Truyền cảm hứng qua 'Những câu chuyện cuộc đời'

Từ sự tình cờ đến với nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Đức có cơ hội tham gia vào những dự án nhiếp ảnh cộng đồng khác nhau, mới đây nhất là triển lãm 'Những câu chuyện cuộc đời'. Qua ống kính của mình, anh chia sẻ những câu chuyện cuộc sống đầy giản dị, truyền cảm hứng tích cực với mọi người.

Hai em nhỏ trong một gia đình đông con ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/ Nguyễn Minh Đức).

Hai em nhỏ trong một gia đình đông con ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/ Nguyễn Minh Đức).

NDĐT- Từ sự tình cờ đến với nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Đức có cơ hội tham gia vào những dự án nhiếp ảnh cộng đồng khác nhau, mới đây nhất là triển lãm “Những câu chuyện cuộc đời”. Qua ống kính của mình, anh chia sẻ những câu chuyện cuộc sống đầy giản dị, truyền cảm hứng tích cực với mọi người.

Sau những bức ảnh: Bao câu chuyện cảm động

Năm 2019, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức cùng đồng nghiệp của mình thực hiện một hành trình dài gần ba tháng đi qua tám tỉnh, thành phố của đất nước để thực hiện những bộ ảnh cho dự án “Những câu chuyện cuộc đời” của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Những vùng đất đó có thể rất gần trung tâm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng nhiều khu vực ở tận vùng sâu, vùng xa rất khó khăn như Hà Giang, Quảng Trị, Sóc Trăng, Ninh Thuận…

Các em nhỏ trong một gia đình ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Mục đích của triển lãm ảnh “Những câu chuyện cuộc đời” nhằm giúp những con số thống kê thu thập được từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trở thành những con số biết nói, đưa ra những thông điệp gần gũi hơn với công chúng. Chín chủ đề được lựa chọn là: Giáo dục, Thanh niên và việc làm, Mức sinh, Sự ưa thích con trai, Kết hôn sớm, Di cư, Khuyết tật, Người cao tuổi và Nhà cửa. Chương trình do UNFPA tại Việt Nam phối hợp Tổng cục Thống kê tổ chức.

Là một trong hai nhiếp ảnh gia được lựa chọn thực hiện dự án, ban đầu, khi cầm máy lên và đi, Nguyễn Minh Đức cũng băn khoăn, chưa định hướng làm sao có được những bộ ảnh chân thực nhất, phù hợp với những tiêu chí đã đề ra. Trong quá trình ghi lại những bức ảnh, anh đã gặp những con người, được chia sẻ bao câu chuyện đời thú vị, để lại những ấn tượng khó quên.

Gia đình ông Thào Chần Sài ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Câu chuyện đầu tiên là cuộc sống của một gia đình đông con ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Đó là gia đình ông Thào Chần Sài và vợ là bà Sùng Thị Mai. Chỉ vì mong muốn có con trai, ông bà đã cố sinh tới tám cô con gái và một cậu con trai. Ông Sài tâm sự: "Ở cái tuổi 55 của tôi và 49 của vợ tôi, đối với người H'Mông cũng có người đã có cháu gọi bằng cụ rồi đấy. Hiện vợ chồng tôi đã là ông bà ngoại của một lũ cháu, nhưng cũng có hai đứa con còn rất bé, mới bảy tuổi và bốn tuổi”.

Vợ ông Sài sinh con gái đầu năm 1991, đến lần sinh thứ tám (năm 2012) mới được bé trai Thào Chí Phùng, hiện lên bảy tuổi. Nhiều lúc nghĩ lại mà sợ, vì sinh con nhiều quá, vợ không còn sức khỏe, sinh ra đau ốm nhiều. Lo lắng cho 11 miệng ăn trong gia đình thật vất vả, nghèo túng. Hiện giờ, năm người con gái đầu đã lấy chồng. Hai vợ chồng tôi vẫn còn đang nuôi bốn đứa con. Cậu con trai duy nhất mới vào lớp 2, còn bé gái út vẫn đang học mẫu giáo.

Từ câu chuyện của ông Thào Chần Sài, sẽ thấy tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái, cao hơn mức sinh học tự nhiên. Mất cân bằng giới tính khi sinh đã bắt đầu lan tỏa tới những vùng núi xa xôi. Trong khi, tỷ số này ở trung du và miền núi phía bắc là 114,2 bé trai/100 bé gái.

Anh Đức chia sẻ, thực hiện một câu chuyện bằng ảnh không hề dễ dàng. May mắn là, nhiều bạn bè, anh em đã tích cực hỗ trợ. Khi tiếp xúc với nhân vật, anh luôn tìm hiểu về hoàn cảnh, cuộc sống của họ. Thực tế, có những nhân vật mà cuộc sống của họ có thể gợi nên những câu chuyện bằng ảnh rất hay. Tuy nhiên, nếu nhân vật không đồng ý chụp ảnh cũng phải chấp nhận, dù người cầm máy thật sự tiếc nuối.

