Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số

Với tư duy đổi mới, ý chí vươn lên mạnh mẽ, tầm nhìn rộng mở, nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) đã mạnh dạn khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Có người đã thành công, thành danh, có người vẫn đang trong quá trình khẳng định mình. Họ đã và đang truyền cảm hứng khởi sự kinh doanh tới những bạn trẻ ở các bản làng vùng sâu, vùng xa; đồng thời gửi gắm thông điệp về sự tự tin và nỗ lực của người DTTS trong khát vọng làm giàu.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho chị Sầm Thị Tình trong Chương trình “Khát vọng khởi nghiệp - bừng sáng bản làng”, tổ chức ngày 23-5 vừa qua. Ảnh: Bích Nguyên

Khai thác tiềm năng sản xuất dược liệu

Người đầu tiên mà chúng tôi muốn nhắc đến là bạn trẻ Lý Tà Giàng, SN 1995, ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Từ nhỏ, Giàng đã được tiếp xúc với nhiều loại cây dược liệu bản địa, lớn lên anh càng thấu hiểu những giá trị của nó và đau đáu làm thế nào để sản phẩm dược liệu của địa phương trụ được trên thị trường. Nhận thấy Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nặm Đăm chuyên trồng và chế biến dược liệu có thu nhập khá ổn định nên học xong Trung học phổ thông anh đã tham gia HTX này.

“Sau một thời gian, tôi thấy rằng, ở Quản Bạ có tới 5 HTX trồng và chế biến cây dược liệu nhưng không có một cơ sở kinh doanh nào để đưa các sản phẩm ra thị trường rộng rãi” - Giàng cho biết. Nắm bắt cơ hội này, với sự tư vấn, giúp đỡ của các cán bộ Trường Đại học Dược, năm 2017, Giàng thành lập Công ty Cổ phần Thảo dược Cao nguyên đá, chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm của 5 HTX dược liệu với 200 sản phẩm. Doanh nghiệp này nhanh chóng tiếp cận xu hướng công nghệ bán hàng trực tuyến, thông qua các trang mạng xã hội, nên sản phẩm được phổ biến rộng rãi, đông đảo người tiêu dùng đón nhận và tin dùng.

Định hướng khởi nghiệp của anh Nịnh Văn Trắng, SN 1976, người Sán Chay, Giám đốc Công ty Cổ phần Thung lũng Dược Phẩm Xanh, ở xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh cũng bắt đầu từ cây dược liệu ở địa phương. Với mong muốn lưu giữ nguồn gen Trà Hoa Vàng - một loại cây dược liệu có giá trị cao, anh Nịnh Văn Trắng đang tiếp tục phát triển công ty trong lĩnh vực sản xuất lâm sản dược liệu với nhiều mặt hàng đa dạng như: Lá trà Hoa Vàng, Trà túi lọc Hoa Vàng, nấm lim, mật ong... Sau quãng thời gian dài bền bỉ gây dựng thương hiệu, vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, đến nay, anh Trắng đã là tỷ phú ở vùng đất Đạp Thanh.

Khởi nghiệp từ nghề truyền thống

Chị Thào Thị Sung, SN 1982, người dân tộc Mông, ở Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) đã thể hiện ý chí vươn lên mạnh khi tay trắng dựng nên cơ đồ từ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.

Từ khi còn nằm trên lưng mẹ, Sung đã quen với mùi ngái của vải nhuộm chàm. Lớn lên, chị được làm quen với cây lanh, kỹ thuật nhuộm chàm, in hoa văn bằng sáp ong, chỉ thêu... Chị đã tự tay làm ra được những bộ quần áo thổ cẩm cho bản thân và gia đình. Với mong muốn làm giàu từ nghề dệt truyền thống và quảng bá rộng rãi văn hóa của dân tộc, năm 2015, Thào Thị Sung mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ thổ cẩm số 1, thôn Can Ngài, xã Tả Phìn. Người phụ nữ mạnh mẽ này rất nhạy bén trong việc quảng bá sản phẩm, bán hàng trên mạng xã hội nên thị trường hàng lanh, thổ cẩm của câu lạc bộ mở rộng ra các nhiều thành phố lớn. Ban đầu, chỉ có 17 người tham gia, đến nay câu lạc bộ đã có 60 người, cho thu nhập khá ổn định.

