Truyền cảm hứng, tình yêu môn Lịch sử cho học sinh

Nhiều năm qua, rất nhiều đồng nghiệp hỏi tôi hai câu rằng: Lịch sử có phải là môn học khó và bí quyết nào làm cho học sinh yêu thích môn học này?

Bằng kinh nghiệm và tâm huyết của một giáo viên gần 30 năm trong nghề, tôi có thể kiến giải ngắn gọn hai câu hỏi trên. Thứ nhất, xét về mặt khoa học thì không có môn học nào gọi là khó hay dễ, không có môn học nào là chính hay phụ. Nếu học sinh không chịu học thì môn học được xem là dễ cũng trở thành khó. Lịch sử cũng không phải là môn học ngoại lệ.

Trả lời được câu hỏi thứ nhất sẽ là chìa khóa để “mở” ra câu hỏi thứ hai. Từ xưa đến nay, dù thi cử có nhiều sự thay đổi tác động đến việc lựa chọn môn thi, khối thi của học sinh nhưng đến tiết học môn Lịch sử mà học sinh không tập trung chú ý học, thậm chí chán học, lỗi đó thuộc về giáo viên. Với tôi, trong quá trình giảng dạy không bao giờ dạy theo hướng nhồi nhét kiến thức, bắt học sinh phải nhớ tỉ mỉ sự kiện, ngày, tháng, năm. Phương châm nhất quán khi dạy môn Lịch sử của tôi là từ những kiến thức đã có sẵn trong sách giáo khoa để khơi đam mê, truyền cảm hứng, tạo động lực cho học trò. Kiến thức, sự kiện lịch sử là cái không thay đổi. Nhưng phương pháp tiếp cận vấn đề và kỹ năng truyền thụ kiến thức của mỗi giáo viên sẽ quyết định đến thái độ học tập và niềm đam mê học Lịch sử của học sinh. Thay việc áp đặt kiến thức và tư duy mang tính mệnh lệnh với học trò, giáo viên môn Lịch sử cần tôn trọng quan điểm, chính kiến của học trò bằng những câu hỏi gợi mở để phát hiện và bồi dưỡng về mặt nhận thức lịch sử từ sự lồng ghép những câu chuyện lịch sử. Sai về mặt kiến thức (do trí nhớ), xét trong một nghĩa hẹp chỉ gây nguy hại, còn sai về mặt nhận thức lịch sử (trí tuệ) mới thật sự nguy hiểm.

Trong bối cảnh của thời đại "4.0", việc dạy môn học Lịch sử càng đứng trước nhiều thách thức đan xen cả cơ hội. Mỗi thầy cô giáo dạy Lịch sử phổ thông nên tận dụng, chứ không lạm dụng những lợi thế của công nghệ để phục vụ việc đổi mới cách thức, phương pháp và kỹ năng khi giảng dạy. Hầu hết giáo viên và học sinh phổ thông bây giờ đều sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích. Chỉ cần một trái tim tâm huyết, một tinh thần trách nhiệm với nghề và tấm lòng tận tụy với học trò, chúng ta sẽ tạo nên sự tương tác tốt với học trò qua mạng xã hội để phục vụ việc học môn Lịch sử tốt hơn, hiệu quả hơn.

Đến các ngày lễ tôn vinh, lễ kỷ niệm, tưởng niệm trọng đại của đất nước, thông qua mạng xã hội, mỗi giáo viên Lịch sử có thể đăng tải một cách chọn lọc trên trang cá nhân của mình những kiến thức, hình ảnh của các sự kiện và nhân vật lịch sử nổi bật có nhiều cống hiến cho nhân loại, đất nước, quê hương trong mỗi thời kỳ của lịch sử mà sách giáo khoa môn Lịch sử có thể có hoặc có nhưng chưa đầy đủ.

Học trò bây giờ đã thấy quen thuộc với cụm từ “Thi đua yêu nước”. Với các học trò của mình, tôi luôn nhắc nhở trước khi “yêu nước” hãy xuất phát điểm đầu tiên là yêu gia đình mình, dòng họ mình, bạn bè, thầy cô mình, quê hương mình. Tất cả tình yêu bình dị đó sẽ được “tích hợp” thành một tình yêu thiêng liêng và bền vững với Tổ quốc mình.

Một kiến thức quan trọng và xuyên suốt trong thời gian khá dài của lịch sử Việt Nam hiện đại là về lãnh tụ Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Nếu nắm vững được những kiến thức cơ bản về Người trong chương trình sách giáo khoa sẽ lý giải được những nét nổi bật về quá trình thành lập Đảng, sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 30 năm với hai cuộc kháng chiến trường chinh chống thực dân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975).

Nói một cách ngắn gọn, học Lịch sử và thi Lịch sử không khó nếu học trò có đam mê. Vai trò của người thầy dạy Lịch sử là biết truyền “ngọn lửa” đam mê, khơi gợi cảm hứng và tạo động lực cho học trò để “thổi hồn” vào những con số, sự kiện. Từ sự đam mê của học trò, người thầy sẽ dạy cho các em phương pháp, kỹ năng nhớ Lịch sử, học giỏi Lịch sử và thi Lịch sử.

TRẦN TRUNG HIẾU

(Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/truyen-cam-hung-tinh-yeu-mon-lich-su-cho-hoc-sinh-650712