Truy xuất hàng hóa - chìa khóa mở rộng thị trường cho hàng Việt

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp người tiêu dùng hiểu rõ và tìm kiếm được toàn bộ mọi dữ liệu của sản phẩm từ quá trình sản xuất đến lúc cung ứng ra thị trường.

Đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đây vừa là cơ hội khẳng định uy tín thương hiệu, vừa tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường. Ngược lại, nếu không làm tốt, DN có thể phải đối mặt với nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng.

Người tiêu dùng ngày càng khắt khe

Băn khoăn về tình trạng người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng sản phẩm hoa quả gắn tem mác nhập ngoại với giá rất cao, trong khi một số sản phẩm trong nước dư thừa không tiêu thụ được, ông Lê Đại Dương, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ISHOPGO nêu nguyên nhân một phần do đa phần nông sản tại thị trường Việt Nam vẫn mập mờ về nguồn gốc, khiến tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Theo ông Lê Đại Dương, thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa để quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm, tránh tình trạng hàng hóa bị “phù phép” nguồn gốc. Từng DN phải khẳng định nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa, tạo dựng uy tín là việc làm cấp thiết, cần được quan tâm đúng mức.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm giò gà đồi Yên Thế, Bắc Giang.

Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do. Để được hưởng ưu đãi từ những hiệp định này, một trong những điều kiện tiên quyết chính là các DN Việt Nam cần phải chứng minh được xuất xứ hàng hóa một cách minh bạch, rõ ràng. Theo Giám đốc Trung tâm DN Hội nhập và Phát triển Phạm Thị Lý, việc áp dụng quy trình truy xuất hàng hóa là yếu tố nền tảng tạo ra chuỗi cung ứng an toàn, từ đó hình thành sự an tâm, tin tưởng của khách hàng với các sản phẩm cũng như uy tín thương hiệu của DN. “Khi thông tin về sản phẩm được niêm yết công khai, rõ ràng và DN phải chịu trách nhiệm về thông tin sản phẩm thì đây sẽ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam”, bà Phạm Thị Lý nói.

Ủng hộ quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nêu rõ: Trong bối cảnh, người tiêu dùng và các thị trường nhập khẩu ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa cả trong sản xuất lẫn thương mại, đặc biệt các thị trường lớn và khó tính, như: EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là xu hướng tất yếu mà Việt Nam phải hướng tới. “Tuy nhiên, truy xuất nguồn gốc không chỉ phục vụ DN xuất khẩu hàng hóa, người tiêu dùng, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái mà phục vụ cả cho quản lý của Nhà nước trong hoạch định chính sách, bảo đảm cân đối cung-cầu”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Cần sớm ban hành tiêu chuẩn truy xuất hàng hóa

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, bước đầu đem lại các kết quả tích cực, như làm thay đổi nhận thức về cách thức canh tác, nuôi trồng của người sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung, liên kết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai tem truy xuất nguồn gốc vẫn còn hạn chế: Mã vạch áp dụng phục vụ truy xuất nguồn gốc chưa được chuẩn hóa về hình thức và nội dung, thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và bảo đảm thông tin truy xuất nguồn gốc…

Hiện, có nhiều đơn vị thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, nhưng thực tế chưa phải truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất hàng hóa đã có quy định nhưng chưa có cách triển khai rõ ràng, chưa quy định rõ phạm vi truy xuất như truy xuất đến đâu, khâu nào, mức nào trong chuỗi. Ví dụ, việc truy xuất nguồn gốc của thịt heo bán ở siêu thị, thông tin truy xuất mới dừng ở chỗ chỉ ra heo được nuôi ở đâu, mổ ngày nào mà chưa có các thông tin như con giống, thức ăn hằng ngày, chuồng trại, quy trình giết mổ, vận chuyển… “Để đẩy mạnh quản lý Nhà nước đối với tem truy xuất nguồn gốc, đem lại hiệu quả cho DN, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng trên thị trường thì cơ quan Nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn truy xuất hàng hóa và quy định bắt buộc thực hiện truy xuất hàng hóa lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, việc chuẩn hóa tem truy xuất nguồn gốc là hết sức cần thiết”, ông Lê Đại Dương đề xuất.

Có cùng cách nhìn nhận, Tổng giám đốc Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) Đặng Thị Phương Ninh cung cấp thêm, hiện nay, tính trung thực của dữ liệu trong hoạt động truy xuất nguồn gốc chưa được bảo đảm toàn diện trong quá trình vận hành hệ thống. Nguyên nhân bởi, thời điểm phát sinh dữ liệu và ghi nhận diễn ra không đồng thời. Bên cạnh đó, cách thức lưu trữ truyền thống bằng hồ sơ dễ phát sinh sự nhầm lẫn, thay đổi thông tin. “Để khắc phục tình trạng này, việc sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử (thường gọi là mã QR) là giải pháp thay thế hữu hiệu cần được đẩy mạnh”, bà Phương Ninh gợi ý.

Ông Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần quy định rõ các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hành nghề cho các công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc, tránh tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin vào hoạt động truy xuất nguồn gốc. Còn Thứ trưởng Đặng Hoàng An thì cho rằng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa không chỉ là trách nhiệm của một số DN, địa phương mà cần sự chung tay của toàn xã hội. “Truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước tiên cần bước thay đổi về tư duy quản lý. Việc thay đổi này thể hiện từ cơ quan nhà nước, DN và cả những người sản xuất. Nông dân cũng phải thay đổi tư duy về thửa ruộng, chuồng trại của nhà mình", ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/truy-xuat-hang-hoa-chia-khoa-mo-rong-thi-truong-cho-hang-viet-550412