Truyền bia giải độc rượu: 'Bợm nhậu' quên lối về vì hiểu lầm tai hại

Gần đây thông tin về việc truyền 5 lít bia vào cơ thể người đàn ông để giải ngộ độc rượu đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều 'bợm nhậu' lại lấy đây là lý do để tiếp tục những bữa nhậu quên lối về của mình.

Mới đây, để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu, bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng gần 5 lít bia truyền vào đường tiêu hóa bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị).

Cụ thể, bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt và dựa vào biểu hiện lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu. Sau khi truyền gần 5 lít bia bằng ống thông dạ dày, bệnh nhân đã dần hồi phục và tỉnh táo.

Thông tin về bệnh nhân bị ngộ độc rượu có thể "giải cứu" bằng bia đã tạo ra sự chú ý và quan tâm từ dư luận, thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ trên khắp các diễn đàn.

Mặc dù, đây là sự việc cần được cảnh tỉnh thế nhưng nhiều người "nghiện rượu", những "bợm nhậu" vẫn không cảm thấy sợ hãi, lấy đó làm bài học kinh nghiệm mà còn vin vào đó để chia sẻ tiếp tục những cuộc nhậu của mình. Họ cho rằng cứ uống rượu bia thoải mái mà không cần lo ngộ độc rượu vì có thể "lấy độc trị độc".

Truyền bia giải độc rượu: Lý do để “bợm nhậu” tiếp tục những cơn say? (Ảnh minh họa).

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết: "Thực chất phương pháp dùng chính ethanol để giải độc rượu đã được thực hiện từ lâu. Về bản chất khoa học, phương pháp này là hoàn toàn đúng. Thế nhưng nhiều người chưa biết đến nên cảm thấy lạ và hiếu kỳ.

Có những người nghiện rượu, "bợm nhậu", họ lấy lý do này để ngụy biện cho việc uống rượu mà không lo ngộ độc. Đó là xuất phát từ tâm lý tự bênh vực và là một sự thiếu hiểu biết, phản khoa học. Bởi, uống rượu đặc biệt với rượu nồng độ cao rất dễ gây ngộ độc. Khi không có điều kiện để cấp cứu kịp thời có thể gây mù vĩnh viễn, thậm chí tử vong, chưa kể đến tình trạng nguy hiểm khi tham gia giao thông, ảnh hưởng đến nhân cách của chính người đó".

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy phân tích thêm: “Không chỉ người nghiện rượu, mà với những người nghiện các chất kích thích khác, họ thường có lý lẽ để biện minh cho hành động của mình.

Tôi lấy ví dụ có trường hợp con nghiện ma túy, khi bố hỏi lý do vì sao thì con nói là phải thử mới biết trên đời này có cảm xúc thăng hoa. Thế rồi, người bố cũng thử và cuối cùng thì cả hai bố con đều nghiện. Rõ ràng, những chất này không có lợi nhưng họ đưa ra lý lẽ để hợp lý hóa sở thích, tật xấu của mình”.

Từ những phân tích trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy đưa ra lời khuyên cho người có người thân nghiện rượu, hoặc những "bợm nhậu", nhất là Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi sắp đến gần: "Nên hạn chế sử dụng các chất kích. Trong đó, vai trò nhắc nhở, khuyên bảo từ những người thân là rất quan trọng để những người uống rượu có ý thức và biết kiềm chế hơn trong mỗi cuộc nhậu, vui xuân nhưng vẫn an toàn.

Bên cạnh đó, sự tự giác của mỗi người vẫn là điều quan trọng nhất. Khi sử dụng rượu bia, chúng ta không nên lạm dụng, cần sử dụng có chừng mực vì cuộc sống bên cạnh còn rất nhiều điều tươi đẹp.

Nên nhớ rằng, đằng sau những cuộc nhậu còn là hạnh phúc của cả gia đình và tương lai toàn xã hội".

Truyền bia để giải ngộ độc rượu không phải phương pháp mới

Liên quan đến phương pháp truyền bia để giải ngộ độc rượu, đại diện của cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế thông tin, đây không phải là phương pháp mới. Từ năm 2015, bộ Y tế đã xây dựng phác đồ chẩn đoán và xử trí ngộ độc, trong đó có ngộ độc rượu methanol.

Trong đó ngoài lọc máu, tăng thải trừ chất độc, dùng thuốc vận mạch, truyền dịch... phác đồ chỉ rõ cần dùng thuốc giải độc đặc hiệu gồm ethanol và fomepizole. Khi truyền 2 chất này sẽ cản methanol chuyển hóa thành các chất độc axit formic và format, methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu.

Ethanol hoặc fomedizole nên được dùng ở các bệnh nhân sẽ và đang được lọc máu liên tục hoặc trong thời gian chờ đợi lọc máu thẩm tách để ngăn chặn quá trình chuyển hóa gây độc tiếp diễn của methanol trong khi chưa được loại bỏ khỏi cơ thể.

Cách dùng ethanol đường uống: Dùng rượu ethanol đảm bảo an toàn và có ghi rõ độ cồn (%), sau đó pha rượu thành nồng độ 20% (1ml chứa 0,16 gram ethanol).

Liều ban đầu: 800 mg/kg (4ml/kg), uống (có thể pha thêm đường hoặc nước quả) hoặc nhỏ giọt qua sonde dạ dày.

Liều duy trì: Người không nghiện rượu từ 80 - 130 mg/kg/giờ (0,4 đến 0,7ml/kg/giờ), ở người nghiện rượu dùng 150 mg/kg/giờ (0,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.

Liều dùng duy trì trong và sau khi lọc máu: 250 đến 350 mg/kg/giờ (1,3 đến 1,8 mL/kg/giờ), uống hoặc qua sonde dạ dày.

Lưu ý, việc cho uống, truyền ethanol để giải rượu chỉ áp dụng cho các trường hợp ngộ độc methanol. Nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia, rượu gạo) thì người bệnh càng trầm trọng.

Nguyễn Ánh – Nhật Lệ

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/truyen-bia-giai-doc-ruou-bom-nhau-quen-loi-ve-vi-hieu-lam-tai-hai-a418158.html