Truy trách nhiệm và xử lý việc cấp lúa giống kém chất lượng

Việc cung cấp lúa giống không kiểm nghiệm kỹ chất lượng dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân. Do đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh đang tiến hành kiểm điểm truy trách nhiệm và xử lý vấn đề cấp giống lúa kém chất lượng này.

Ngày 14/6, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, Sở đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân và cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) liên quan đến việc đã cấp gần 22 tấn lúa giống OM 1352 kém chất lượng, gây thiệt hại về chất lượng, năng suất lúa của nông dân.

Theo phản ánh của nhiều hộ nông dân sản xuất lúa thuộc các huyện Châu Thành và Hòa Thành, vụ Đông Xuân 2017-2018, lúa của họ có hiện tượng trổ bông hai tầng, năng suất kém; được xác định là do giống kém chất lượng.

Kết quả thanh tra, có 108 hộ dân đã mua 21,7 tấn giống lúa xác nhận OM 1352 tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng, trên diện tích gieo trồng 179 ha, với tỷ lệ lẫn giống lúa khác trên đồng ruộng trung bình khoảng 31%.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở Vũ Hoàng không cung cấp được hợp đồng mua bán với đơn vị cung cấp lúa giống, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, mà chỉ khai nhận đã trực tiếp liên hệ với ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng trại Thực nghiệm trồng trọt (trực thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh) đặt hàng mua lúa giống, sau đó đưa về bán lại cho nông dân.

Qua làm việc, ông Lê Trung Nghĩa cũng thừa nhận đã trực tiếp nhận tiền từ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng với tư cách cá nhân, để đặt mua lúa giống tại các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất giống lúa xác nhận OM 1352.

Giống lúa OM 1352 kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân. (Ảnh: Internet)

Giống lúa OM 1352 kém chất lượng gây thiệt hại cho nông dân. (Ảnh: Internet)

Sau khi đem lúa về, ông Nghĩa đã sử dụng 1.000 bao bì của Trung tâm Khuyến nông, gia công được khoảng 40 tấn lúa giống OM 1352 thành phẩm (quy cách 40 kg/bao).

Trong đó, đã cung cấp cho cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng với số lượng hơn 38 tấn lúa giống xác nhận OM 1352.

Việc cung cấp lúa giống không kiểm nghiệm kỹ chất lượng dẫn đến thiệt hại nặng nề cho nông dân.

Để khắc phục một phần hậu quả, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng đã chấp nhận hoàn trả cho người dân với số tiền trên 243 triệu đồng.

Vụ mía đắng ngắt, hầu hết nông dân đều thua lỗ!

Tính đến thời điểm này, nông dân ở Khánh Hòa cơ bản đã thu hoạch xong niên vụ mía 2017-2018. Theo nông dân, đây là vụ mía chồng chất khó khăn, hầu hết nông dân đều thua lỗ. Vì vậy, lẽ ra cây mía ngọt, giờ đọng lại chỉ là dư âm đắng ngắt.

Xã Ninh Tân có hơn 1.100 ha mía, theo bà Hoàng Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho đến ngày 12/6 bà con đã chặt bán cho 2 nhà máy đường của Cty CP Đường Việt Nam (Cam Lâm) và Cty CP Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (TX Ninh Hòa) khoảng 41.442 tấn mía (1.145 ha), năng suất từ 35- 45 tấn mía cây/ha (giảm 5- 10 tấn/ha), chữ đường cũng giảm, bình quân chỉ từ 7-9,5 CCS.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết, hầu hết bà con không có lãi, thậm chí còn thua lỗ nặng. Ông Phan Dũng ở thôn Bắc, xã Ninh Tân xác nhận: “Chưa có vụ mía nào nông dân khổ như vụ này. Ngoài năng suất, chữ đường mía giảm thì giá mua mía giảm 100.000 đ/tấn so với năm ngoái (800.000 đồng/tấn với mía 10 CCS). Nhưng khổ nhất là đỏ mắt thuê lao động chặt mía. Trước công chặt mía trên 1.000 đồng/bó, nay tăng lên từ 1.500- 2.000 đồng/bó (bó 10kg). Nhưng chặt mía xong rồi, nông dân phải tự kiếm xe chở mía, có khi tài xế gây phiền hà, đẩy chi phí tăng cao. Nhiều trường hợp mất 5 - 7 ngày, thậm chí 10 ngày mía mới được chở về nhà máy, hao hụt kinh khủng”.

Ông Dũng còn cho biết, hầu hết nông dân thua lỗ, ít nhất từ 5-10 triệu đồng/ha. Như gia đình ông với 8ha mía, tổng thu hơn 300 tấn, thấp hơn nhiều so với năm ngoái, đường chỉ quanh mức 8CCS, ước thua lỗ 40- 50 triệu.

80% doanh nghiệp điều tạm ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất điều đã tạm ngưng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Đơn cử, tại Long An hiện chỉ có 12/33 doanh nghiệp hoạt động; riêng tại Bình Phước có tới 80% doanh nghiệp quy mô nhỏ và rất nhỏ tạm ngưng hoạt động.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Vinacas, trong tháng 5/2018, nguyên liệu điều nhập về đạt 25 ngàn tấn, rất thấp so với 150 ngàn tấn cùng kỳ năm 2017. Dự báo những tháng cuối năm 2018, nguyên liệu có thể đưa vào chế biến gặp nhiều khó khăn do lượng nguyên liệu nhập về rất chậm.

