Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Cần minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại

Ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc là việc làm cần thiết và cấp bách trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khi mà sản phẩm, hàng hóa được tiêu thụ ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, gần đây nhiều người kỳ vọng vào việc quét mã QR để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thế nhưng, tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa đến nay chưa được đơn vị có chức năng chuẩn hóa về nội dung và hình thức dẫn tới mỗi đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất làm mỗi kiểu, thông tin truy xuất chưa đầy đủ, gây hoài nghi cho người tiêu dùng…

Nhiều mã QR ở thị trường còn sai lệch hoặc khó đọc thông tin gốc

Ông Bùi Bá Chính – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch (MSMV) quốc gia cho biết, sản phẩm, hàng hóa bày bán trong siêu thị đều có mã vạch, mã 1 chiều theo tiêu chuẩn GS1. Các mã vạch dùng để định danh đơn nhất sản phẩm trên thị trường nhằm hỗ trợ siêu thị thanh toán, kiểm kê hàng hóa…

Đối với người dân, khi quét mã vạch bằng phần mềm “Scan and check” cũng ra được các thông tin chung về sản phẩm. Các thông tin này có thể do doanh nghiệp tự kê khai hoặc được xác thực bởi Trung tâm MSMV quốc gia nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xác thực thông tin.

Tuy nhiên, việc này chỉ được coi là truy xuất thông tin sản phẩm. Khác với mã vạch 1 chiều kể trên, mã QR hiện nay được nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất sử dụng in trên sản phẩm thường mã hóa 1 đường link dẫn đến một website chứa đựng thông tin về sản phẩm.

Tuy khác nhau về hình thức, nhưng về cơ bản các mã QR trên cũng chỉ là truy xuất thông tin do doanh nghiệp tự kê khai, chưa thể coi là truy xuất nguồn gốc (TXNG).

Một sản phẩm được xem là truy xuất được nguồn gốc thông qua một loại tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code là khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng check quét mã QR, mọi thông tin về sản phẩm như: Toàn bộ quá trình sản xuất từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển đều được ghi nhật ký điện tử cũng như lưu ý khi sử dụng sản phẩm hoặc thông tin liên quan đến sản phẩm sẽ hiện ra.

Nhờ vào việc truy xuất này mà người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.

Trước câu hỏi, có thông tin cho rằng, tới 95% sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR và được quảng bá đó là TXNG nhưng thực tế chỉ là truy xuất thông tin, không phải TXNG. Đây có phải một chiêu né bài, một sự “mập mờ” của doanh nghiệp?

Trả lời thẳng vấn đề, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm MSMV cho hay, chưa có thống kê cụ thể để xác định con số 95%, tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các mã QR hiện có trên thị trường chỉ cung cấp các thông tin chung về sản phẩm.

Một số mã QR còn không thể quét ra thông tin, hoặc quét ra thông tin sai lệch, như gắn trên sản phẩm A nhưng ra thông tin sản phẩm B. Ngoài ra, các mã này còn chưa được thống nhất về cách thức gắn, vị trí, kích thước, màu sắc,…

“Tuy nhiên, TXNG hiện tại mới chỉ là khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng, thế nên người tiêu dùng cần có sự sáng suốt khi lựa chọn những sản phẩm hàng hóa không rõ ràng về nguồn gốc”, ông Bùi Bá Chính, nhấn mạnh.

Quét mã QR trên hộp sữa, người dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm này.

Quét mã QR trên hộp sữa, người dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm này.

“Ngóng” cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia

Trước thực trạng trên, trung tâm MSMV quốc gia đang làm việc với các bên liên quan để xây dựng dự thảo Thông tư về nhãn điện tử để đưa ra một quy định thống nhất về các loại tem, nhãn sử dụng mã vạch nói chung và mã QR nói riêng để các doanh nghiệp có thể tuân thủ, tránh tình trạng mập mờ hiện nay.

“Đúng là có việc một số ít doanh nghiệp gán tem TXNG lên sản phẩm mang tính đối phó”, lãnh đạo Trung tâm MSMV thừa nhận. Song, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, trung tâm nhận thấy đa số các doanh nghiệp mong muốn có một hệ thống TXNG phù hợp tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu truy xuất của người tiêu dùng, yêu cầu của thị trường cũng như mong muốn minh bạch quá trình hình thành sản phẩm nhằm nâng cao giá trị thương hiệu.

Song song với nhu cầu của doanh nghiệp thì xuất hiện hàng loạt các đơn vị giải pháp về TXNG. Tuy nhiên, các giải pháp này đều mang tính độc lập, không có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, các dữ liệu mang tính tự kê khai, không có sự giám sát của cơ quan quản lý.

Trước thực trạng đó, với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG (Đề án 100) với phần lõi là Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia nhằm lưu trữ các thông tin kê khai, kết nối các dữ liệu rời rạc trong chuỗi, quản lý, giám sát việc thực hiện truy xuất.

Theo kế hoạch, Cổng thông tin TXNG sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động vào quý IV năm nay, khi cổng quốc gia đi vào vận hành, các quy định pháp lý về TXNG hoàn thiện, người tiêu dùng có thể quét mã trên sản phẩm để truy xuất sản phẩm đó từ những khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng, quá trình hình thành cho đến các thông tin sau bán hàng.

Được biết, năm 2020, Trung tâm MSMV quốc gia đã cấp gần 8.000 mã doanh nghiệp, 4 tháng đầu năm 2021 cấp 1.990 mã doanh nghiệp. Trung tâm không "cấp mã TXNG". Doanh nghiệp nào có "nhu cầu sử dụng hệ thống TXNG" thì thực hiện hoạt động đăng ký tài khoản trên hệ thống trace.gov.vn.

Hệ thống này cho phép doanh nghiệp chủ động kê khai thông tin và kích hoạt tem truy xuất. Doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm về thông tin kê khai TXNG.

Ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) từng cho biết, TXNG thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác.

Nếu phát hiện điểm không hợp lý chẳng những có thể chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, mà quan trọng hơn còn giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Chuyển hồ sơ vụ kinh doanh dây điện giả sang cơ quan Công an

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị đã hoàn tất thủ tục chuyển giao hồ sơ, tang vật cho Công an tỉnh Vĩnh Phúc vụ việc kinh doanh hàng hóa là dây điện nhãn hiệu Trần Phú có dấu hiệu tội phạm hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 14/4/2021, Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an huyện Vĩnh Tường tiến hành kiểm tra cửa hàng Quân Nhàn, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường do bà Vũ Thị Nhàn, SN 1978 làm chủ.

Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 115 cuộn dây điện dân dụng mang nhãn hiệu Trần Phú không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Đặc biệt, lô hàng này có dấu hiệu giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa của Công ty cổ phần cơ điện Trần Phú. Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành xác minh.

Đội QLTT số 2 đã gửi mẫu đề nghị giám định tới Công ty cổ phần cơ điện Trần Phú, địa chỉ số 41 phố Phương Liệt, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, là chủ sở hữu nhãn hiệu theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú khẳng định, toàn bộ số hàng hóa mà Đội QLTT số 2 đang tạm giữ là dây điện giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Sau khi nhận kết quả giám định, Đội QLTT số 2 đã tiến hành làm việc với bà Vũ Thị Nhàn chủ cơ sở kinh doanh và thông báo kết luận vi phạm đối với cửa hàng về toàn bộ số hàng hóa đã bị Đội thu giữ. Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

L.Hiệp

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/truy-xuat-nguon-goc-san-pham-can-minh-bach-thong-tin-chong-gian-lan-thuong-mai-641346/