Hướng nhân vật tới sự tích cực

Để có một câu chuyện bằng ảnh hoàn chỉnh, anh Đức thường phải chụp mất hai ngày. Anh quan niệm, người chụp phải hiểu rõ câu chuyện, phải làm bạn với nhân vật. Qua những điều họ kể, để tạo những điểm nhấn trong cuộc sống thường ngày, người chụp cần trao đổi kỹ với họ. Tuy nhiên, kịch bản đó phải dựa trên sự thật, những câu chuyện thật không hư cấu. Có thể, đâu đó trong nhiếp ảnh, có những cách dàn dựng để lấy thêm nước mắt của người xem, chạm đến trái tim của khán giả mạnh hơn. Nhưng với nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức thì: “Câu chuyện kể bằng ảnh là sự trung thực, chính xác nhất về cuộc sống của mỗi con người”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Minh Đức.

Trong những câu chuyện bằng hình ảnh của mình, Nguyễn Minh Đức luôn hướng nhân vật tới sự tích cực, tới những điểm sáng. Anh cho rằng: “Xem một câu chuyện ảnh, nếu không nhìn thấy ánh sáng hy vọng, có thể sẽ đem lại một cảm giác rất buồn cho người xem. Nếu chỉ làm cho người xem đẫm nước mắt, có thể không đạt hiệu quả về truyền thông”.

Một câu chuyện bằng ảnh nữa khác ở Hà Giang của Nguyễn Minh Đức cũng đem lại nhiều cảm xúc với người xem. Đó là gia đình anh Ma Seo Thì, 22 tuổi và vợ là chị Sùng Thị Sa, 18 tuổi, ở huyện Hoàng Su Phì. Họ kết hôn khi chị Sa chỉ 15 tuổi. Khi chưa có con, cuộc sống của họ rất vui vẻ. Nhưng khi đứa con đầu, rồi con thứ hai chào đời chỉ hơn một năm sau đó, cuộc sống gia đình rất vất vả. Họ tưởng chừng như không vượt qua được. Chia sẻ suy nghĩ với cặp vợ chồng trẻ ấy, họ mong muốn, nếu được quyết định lại, họ vẫn đến với nhau nhưng ở thời điểm muộn hơn. Họ sẽ đi học, đi làm và có chút vốn tích lũy trước khi lập gia đình. Điểm sáng trong câu chuyện của họ là nhờ sự hỗ trợ của địa phương và bố mẹ, một ngôi nhà từ kinh phí hỗ trợ người nghèo đã được xây dựng. Giờ đây, hai vợ chồng có một mái nhà và cuộc sống ổn định hơn.

Câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ này phản ánh thực tế về vấn đề kết hôn sớm. Vẫn còn 9,1% phụ nữ từ 20-24 tuổi kết hôn lần đầu trước tuổi 18. Ba dân tộc có tỷ lệ cao nhất là: Brâu (66,7%), H'Mông (48%), Xinh Mun (44,5%). Trong khi, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở Việt Nam là 25,2 tuổi.

Một điểm nhấn trong hành trình “Những câu chuyện cuộc đời” được anh Nguyễn Minh Đức và đồng nghiệp thực hiện là phản ánh về cuộc sống của người khuyết tật. Trong 23 bộ ảnh được trưng bày, có bốn bộ ảnh về người khuyết tật. Đó là chân dung những người khuyết tật ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang rất thú vị và cảm động.

Bạn Vũ Thị Quyên, Hà Nội (Ảnh: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Vũ Thị Quyên ở Hà Nội là một cô gái dám vượt qua rào cảm, chạm tới ước mơ. Căn bệnh xương thủy tinh đã khiến Quyên phải ngồi xe lăn, nhưng không thể ngăn bạn kết nối và vươn ra với cuộc sống tươi đẹp chung quanh. Điều may mắn là Quyên có tình yêu thương của gia đình, sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè.

Học hết lớp 12, Quyên đến Trung tâm Nghị lực sống, học lớp công nghệ thông tin và đồ họa. Sau đó, Quyên gặp những người bạn tốt, cùng nhau mở doanh nghiệp. Hiện giờ, công ty có nhiều hợp đồng ổn định, tạo công việc ổn định cho 40 người lao động (trong đó có 15 người khuyết tật) với mức lương từ 8-12 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, Vũ Thị Quyên cũng rất tích cực tham gia hoạt động vì quyền của người khuyết tật.

