Truy xuất nguồn gốc cho cây đào: Lợi cho dân, thủ tục không hề phức tạp

Dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ cây đào, để cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi.

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ rừng và quản lý truy xuất nguồn gốc cây đào do người dân trồng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, tùy vào điều kiện cụ thể từng địa phương, trong thời gian trước mắt có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hợp pháp khai thác cây đào, cây mai theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tại các địa phương cần tăng cường quản lý tuyên truyền, vận động không để người dân lợi dụng, chặt phá cây rừng.

Với chức năng là đầu mối triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã phối hợp với Sở KH-CN tỉnh Sơn La, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đào trồng để tạo thuận lợi cho người dân cung cấp đào ra thị trường.

 Chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp với Chi cục TCĐLCL Sơn La triển khai dán tem truy xuất cho đào trồng tại huyện Yên Châu.

Chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp với Chi cục TCĐLCL Sơn La triển khai dán tem truy xuất cho đào trồng tại huyện Yên Châu.

Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, cho biết khi được quét mã QR code gắn trên cây đào, hệ thống truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia vận hành sẽ cung cấp thông tin về người trồng, địa chỉ, diện tích, thông tin về năm trồng đào… Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây đào sẽ giúp người mua đào xác định rõ nguồn gốc xuất xứ cây đào và giúp cây đào trở thành hàng hóa lưu thông một cách thuận lợi.

“Quy trình thủ tục xác nhận đào trồng rất đơn giản. Cán bộ địa phương sẽ đi khảo sát nhu cầu của người dân có mong muốn thực hiện truy xuất nguồn gốc cho cây đào hay không. Sau đó trưởng bản, cán bộ địa chính xã xác định hộ gia đình đó trồng đào tại vườn thuộc đất nông nghiệp hay vườn nhà. Tất cả thông tin này sẽ được cung cấp cho hệ thống truy xuất nguồn gốc mà không phát sinh thêm các thủ tục hành chính nào”, ông Chính chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La Trần Dũng Tiến cho hay, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha diện tích đào trồng, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.

“Chỉ thị cấm chặt phá khai thác đào rừng hoàn toàn đúng đắn. Bởi không riêng gì cây đào, tất cả các loại cây trong rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất đều được quản lý chặt chẽ theo Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, các hộ trồng mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông thuận lợi”, ông Tiến nói.

Ông Hà Mạnh Hùng - PGĐ Sở KH-CN tỉnh Sơn La

Theo ông Hà Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, Sơn La đã lựa chọn cây đào để truy xuất nguồn gốc trong mùa Tết năm nay. Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào là sự chủ động vào cuộc của Sơn La trong việc tìm hướng tiêu thụ thuận lợi cho cây đào trồng, vốn là loại cây mang lại thu nhập khá cho người dân của tỉnh.

“Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào là không bắt buộc mà phụ thuộc vào nhu cầu của địa phương, người trồng, miễn làm sao chứng minh được cây đào được trồng không phải đào rừng tự nhiên”, ông Hùng nêu rõ.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý, việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa là chủ trương chung, hướng đến sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị cho hàng hóa là việc mà Sơn La hướng đến không chỉ cho cây đào mà cho tất cả các hàng hóa nông sản của tỉnh.

Những năm gần đây, đào là loại cây đem lại thu nhập cho người dân Sơn La, vì vậy việc dán tem truy xuất nguồn gốc đào được người dân ủng hộ, cả về tính lâu dài sau này. Anh Tánh Lau Gàng ở xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, Sơn La, bày tỏ: “Trồng đào hơn trồng ngô nhiều, có cây 500 - 600 nghìn nhưng có cây 5 - 6 triệu. Dán tem lên mình sẽ bán được giá hơn, nó sẽ chứng nhận cho cây đào mình trồng”.

Sơn La hiện có 5.000ha diện tích trồng đào

Trước đó, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên. Với mục tiêu truy xuất nguồn gốc để xác định rõ nguồn gốc cây đào có nguồn gốc xuất xứ như thế nào, vùng trồng ra sao, tính hợp pháp sử dụng của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu cho đào Sơn La và việc triển khai dán tem truy xuất cho cây đào để phân biệt nguồn gốc đào rừng với đào trồng, tạo điều kiện cho bà con tăng thêm thu nhập.

Việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La chuẩn bị, các thông tin về vùng trồng, địa chỉ nơi trồng… đang được cập nhật lên hệ thống truy xuất.

Với diện tích trồng đào hơn 5.000ha của Sơn La, ước tính hiện tại cần dùng khoảng 300 - 500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đơn vị cung cấp giải pháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu tem truy xuất để phục vụ nhu cầu truy xuất đào trồng của Sơn La cũng như các tỉnh khác có nhu cầu.

Cường Vũ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/truy-xuat-nguon-goc-cho-cay-dao-loi-cho-dan-thu-tuc-khong-he-phuc-tap-d282215.html