Giống như Thào Thị Sung, người phụ nữ dân tộc Thái - Sầm Thị Tình, SN 1987, ở Nghệ An, đam mê cháy bỏng với thổ cẩm của dân tộc mình. Chị là người tìm cách đưa sản phẩm với những giá trị tầng sâu văn hóa từ làng Thái cổ tới những nơi đô hội, đến thị trường trong nước và quốc tế và là chiếc cầu nối giữa khách du lịch với bản làng của mình, đến với HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An. Quá trình này được gây dựng từ những bước đi vững chắc bằng chính sự nỗ lực và cố gắng của bản thân cô gái trẻ này. Ngoài những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, chị Tình còn học cách dệt, thêu hoa văn, tạo mẫu trên những đôi giày, túi xách, khăn choàng... để tự làm mới sản phẩm bởi “sản phẩm có mới, khác lạ, đặc biệt mới thu hút được khách hàng”. Đau đáu với tâm nguyện đó, Tình luôn bắt mình phải suy nghĩ, sáng tạo không chỉ từ kỹ thuật dệt, đan kết, mà còn tạo ra nhiều mẫu hoa văn, sản phẩm khác nhau phục vụ cho cuộc sống và trang trí.

Sáng chế máy nông nghiệp

Nguyễn Văn Tuấn, SN 1980, dân tộc Tày, ở xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chọn một con đường hoàn toàn mới mẻ đầy thử thách là sáng chế các loại máy nông nghiệp. Sinh ra và lớn lên ở vùng núi, anh thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của người làm nông nghiệp ở đất đồi dốc vùng cao. Chính vì vậy, anh luôn trăn trở làm sao có thể chế tạo ra một chiếc máy có thể thay thế cho sức người.

Sau nhiều lần thất bại, anh Tuấn đã chế tạo thành công máy cào cỏ, vun ngô, có thể thao tác dễ dàng trên địa hình đồi dốc, ruộng bậc thang. Sau đó, anh tiếp tục hoàn thiện máy để có thể không chỉ bừa đất, mà còn đánh luống, gieo hạt, tra phân và lấp đất. Năng suất làm đất của máy tương đương với 10 công lao động bình thường. Tháng 10-2016, Nguyễn Văn Tuấn thành lập HTX Dịch vụ, sản xuất, chế tạo nông cụ, máy nông nghiệp Thành Ngân. Đây là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên ở xã Cường Lợi. HTX hiện hoạt động đa ngành nghề gồm: Sửa chữa xe máy, sản xuất máy nông nghiệp đa năng, vận hành máy gặt đập liên hoàn... Trong đó, việc sản xuất máy nông nghiệp đa năng và vận hành máy gặt đập liên hoàn chủ yếu do anh Tuấn đảm nhiệm.

Nguyễn Văn Huỳnh, SN 1983, ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng khởi nghiệp bằng việc sáng chế các loại máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh đã chế tạo ra nhiều máy móc hữu ích trong cuộc sống như: Máy pha nước tự động, máy bào vỏ quế, phao chống vỡ ao đập, máy bắt sâu bọ, mô hình tuần hoàn vật chất – hệ sinh thái VAC... Các sáng chế của anh đã đạt các giải thưởng lớn tại các cuộc thi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Anh cũng được tặng Giấy khen, Huy chương Nhà sáng chế trẻ năm 2010, 2011 và Giải thưởng Lương Đình Của năm 2018.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/truyen-cam-hung-khoi-nghiep-cho-thanh-nien-dan-toc-thieu-so/