Truy xuất nguồn gốc nông sản: Lợi cả ba bên

Sau hơn 3 năm triển khai, hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã cho thấy những hiệu quả tích cực, mang lại lợi ích cho không chỉ nhà quản lý, cơ sở sản xuất, mà còn cả người tiêu dùng.

 Nông sản được truy xuất nguồn gốc giúp ích hiệu quả cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Ảnh: Trọng Tùng

Nông sản được truy xuất nguồn gốc giúp ích hiệu quả cho công tác quản lý an toàn thực phẩm. Ảnh: Trọng Tùng

Kiểm soát chặt chất lượng nông sản
Từ năm 2019, Hợp tác xã Bưởi Núi Bé (huyện Chương Mỹ) đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm sử dụng mã QR. Theo đó, mỗi trái bưởi của hợp tác xã đều được dán tem nhãn. Khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, quét mã QR là có thể xác định được nguồn gốc của những trái bưởi. Điều này không chỉ khiến khách hàng yên tâm với nông sản sử dụng, mà còn giúp hợp tác xã nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường.
Không chỉ Hợp tác xã Bưởi Núi Bé, đến nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của Hà Nội đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì cho 2.854 cơ sở. Phần lớn trong số đó là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản. Hà Nội cũng đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 DN trên địa bàn TP, 238 DN của 35 tỉnh, TP với 8.702 bộ mã truy xuất nguồn gốc các loại nông sản, thực phẩm.
Sẽ bắt buộc truy xuất nguồn gốc nông sản
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm mang lại ý nghĩa lớn đối với nhiều bên liên quan, giúp nhà quản lý kiểm soát hiệu quả chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là hỗ trợ tích cực cho người tiêu dùng trong việc kiểm tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng thực phẩm sử dụng trong bữa ăn hàng ngày.
Việc ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của Hà Nội còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Sở dĩ vậy là bởi chính sự ràng buộc về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sẽ thúc đẩy các tổ chức, DN, người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Qua đó, kiểm soát hiệu quả vấn đề còn rất phức tạp về an toàn thực phẩm hiện nay.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm sử dụng mã QR, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị UBND TP tiếp tục quan tâm, mở rộng và phát triển hệ thống, tiến tới hoàn thiện, nâng cấp, bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. Nghiên cứu, áp dụng bắt buộc tham gia hệ thống truy xuất đối với một số các nhóm nông sản, thực phẩm lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Một vấn đề khác theo ông Tạ Văn Tường cũng cần được quan tâm, đó là việc triển khai thí điểm hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm có ứng dụng công nghệ quản lý lưu thông của sản phẩm. Từ đó tạo nên giá trị kinh tế cao hơn cho chuỗi giá trị nông sản được kiểm soát. Về phía Sở NN&PTNT Hà Nội, sẽ tiếp tục hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR; ứng dụng bao bì gắn với tem truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu nông sản được bảo hộ cho đơn vị...

Hà Nội đã đạt chỉ tiêu 100% sản phẩm của 141 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn có sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc khi lưu thông ra thị trường. Ngoài ra, 80,5% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành hiện nay cũng đã sử dụng QR code phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/truy-xuat-nguon-goc-nong-san-loi-ca-ba-ben-411483.html