Truy trả lương hưu chênh lệch cho lao động nữ

Nhằm điều chỉnh sự chưa hợp lý đối với lao động nữ (LĐN) nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 theo quy định của Luật BHXH, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với đối tượng này. Để bạn đọc rõ hơn về chính sách này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM.

Phóng viên: Vì sao chỉ có LĐN nghỉ hưu trong giai đoạn từ năm 2018-2021 được điều chỉnh lương hưu?

- Ông Phan Văn Mến: Trước đây, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định được tính theo số năm đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau: đủ 15 năm đóng BHXH tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, kể từ ngày 1-1-2018, từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm đóng BHXH thêm thì LĐN chỉ được tính 2%, nghĩa là nếu muốn được hưởng mức tối đa 75%, LĐN phải có thời gian đóng BHXH là 30 năm thay vì 25 năm như trước đây.

Quy định này là chưa hợp lý đối với LĐN bởi chỉ sau 1 đêm, có người bị giảm đến 10% lương hưu. Trong khi đó, đối với lao động nam, tỉ lệ hưởng lương hưu có giảm nhưng theo lộ trình từng năm một, bắt đầu từ năm 2018 cho đến năm 2022. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2018-2021, LĐN bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam nên việc điều chỉnh lương hưu cho LĐN nghỉ hưu trong giai đoạn này là cần thiết nhằm bảo đảm công bằng trong cách tính lương hưu giữa lao động nam và nữ cho đến khi tỉ lệ hưởng giữa 2 đối tượng tương xứng với nhau (từ năm 2022).

Việc điều chỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Chính sách điều chỉnh lương hưu áp dụng với LĐN bắt đầu hưởng lương hưu trong thời gian từ tháng 1-2018 đến tháng 12-2021, có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm và được quy định chi tiết tại khoản 2 điều 3 Nghị định 153/2018/NĐ-CP. Tùy vào thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu sẽ được điều chỉnh theo tỉ lệ ấn định. Cụ thể, mức điều chỉnh bằng lương hưu tại thời điểm bắt đầu hưởng nhân với tỉ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng BHXH và thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu. Ví dụ, LĐN có thời gian đã đóng BHXH 20 năm, nghỉ hưu năm 2018 sẽ có tỉ lệ điều chỉnh là: 7,27%.

Nghị định 153/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 24-12-2018, vậy đối với những đối tượng nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 sẽ thực hiện chính sách này như thế nào?

- BHXH Việt Nam đã có Công văn số 4894/BHXH-CSXH ngày 26-11-2018 gửi BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an Nhân dân hướng dẫn điều chỉnh lương hưu đối với LĐN theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP, đối với người bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến trước ngày nhận lương hưu mới theo quy định tại Nghị định số 153/2018/NĐ-CP sẽ được chi trả tiền truy lĩnh phần lương hưu chênh lệch tăng thêm.

Lao động nữ được truy trả lương hưu chênh lệch

Lao động nữ được truy trả lương hưu chênh lệch

TP HCM có bao nhiêu LĐN được hưởng chính sách này và dự kiến tổng quỹ chi trả là bao nhiêu?

- Tại TP HCM, số LĐN được điều chỉnh theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP là 2.073 người, với tổng số tiền dự kiến chi trả là: 523.288.600 đồng. Tiền chênh lệch này được điều chỉnh theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP sẽ được BHXH TP HCM chi trả vào kỳ chi trả lương hưu tháng 1-2019. LĐN có thời điểm hưởng lương hưu sau ngày 1-1-2018, được giải quyết hưu trí sau ngày 24-12-2018 thì lương hưu khi nhận đã được điều chỉnh theo Nghị định 153/2018/NĐ-CP.

Mai Chi thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/truy-tra-luong-huu-chenh-lech-cho-lao-dong-nu-20181221211818864.htm