Truy xuất nguồn gốc, ngăn ngừa dịch bệnh

Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với 24 tỉnh, thành phố về công tác kiểm dịch sản phẩm động vật nhằm kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gia súc, gia cầm từ các tỉnh đưa về Thủ đô. Tuy nhiên, trong công tác phối hợp còn nhiều khó khăn do các tỉnh, thành phố chưa xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp.

Kiểm tra chất lượng thịt gia cầm bán ở chợ dân sinh.

Hiệu quả chưa cao

Theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh kiểm soát đưa gia súc, gia cầm về Hà Nội tiêu thụ nhằm cung cấp các mặt hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Hà Nội cũng tổ chức cho một số tỉnh, thành phố tham quan mô hình trang trại chăn nuôi; mô hình cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để áp dụng. Qua các buổi tham quan, các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm trong tham mưu cơ chế, chính sách về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt là quy hoạch, xây dựng quản lý các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hằng tháng, các tỉnh và Hà Nội bảo đảm thông tin, cung cấp kịp thời đầy đủ số liệu về cấp giấy kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phối hợp kiểm tra, giám sát, truy xuất nguốn gốc khi có yêu cầu. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã kiểm soát sản phẩm động vật được 17.512 tấn thịt gồm: 1.306 tấn thịt trâu, bò; 5.070 tấn thịt lợn; 5.664 tấn thịt gia cầm; 1.887 tấn sản phẩm động vật khác...

Ngoài ra, để giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm của các tỉnh đưa về Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã lấy 302 mẫu nông, lâm, thủy sản, gồm: 36 mẫu thịt lợn, 30 mẫu thịt gà, 44 mẫu thủy sản... qua đó, phát hiện 17 mẫu vi phạm, chiếm 6,67% các mẫu vượt ngưỡng. Qua đó, Chi cục đã thông báo kịp thời tới các cơ sở, các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm; đồng thời có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác phối hợp kiểm soát gia súc, gia cầm vẫn còn khó khăn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các tỉnh, thành còn chậm; công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh của một số địa phương chưa được chú trọng; công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển của một số tỉnh, thành chưa chặt chẽ.

Mặt khác, một số tỉnh chưa xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ nên tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp. Trong công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển về Hà Nội của một số tỉnh vẫn còn những trường hợp sơ suất, gây khó khăn trong việc quản lý, xử lý vi phạm...

Chủ động phối hợp kiểm tra

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý gia súc, gia cầm của các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong lĩnh vực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc để quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Theo đó, các địa phương chủ động thông tin cho nhau tình hình dịch bệnh, sản phẩm xuất đi, các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, các quy định đặc thù về thú y của địa phương cho Hà Nội nắm rõ và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra khi xảy ra sự cố. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, các tỉnh cần chú trọng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, lĩnh vực kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, các đơn vị của Sở NN&PTNT thực hiện thường xuyên lấy mẫu giám sát chất lượng các mặt hàng gia súc, gia cầm của các tỉnh đưa về Hà Nội nhằm phát hiện vi phạm.

Trong quá trình kiểm tra, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội cần thông tin kịp thời các trường hợp vi phạm như: Giấy kiểm dịch không hợp lệ, vận chuyển không có giấy kiểm dịch, thủ tục kiểm dịch không đúng… để phối hợp kiểm tra và xử lý vi phạm, tạo điều kiện để các đơn vị quản lý chặt chẽ cán bộ, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định.

Hà Nội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố truy tìm nguồn gốc các chủ buôn bán gia cầm nhập lậu; ngăn ngừa gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc về các chợ đầu mối tiêu thụ; chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quỳnh Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/914268/truy-xuat-nguon-goc-ngan-ngua-dich-benh