Truy tìm 'thần chết' trên biên cương

Kết thúc chiến tranh, những đoàn quân rời xa trận địa, về với vườn tược, xóm làng. Những chiếc xe tăng, trọng pháo được kéo về các quân khu, quân đoàn hoặc được bảo quản trang trọng trong bảo tàng. Chỉ có những chứng tích chiến tranh và hàng ngàn vạn quả bom, mìn, vật liệu nổ vẫn còn nằm lại trên trận địa. Không nằm ngoài quy luật ấy, dải đất biên cương 'phên giậu' phía Bắc Tổ quốc cũng đang tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường trong lòng đất. Vì cuộc sống bình yên nơi biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh và Quân khu 1 đã không quản ngại gian khó, hiểm nguy, đối mặt với 'tử thần' để trả lại màu  xanh cho những vùng 'đất chết'.

Nhân viên Ðội dò tìm số 11, Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (Binh chủng Công binh) thực hiện dò tìm mìn, vật nổ tại điểm cao 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Ðịnh, Lạng Sơn.

Nhân viên Ðội dò tìm số 11, Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (Binh chủng Công binh) thực hiện dò tìm mìn, vật nổ tại điểm cao 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Ðịnh, Lạng Sơn.

Trên lãnh thổ nước ta hiện còn hơn 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ (chưa kể ngoài biển). Tính đến nay, cả nước đã có hơn 100 nghìn nạn nhân do bom, mìn, vật nổ sót lại từ sau chiến tranh, trong đó, hơn 40 nghìn người bị chết, hơn 60 nghìn người bị thương, với phần lớn là lao động chính trong gia đình và hơn 30 nghìn trẻ em đã chết do tai nạn bom, mìn, vật nổ. Chúng tôi đến xã miền núi biên giới Quốc Khánh, huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn - nơi những người lính công binh đang dò tìm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Từ đầu bản Nà Nưa - Khau Ðang, chúng tôi cuốc bộ ngược dốc hơn 2km đường rừng, có mặt tại sườn Đông điểm cao 636. Giữa bốn bề núi rừng biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đội dò tìm số 11, Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (Binh chủng Công binh) đang miệt mài làm việc, người thì phát dọn cây cối dọn mặt bằng, người thì cầm máy dò mìn, vật nổ, người thì đào đất... thực hiện công việc một cách cẩn trọng.

Mặc dù chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng xã Quốc Khánh hiện vẫn còn hơn 300ha đất đồi rừng (gần 30% diện tích) bị ô nhiễm mìn, vật nổ, phải bỏ hoang hóa. Toàn xã đã có hơn 10 người chết, bị thương và hàng chục con trâu, bò bị chết do mìn, vật nổ còn sót lại, khiến người dân địa phương hết sức hoang mang, lo lắng, không yên tâm lao động sản xuất.

"Thi công ở khu vực điểm cao 636, bãi mìn bố trí không theo quy luật, mật độ mìn, tín hiệu dày đặc, có nhiều loại mìn chống bộ binh như: POMZ-2, 652A, K58..., nhất là mìn PPM2 rất nguy hiểm, dù chôn dưới lòng đất vài chục năm, song nó vẫn còn nguyên tác dụng, chỉ cần một tác động nhỏ từ 5-7kg có thể làm mìn phát nổ. Để bảo đảm an toàn, khi máy dò phát hiện được tín hiệu, bộ đội phải cắm tiêu chính giữa, sau đó đào xung quanh. Quá trình đào phải dùng tay kết hợp với xẻng, thực hiện nhẹ nhàng, thận trọng. Nếu để xảy ra sai sót sẽ phải trả giá bằng xương, máu. Khi phát hiện được mìn không rõ chủng loại, độ nhạy nổ, anh em phải đánh dấu bằng cờ tín hiệu để cuối ngày hủy nổ trực tiếp..." - Đội trưởng Đội 11, Trung úy Nguyễn Công Hưởng, quê ở xã Trung Sơn, huyện Ðô Lương (Nghệ An), người có thâm niên 12 năm đối mặt với "tử thần", thổ lộ với chúng tôi.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết, Ðội 11 từng tham gia dò gỡ bom, mìn, vật nổ ở nhiều nơi, trong đó có cả các địa bàn trọng điểm như: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam..., phục vụ xây dựng đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, các dự án tái định cư. Một trong những kỷ niệm khó quên đối với cán bộ, chiến sĩ Ðội 11 là, đầu năm 2010, khi đang thi công ở địa bàn huyện Đắkrông (Quảng Trị), phục vụ dự án di dân tái định cư khu vực biên giới, thì xảy ra đợt mưa lũ kéo dài, do mưa to, gió lớn nên không nấu được cơm, nhiều hôm anh em phải ăn mì tôm, lương khô "thay cơm"... Với tinh thần vượt khó vươn lên, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðội 11 đã rà phá được hơn 20 quả bom, hàng nghìn quả mìn, đầu đạn các loại, giải phóng hàng trăm héc-ta đất.

