'Truy tìm rạn san hô': Những cảnh báo biến đổi khí hậu

Trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019, Phái đoàn Liên minh châu Âu vừa công chiếu miễn phí bộ phim 'Truy tìm rạn san hô' (tựa gốc: Chasing Coral) nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức của công chúng đối với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

Tuần lễ ngoại giao khí hậu châu Âu 2019.

Tuần lễ ngoại giao khí hậu châu Âu 2019.

Sự kiện được tổ chức kết hợp với buổi lễ trao giải cuộc thi ảnh với chủ đề hành động vì biến đổi khí hậu, do Cơ quan Phát triển Pháp (AfD) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức với sự tham dự của 200 học sinh, sinh viên.

“Truy tìm rạn san hô” là câu chuyện của một nhóm gồm một cựu chuyên viên ngành quảng cáo, một chàng trai đam mê tìm hiểu về san hô, các nhà thiết kế máy ảnh và các nhà hải dương học trong nỗ lực ghi lại hình ảnh các rạn san hô bị phai màu rồi chết đi.

Công việc của họ không hề dễ dàng khi phải đối mặt với những khó khăn trục trặc kỹ thuật và phải chạy đua với thiên nhiên chỉ để đạt được một mục đích: lưu lại thảm kịch đang diễn ra bên dưới những con sóng đại dương.

Đại sứ Giorgio Aliberti - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi chọn bộ phim tài liệu thú vị này để giới thiệu thế giới đại dương và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Chủ đề của phim cũng phù hợp với sự thay đổi trong nhận thức của người dân Việt Nam về tầm quan trọng của biển và vì sao chúng ta cần bảo vệ tài nguyên biển”.

Quá trình sản xuất phim “Truy tìm rạn san hô” kéo dài hơn ba năm. Phim sử dụng lượng tư liệu hình ảnh được ghi lại dưới lòng đại dương tổng cộng lên đến hơn 500 giờ, với sự hỗ trợ của hơn 500 người từ 30 nước khắp thế giới.

Hình ảnh chân thực sống động, tình tiết hồi hộp đẩy cảm xúc đến đỉnh điểm cuốn hút khán giả khó cưỡng lại khi đã chạm mắt vào “Truy tìm rạn san hô”.

Các khán giả trẻ được khuyến khích giới thiệu bộ phim tới bạn bè của mình, tiếp tục thảo luận và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường cũng như về biến đổi khí hậu.

Với hàng loạt giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế, “Truy tìm rạn san hô” được coi là một trong những bộ phim tài liệu về môi trường đáng xem nhất.

Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu năm nay hướng tới giới trẻ, những người có tương lai chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biến đổi khí hậu.

Việt Nam được đánh giá là nằm trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra. Biến đổi khí hậu là một thực tế cấp bách và nếu chúng ta không hành động, nó sẽ ngày càng ảnh hưởng tới tương lai của giới trẻ cũng như các thế hệ con cháu.

Phù hợp với cam kết quốc tế của mình về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Phát triển Bền vững, EU đang tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng, và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp.

Tuần lễ ngoại giao khí hậu châu Âu 2019 tại Việt Nam bao gồm nhiều hoạt động. Sau Hội thảo về biến đổi khí hậu tại ĐH Đà Nẵng, đạp xe ở Hội An, chiếu phim “Truy tìm rạn san hô”, một chiến dịch làm sạch khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội) sẽ được tổ chức trong hai ngày 5-6/10.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/truy-tim-ran-san-ho-nhung-canh-bao-bien-doi-khi-hau-4037506-v.html