Truy thu thuế Netflix: Đặt hạn nộp, kiểm duyệt nội dung...

Chuyên gia tài chính cho rằng bây giờ mới đặt vấn đề truy thu thuế của Netflix là chậm, cần phải quyết liệt hơn.

Lẽ ra phải thu thuế từ lâu

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) hoan nghênh chỉ đạo thu thuế của Netflix tại Việt Nam, tuy nhiên, ông cũng nói thẳng bây giờ Tổng cục Thuế và Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước mới yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào Việt Nam (từ năm 2016) để truy thu thuế là hơi muộn.

"Việc này lẽ ra phải làm từ lâu rồi, không đợi đến bây giờ, sau 3 năm hoạt động tự do tại Việt Nam rồi mới có yêu cầu thống kê", ông Thịnh nói.

Netflix sẽ bị truy thu thuế trong 3 năm.

Netflix sẽ bị truy thu thuế trong 3 năm.

Vị chuyên gia giải thích, theo quy định bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào (kể cả trong nước và nước ngoài) kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam có doanh thu, có thu nhập đều phải đóng thuế.

Như vậy, ngay những ngày đầu doanh nghiệp này vào Việt Nam và thực hiện hoạt động kinh doanh có thu tiền thì đã phải thu thuế ngay.

"Lẽ ra cơ quan thuế phải tiến hành thu thuế ngay tại thời điểm doanh nghiệp này có nguồn thu. Nếu các cơ quan quản lý đã có nhắc nhở, thông báo, mà doanh nghiệp không chấp hành, Tổng Cục thuế cứ theo quy định để tiến hành xử phạt (theo quy định mức phạt sẽ là 0,03%/ tổng số tiền phải nộp thuế/ngày), thậm chí cưỡng chế, buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam", ông Thịnh phân tích.

Từ góc độ quản lý, vị chuyên gia cho rằng công tác quản lý, thực thi còn vẫn có vấn đề này, vấn đề khác khiến việc thu thuế bị chậm trễ, nhây nhưa, vì thế, lần này phải làm quyết liệt và triệt để, không để tình trạng thất thu thuế xảy ra.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng ngoài việc yêu cầu Netflix phải kê khai nộp thuế, cơ quan thuế cũng cần đặt ra thời hạn phải nộp thuế cụ thể, buộc doanh nghiệp này phải thực hiện.

"Về mặt pháp lý, cơ quan thuế sẽ thống kê tổng số tiền phải truy thu trong 3 năm, tổng số tiền phạt do chậm nộp thuế trong 3 năm đó và các biện pháp xử lý nếu doanh nghiệp tiếp tục không nộp thuế.

Thông thường thời gian cho doanh nghiệp xoay trở là từ 1 đến 3 tháng phải hoàn thành xong nghĩa vụ thuế của mình. Với quy định trên, Netflix sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ thuế vào cuối năm 2020. Trong trường hợp đến hết năm 2020 Netflix vẫn chưa nộp thuế, cơ quan thuế hoàn toàn có quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp này tại Việt Nam, thực hiện việc cấn trừ nợ thuế cho tới khi đủ số tiền phải nộp mới cho mở lại tài khoản", vị chuyên gia cho hay.

Quản lý thế nào?

Về việc Netflix cũng xúc tiến làm việc với Bộ Tài chính đặt văn phòng đại diện, máy chủ lưu dữ liệu tại Việt Nam để kê khai thuế, ông Thịnh cho biết Netflix là nền tảng cung cấp phim trực tuyến của nước ngoài đang hoạt động mạnh ở Việt Nam, có liên quan trực tiếp tới lĩnh vực xã hội, văn hóa, là một trong những lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, có điều kiện, phải quản lý.

Vì thế, doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh, thu lợi trên lãnh thổ Việt Nam buộc phải tuân thủ theo các quy định luật pháp Việt Nam về lĩnh vực này. Theo đó, sẽ có những quy định rất cụ thể về vấn đề kiểm duyệt nội dung, cấp phép hoạt động cũng như nghĩa vụ đóng thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện. Không có ngoại lệ, không có điều khoản loại trừ.

Vấn đề ông quan tâm là phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực truyền thông thông tin, văn hóa, truyền hình. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong khâu kiểm duyệt nội dung chương trình trước khi cấp phép phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ hơn.

"Trên thực tế, nền tảng này đã từng nhiều lần đưa tin sai, chiếu phim về trẻ em có nội dung phản cảm, thô tục và đã bị nhắc nhở, yêu cầu dừng chiếu tại Việt Nam. Điều đó cho thấy công tác kiểm duyệt nội dung, giám sát, kiểm tra vẫn còn lơ là, chưa làm hết trách nhiệm.

Vì thế, tới đây các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, xã hội cần đưa ra các quy định rất tỉ mỉ, chi tiết liên quan tới các chỉ dẫn địa lý, chủ quyền lãnh thổ cũng như truyền thống văn hóa, kinh tế xã hội cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc này làm cơ sở buộc các doanh nghiệp khi trình chiếu phim ảnh, dữ liệu tại Việt Nam sẽ phải tuân theo.

Liên quan tới quản lý không gian mạng, sóng truyền hình là liên quan tới nhiều vấn đề, nhất là nguy cơ truyền bá tư tưởng văn hóa không phù hợp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, đạo đức của giới trẻ, do đó, cần phải được kiểm soát nghiêm.

Tôi cũng phải nói ngay, trong lĩnh vực phim ảnh thời gian vừa qua chúng ta đã để lọt nhiều vấn đề bất cập, mà cụ thể là trong khâu kiểm duyệt để lọt những bộ phim có nội dung không phù hợp, thông tin sai về chủ quyền biển đảo... Đó là những sai sót không thể chấp nhận được.

Hay rất nhiều những video clip nhảm nhí, đi ngược với lối sống, thuần phong mỹ tục của địa phương lan truyền trên mạng xã hội gây những bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội.

Rõ ràng, khâu tiền kiểm, hậu kiểm, cấp phép cho chương trình cần phải được nâng cao hơn nữa, qua đó sẽ đưa ra biện pháp quản lý tốt nhất trong lĩnh vực này. Làm thế nào vừa phát triển tốt nhất văn hóa trong nước nhưng vẫn tiếp thu được những tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời vẫn phải ngăn chặn được những yếu tố độc hại, không phù hợp", vị chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, không riêng Netflix, tất cả các kênh xã hội như YouTube, Facebook... khi đã thực hiện các hoạt động truyền thông trên lãnh thổ Việt Nam đều phải quản lý và thực hiện theo các quy định của Việt Nam.

"Tức là phải có sự liên kết, thống nhất, buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Nếu các cơ quan quản lý đồng lòng, kiên quyết, triệt để, doanh nghiệp không thể làm sai", ông Thịnh phân tích.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/truy-thu-thue-netflix-dat-han-nop-kiem-duyet-noi-dung-3421066/