 80 tuổi, nhưng chưa bao giờ, bản thân bà thấy mình sẽ dừng việc học tập và nghiên cứu, bởi theo bà, học để cho mình và học để giúp người khác.

Đó cũng là chia sẻ đầy thú vị của Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh, người đã gắn bó hàng chục năm với cây kèn saxophone, khi đã ở lứa tuổi ngoài 60: “Tôi đã qua thời thanh niên sôi nổi. Tôi đã sống, đã yêu và luôn cho rằng thời gian là bất tận. Nếu trẻ lại, tôi sẽ muốn mình chơi nhạc sớm hơn và trân trọng từng ngày trôi qua”.

Tại triển lãm, người xem cũng có thể gặp rất nhiều nhân vật là người cao tuổi, ở An Giang, Quảng Bình, Sóc Trăng… với bao câu chuyện về đời thường giản dị, cũng như nỗ lực vươn lên của họ trong cuộc sống.

Thông qua tiếng nói của người cao tuổi, triển lãm gửi tới một thông điệp cần được lan tỏa. Người cao tuổi là những người tham gia tích cực trong xã hội, chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Xã hội cần tạo điều kiện cho các cơ hội việc làm, tuổi nghỉ hưu linh hoạt và bình đẳng giữa nam và nữ, phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe toàn dân, an sinh xã hội và môi trường thân thiện với người cao tuổi như một phương tiện để bảo đảm thu nhập và lợi ích cho tuổi già.

Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tới hết ngày 3-10.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41734102-truyen-cam-hung-ve-cuoc-song-cua-nguoi-cao-tuoi.html