Bác Nguyễn Thượng Hiền cùng gia đình ở huyện Sơn Động, Bắc Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Một người khuyết tật cũng rất ấn tượng qua ống kính của Nguyễn Minh Đức là bác Nguyễn Thượng Hiền, 72 tuổi ở xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, Bắc Giang. Bị khuyết tật vận động ở chân từ nhỏ, nhưng con người bác thể hiện một tinh thần tự lực rất lớn. Có một gia đình êm ấm với vợ và ba người con, hơn 70 tuổi, bác và vợ vẫn nuôi 30 đàn ong, mỗi năm có thu nhập khoảng 30 triệu đồng, cộng với tiền trợ cấp khuyết tật hằng tháng của Nhà nước. Nhờ thế, hai vợ chồng bác cũng đủ sống, không cần con cái hỗ trợ.

Bác Hiền chỉ là một trong số khoảng 3,7% dân số từ 5 tuổi trở lên khuyết tật ở Việt Nam. Bác cũng là một minh chứng rõ ràng cho hình ảnh nhiều người khuyết tật không ngừng cố gắng, nỗ lực làm việc để ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bác Nguyễn Thượng Hiền nuôi ong (Ảnh: UNFPA Việt Nam/Nguyễn Minh Đức).

Anh Đức chia sẻ, qua tiếp xúc, trò chuyện, sẽ cảm nhận rõ sự lạc quan trong cuộc sống của bác Hiền. Anh khâm phục nghị lực sống của họ, một cuộc sống tự quyết định, không phụ thuộc ai và thực sự muốn thể hiện điều đó qua những góc ảnh của mình.

Từng theo học ngành y, nhiều năm công tác trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, cơ duyên đến với nhiếp ảnh của Nguyễn Minh Đức rất tình cờ. Từ chiếc máy ảnh đầu tiên được cha mua cho vào năm thứ ba thời đại học, anh theo học nghệ sĩ nhiếp ảnh Đăng Thanh, người nghệ sĩ đã mất một tay nhưng chụp ảnh vẫn đẹp. Từ năm 2016, Nguyễn Minh Đức chuyển sang làm tư vấn độc lập. Và kỹ năng về nhiếp ảnh của anh lại thu hút đông đảo sự quan tâm của mọi người, bởi góc nhìn tích cực khi thực hiện những bộ ảnh, với ý tưởng dựa trên quan điểm của sự phát triển.

Trước đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Đức cũng có tác phẩm tham gia một số triển lãm ảnh chủ đề như: những đóng góp của người di cư nội địa (2016), “Con người của ICPD: Ngang qua cuộc đời, Quyền và Lựa chọn cho tất cả mọi người” (2019)... Mới đây nhất, anh cũng tham gia chụp bộ ảnh cho những nhân vật trong Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 do cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tại Việt Nam thực hiện. Dự án này mang những câu chuyện tích cực, giúp nâng cao nhận thức cũng như thay đổi của cộng đồng trong vận động, giảm kỳ thị với người nhiễm HIV; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…

Từ năm 2018, Nguyễn Minh Đức đã hoàn thành mục tiêu đặt chân tới mọi tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong hành trình đi và chụp ảnh, Tây Bắc là vùng đất anh gắn bó nhiều nhất. Giờ đây, anh mong muốn có thể đặt chân tới tất cả các huyện của cả nước, tiếp tục hành trình kể chuyện cuộc sống qua những bức ảnh của mình.

*Triển lãm ảnh “Những câu chuyện cuộc đời” là hành trình gần ba tháng đi qua tám địa phương ở Việt Nam của hai tác giả Nguyễn Minh Đức và Vũ Ngọc Dũng.

Bé gái ở Hà Giang (Ảnh: UNFPA Việt Nam/ Nguyễn Minh Đức).

Dựa trên các bộ ảnh theo chín chủ đề, 23 câu chuyện là những chia sẻ hết sức cảm động và đáng suy ngẫm về cuộc sống và con người trên mọi miền Tổ quốc. Triển lãm ảnh mang đến cho người xem những góc nhìn sinh động, khắc họa nên bức tranh sắc nét về các vấn đề đang được xã hội quan tâm.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cảm ơn các nhiếp ảnh gia đã đem lại những bức ảnh đẹp và những câu chuyện tuyệt vời đằng sau các số liệu của Tổng điều tra mà họ đã thu thập được từ các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Bà cũng muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các gia đình Việt Nam, những người đã tham gia dự án ảnh này và chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng của họ, những câu chuyện thực sự chạm đến trái tim chúng ta. Những câu chuyện trong triển lãm ảnh góp phần nâng cao hiểu biết về những vấn đề chính nằm sau số liệu Tổng điều tra, thực sự góp phần vào cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Triển lãm ảnh “Những câu chuyện cuộc đời” đã được trưng bày vào cuối tháng 12-2019 tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Sau đó, dự án tiếp tục được trưng bày trong tháng 1 tại Tòa nhà Xanh Liên hợp quốc tại Thủ đô.

NGÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43069302-truyen-cam-hung-qua-%E2%80%9Cnhung-cau-chuyen-cuoc-doi%E2%80%9D.html