Phân tích nguyên nhân này, ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, hiện tiêu thụ điều nhân thế giới tăng khoảng 3,5 - 5% do năm nay giá giảm so với trước. Trong 5 tháng đầu năm 2018, công suất chế biến trong nước tăng 25% so với năm 2017 nên thiếu hụt nguyên liệu. Điều nhập khẩu về đạt 283 ngàn tấn, thu mua trong nước và mậu biên là 370 ngàn tấn; tổng nguyên liệu điều là 653 ngàn tấn. Trong khi đó, xuất khẩu điều nhân đạt 152 ngàn tấn (tương đương 653 ngàn tấn nguyên liệu) và coi như các nhà máy “trống kho” nguyên liệu khiến sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngưng.

Công nhân Xí nghiệp phân loại hạt điều. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2019, Hiệp hội điều Việt Nam dự báo ngành điều Việt Nam có thể bước qua một chu kỳ phát triển mới. Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, tăng cường các giải pháp chất lượng và truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu – phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ xuất khẩu để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỷ USD.

Thị trường cá tra vẫn nhiều triển vọng

Sau một thời gian ở mức 32.000 đồng/kg hoặc hơn, do tác động từ thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu cá tra trong những tháng tới vẫn khá sáng sủa.

Theo ông Ong Văn Hoàng, Phó TGĐ Cty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), giá cá tra nguyên liệu sau một thời gian ở mức cao 32.000 đồng/kg, hiện đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/kg.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)

Ông Hoàng cho rằng giá cá tra sẽ còn tiếp tục giảm thêm nữa, nhưng mức giảm không nhiều, và sẽ dừng quanh mức 27.000 - 28.000 đồng/kg. Đây vẫn là mức giá tốt, đem lại lợi nhuận lớn cho người nuôi cá tra.

600 doanh nghiệp tham gia Lễ hội lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp Công nghệ cao

Tối ngày 15/6, tại Công viên phường 3, thành phố Tân An, tỉnh Long An đã khai mạc Lễ hội lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I.

Lễ hội đã thu hút gần 600 doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan tham gia. Với nhiều hoạt động phong phú như: cổ động đường phố; triển lãm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội thảo "Nông nghiệp thông minh - Mục tiêu và giải pháp"; tham quan cánh đồng mẫu và thí nghiệm máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật không người lái; Hội thi Làm nông thông minh với chủ đề Lúa sạch, Gạo thơm, Cơm ngon; Triển lãm các sản phẩm lúa, gạo tiêu biểu và dùng thử sản phẩm "Cơm ngon từ gạo Việt"...

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam. (Ảnh: internet)

Theo ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Lễ hội lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giới thiệu, quảng bá thành tựu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tạo cơ hội hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân trong vùng.

Lễ hội sẽ kết thúc ngày 20/6/2018.

Xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn rất thuận lợi

Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, nhiều mặt hàng nông nghiệp, nông thôn chủ lực tiếp tục tăng trưởng về giá trị xuất khẩu.

Trong đó, có những mặt hàng tăng trưởng rất tốt như gạo (đạt 1,497 tỷ USD; tăng 44,3%); hạt điều (đạt 1,405 tỷ USD; tăng 26,2%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (đạt 132,812 triệu USD; tăng 23,3%); rau quả (đạt 1,664 tỷ USD; tăng 19,3%); thủy sản (đạt 3,208 tỷ USD; tăng 13,3%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 3,374 tỷ USD; tăng 11,3%)…

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, các mặt hàng nông sản tiếp tục được đánh giá là có nhiều thuận lợi. Gạo là một trong những mặt hàng yên tâm nhất về đầu ra khi liên tục có những thông tin tốt về nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu (NK). Các nước NK khác ở châu Á như Indonesia, Malaysia… vẫn đang có nhu cầu NK thêm gạo.

Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

Nhu cầu rau quả vẫn đang tiếp tục tăng trên thị trường thế giới. Do đó, XK rau quả sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng ở mức cao trong những tháng tới.

Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ vẫn đang tăng trưởng khá ổn định. Đến thời điểm này, nhiều DN trong ngành gỗ đã có đơn hàng XK đến hết năm. Điểm đáng chú ý trong ngành gỗ năm nay là tiếp tục có thêm nhiều đơn hàng của các khách hàng châu Âu và Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Về triển vọng thị trường trong nửa cuối năm, dự báo phần lớn các mặt hàng chủ lực sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt. Đáng chú ý là sau khi giảm mạnh trong tháng 5, giá tôm đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ tăng lên trong những tháng tới khi nguồn cung giảm trên toàn cầu, giúp cho việc tăng trưởng XK tôm trở nên khả quan hơn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, XK thịt gà đang tăng trưởng tốt và đầy triển vọng trong thời gian tới, dù giá trị còn khá khiên tốn so với các mặt hàng XK chủ lực khác./.

Thanh Tâm tổng hợp

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/truy-trach-nhiem-va-xu-ly-viec-cap-lua-giong-kem-chat-luong-post20039.html