'Truy xuất nguồn gốc thịt heo mà đeo vòng là không hiệu quả'

'Chúng ta không nên chạy theo thành tích, đừng có nghĩ đeo cái vòng cho heo là con heo đó đã an toàn, chất lượng. Vì thực tế mỗi con heo chỉ có 1 vòng đeo ở chân, sau khi xẻ thịt bán, người bán chặt mất chân thì phần còn lại làm sao biết có phải là của con heo đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc hay không'.

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (giữa) kiểm tra một cơ sở giết mổ heo - Ảnh: PV

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (giữa) kiểm tra một cơ sở giết mổ heo - Ảnh: PV

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã thẳng thắn chia sẻ như thế về việc đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc trong Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm và dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” mà đơn vị đã thực hiện trong năm 2018 vừa qua.

Heo được đeo vòng chưa chắc đã có truy xuất nguồn gốc

Bà Lan cho biết sau khi nhận Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm và dự án Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” từ Sở Công Thương TP.HCM vào đầu năm 2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã bắt tay vào thực hiện những việc làm tiếp theo của đề án này.

Trong đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP tập trung tiếp nhận hồ sơ đăng ký và cấp mã code TE- Food cho các cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia đề án này. Đến nay sau 1 năm thực hiện, TP đã tiếp nhận được 22 hồ sơ và cấp mã code cho 16 cở sở (gồm 3 trang trại chăn nuôi heo, 3 cơ sở giết mổ heo, 8 cơ sở kinh doanh heo, 1 trại chăn nuôi gà và 1 cơ sở kinh doanh trứng gia cầm).

Như vậy tính đến hết năm 2018, TP đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 1.544 trang trại, 48 cơ sở giết mổ và kinh doanh tại 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), 527 siêu thị và cửa hàng kinh doanh thịt heo, 23 chợ lẻ tại các quầy kinh doanh thịt heo.

Đối với thịt gia cầm, TP đã kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc được 53 trang trại gà giống, 674 trang trại gà lấy thịt, 24 cơ sở giết mổ và đóng gói, 1.749 điểm bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Riêng trứng gia cầm, đến nay TP đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc trứng ở 673 trang trại, 15 cơ sở xử lý và đóng gói trứng, 1.211 điểm bán tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích.

Tuy nhiên, bà Lan cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng cách đeo vòng vào chân heo mà Sở Công thương TP.HCM đã thực hiện trước đó là không hiệu quả, vì không thể nào bảo đảm con heo có đeo vòng là đã truy xuất nguồn gốc cũng như con heo đó an toàn, chất lượng.

Heo được đeo vòng truy xuất nguồn gốc tại một cơ sở giết mổ ở TP.HCM - Ảnh: PV

“Thời đại này là thời đại nào rồi mà vẫn đóng mấy cái mộc lên con heo, đeo vòng vào chân heo. Việc làm này không chỉ lỗi thời, lạc hậu mà cũng không thể xác định chắc chắn heo đó có truy xuất nguồn gốc, vì thực tế việc đeo vòng cho heo cũng rất dễ làm giả”, bà Lan nói và chia sẻ thêm.

“Chúng ta không nên chạy theo thành tích, đừng có nghĩ đeo cái vòng cho heo là con heo đó đã an toàn, chất lượng .Vì thực tế mỗi con heo chỉ có 1 vòng đeo ở chân, sau khi xẻ thịt bán, người bán chặt mất chân thì phần còn lại làm sao biết có phải là của con heo đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc hay không. Ngoài ra, nhiều thương lái còn đi thu gom heo về rồi mua cái vong đeo vào chân để nói heo này có truy xuất nguồn gốc. Điều này không có ý nghĩa gì cả”.

Cần phải xây dựng thương hiệu cho heo

Theo bà Lan ở Việt Nam, truy xuất nguồn gốc, nếu nói đây là heo của Vissan thì người dân tin tưởng, chứ truy xuất nguồn gốc là heo của một trang trại A hay B nào đó thì chưa chắc người dân đã tin heo ấy. Lúc này, chuyện có truy xuất nguồn gốc hay không, không có ý nghĩa. Người dân không còn quan tâm đến con heo đó của ai nuôi mà chỉ quan tâm con heo đó có an toàn hay không.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc phải làm ở tất cả các tỉnh, thành khác trong nước, chứ một mình TP.HCM thì sẽ không có ý nghĩa. Vì thành phố không phải là một “ốc đảo” nên không thể đặt riêng cho mình một tiêu chí.

“Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền cho việc heo đeo vòng nào, mã số và tem như thế nào là heo an toàn để người dân chọn mua. Chúng tôi phải làm lại và đang tính đến chuyện xây dựng thương hiệu cho heo; còn trước mắt có thể tổ chức đeo vòng cho heo ở những siêu thị, hoặc các chợ thí điểm an toàn thực phẩm, chứ không thể làm đại trà, làm theo phong trào như thời gian qua”, bà Lan nhấn mạnh.

Đề cập đến việc một số quốc gia khác cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng cách đeo vòng cho heo nhưng rất thành công, bà Lan cho biết các quốc gia này có hệ thống phân phối rất khác so với với Việt Nam. Những quốc gia này, thịt heo đều tiêu thụ ở các siêu thị, chứ không tiêu thụ ở ngoài chợ truyền thống hay bên ngoài thị trường như chúng ta.

“Khi vào siêu thị, từng miếng thịt heo được đặt trong chiếc hộp có nguồn gốc, có tem truy xuất. Trong khi các chợ của chúng ta, con heo được mua về chặt ra rồi trà trộn với nhiều loại thịt heo khác bán, ai mà biết. Hơn nữa, chăn nuôi ở những quốc gia này là chăn nuôi có quy mô lớn nên họ cần truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu”, bà Lan giải thích.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/truy-xuat-nguon-goc-thit-heo-ma-deo-vong-la-khong-hieu-qua-107884.html