Ðến khu vực mốc 973, nơi cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 17 (Sư đoàn 3, Quân khu 1) đang triển khai công việc dò tìm... Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, Thượng úy Nguyễn Hoàng Chương, Ðại đội trưởng Đại đội 1, cho biết: Thi công ở địa bàn biên giới thường xa nhà dân, anh em phải làm lán trại, nhà bạt để ở. Từ nơi đóng quân đến khu vực thi công đi xa từ một đến hai giờ đi bộ, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, độ dốc lớn, cây cối rậm rạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Nhất là dịp cuối năm vừa qua, địa bàn có đợt rét kéo dài, có lúc xuống từ 3-40C, để bảo đảm sức khỏe bộ đội, đơn vị đã chủ động mua thêm bạt để quây lán chống rét; cán bộ, chiến sĩ đều có đủ đệm nằm, chăn bông; hằng ngày đơn vị luôn bảo đảm đủ tiêu chuẩn, định lượng ăn cho bộ đội"...

Chủ nhiệm Công binh Sư đoàn 3, Trung tá Nguyễn Tiến Ngọc chia sẻ: Nghề dò gỡ bom, mìn vất vả và nguy hiểm. Vì bom, mìn, vật nổ nhiều năm bị vùi sâu dưới lòng đất, chúng đã bị phong hóa do môi trường nên luôn ở trạng thái chờ nổ... Từ năm 1996 trở về trước, Sư đoàn đã có 15 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong thi công. Vì thế, đã có một số cán bộ, chiến sĩ khi nhận nhiệm vụ tỏ ra băn khoăn, chưa thực sự yên tâm gắn bó với công việc.

Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đơn vị đã chú trọng công tác giáo dục, quán triệt bộ đội hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, coi công việc rà phá bom, mìn, vật nổ là nhiệm vụ chiến đấu của người lính công binh trong thời bình. Tập trung huấn luyện, bồi dưỡng bộ đội sử dụng thành thạo các phương tiện, trang bị kỹ thuật, quy trình rà phá; nắm vững tính năng, cấu tạo và kinh nghiệm thực tế đối với từng loại bom, mìn, vật nổ, giúp anh em bình tĩnh, tự tin hơn trong quá trình rà phá.

Đồng thời, đơn vị thường xuyên chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Bởi vậy, tuy công việc khó khăn, nguy hiểm, song vì cuộc sống bình yên nơi biên giới, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ công binh Sư đoàn đã rà phá giải phóng hơn 400ha đất tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn, phục vụ triển khai thực hiện các chương trình, dự án... Trong đó, hơn một tháng thi công tại xã Quốc Khánh vừa qua, đơn vị đã rà phá được 590 quả mìn, hơn 2.500 mảnh và đầu đạn các loại, bàn giao 7ha "đất sạch" cho địa phương.

Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh La Dấu Khèn cho biết: Từ giữa tháng 11-2013 đến nay, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý bom, mìn (Binh chủng Công binh) triển khai dự án Rà phá bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn (Chương trình 504). Là một trong những địa phương được dự án triển khai, cho nên bà con trong xã ai nấy đều rất vui mừng, phấn khởi. Vui vì bộ đội công binh về địa phương rà phá bom mìn, vật nổ, mỗi khi đi làm nương, vào rừng lấy gỗ làm nhà, hái củi, bà con không còn phải lo vướng phải mìn như trước đây.

Đồng thời, xã còn có thêm hàng trăm héc-ta "đất sạch", giao cho các hộ gia đình để trồng cây keo, thông, bạch đàn và chăn nuôi trâu, bò..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho bà con đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Trần Quyết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/truy-tim-than-chet-tren-bien-cuong/