Truy nã và bắt giữ cả công chúa, hoàng tử

Trung tuần tháng 3, một thẩm phán Pháp đã ra lệnh bắt giữ chị gái của Thái tử Arab Saudi, công chúa Hassa bint Salman với cáo buộc hạ lệnh cho vệ sĩ đánh người trong căn hộ riêng ở thủ đô Paris.

Tờ Le Monde của Pháp cho hay, lệnh truy nã, bắt giữ được ban hành sau khi công chúa Hassa bint Salman (43 tuổi) không tuân theo lệnh triệu tập để thẩm vấn của tòa án xung quanh vụ tấn công của một thợ sửa ống nước trong các căn hộ gần Arc de Triomphe vào tháng 9 năm 2016.

Đáng chú ý là không chỉ không xuất hiện tại tòa hồi năm 2016 theo quy định, công chúa Hassa bint Salman còn rời thủ đô Paris của Pháp để tới thủ đô London của Anh chỉ một ngày sau khi cô được thả khỏi nhà tù của cảnh sát theo lệnh của công tố viên.

Tờ Le Point cho hay, công chúa Hassan bint Salman là con gái duy nhất của Vua Salman và là chị gái của Thái tử Mohammed bin Salman. Như nhiều thành viên của hoàng gia Arab Saudi, công chúa Hassa bint Salman có một số bất động sản tại Pháp nhưng cô hay nghỉ tại căn hộ riêng trên đại lộ Foch, phía Tây thủ đô Paris.

Tại đây, công chúa thường dùng tên là Hussat ben Salmane thay cho tên Hassa bint Salman. Rắc rối đến với công chúa bắt nguồn từ sự cố tại căn hộ ở Foch hồi tháng 9 năm 2016.

Khi đó, đường nước trong căn hộ bị rò rỉ và công chúa đã mời một thợ sửa ống nước đến sửa. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như người thợ sửa ống nước không cầm điện thoại lên, chụp ảnh và vệ sĩ của công chúa có mặt, "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" vào người này.

Tại cơ quan cảnh sát, người thợ sửa ống nước (53 tuổi) cho hay, anh ta chỉ muốn chụp một bức ảnh trong phòng khách vì cách bày trí quá đẹp và lạ mắt. Nhưng công chúa Hassan bint Salman đã mất bình tĩnh, thậm chí là trở nên quá khích với cáo buộc rằng anh ta chụp hình để bán cho giới truyền thông.

Kết quả là công chúa Hassan bint Salman cho gọi vệ sĩ vào, ra lệnh cho vệ sĩ đánh vào mặt người thợ sửa ống nước và đe dọa giết anh bằng một khẩu súng lục.

Người thợ sửa ống nước còn kể rằng ông đã bị buộc phải quỳ xuống, với hai bàn tay bị trói lại sau lưng và bị ra lệnh hôn chân công chúa để xin sự tha thứ. Sau đó, người thợ sửa ống nước bị đuổi khỏi căn hộ còn toàn bộ dụng cụ làm nghề của ông bị công chúa tịch thu.

Cảnh sát Pháp nhiều lần gặp phải các vụ rắc rối liên quan đến thành viên Hoàng gia Arab Saudi.

Quá uất ức và tủi nhục, người thợ sửa ống nước này đã đệ đơn tố cáo. Tháng 10 năm 2016, vệ sĩ của công chúa Hassan bint Salman đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử.

Cuối cùng, vệ sĩ này bị buộc tội dùng bạo lực, đe dọa giết người và trộm cắp. Tuy nhiên, do nhiều lý do, công chúa Hassan bint Salman đã không bị đưa ra xét xử. Thế nhưng chính điều này khiến người thợ sửa ống nước không phục.

Ông tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn với lý do công chúa là người ra lệnh, còn vệ sĩ chỉ là người thừa hành theo lệnh. Đại sứ quán Arab Saudi tại Pháp đã buộc phải can thiệp khi đưa chiêu bài miễn trừ truy tố đối với nhân viên ngoại giao.

Nhưng Bộ Ngoại giao Pháp lại chứng minh rằng, hộ chiếu ngoại giao có tên công chúa là không đúng bởi công chúa không phải là nhân viên ngoại giao…

Một số tờ báo của Pháp cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, cách xử lý đặc biệt nói trên cho phép một trong những thủ phạm có thể trốn thoát khỏi công lý Pháp ngay cả trước khi bất cứ ánh sáng nào đã đổ vỡ vào hoàn cảnh của tội ác.

Kể từ sau khi vụ việc xảy ra, công chúa Hassan bint Salman đã rời Paris và chưa lần nào quay lại Pháp. Có nguồn tin cho hay, công chúa đã trở về nhà và bị thái tử Mohammed bin Salman quản thúc và không được phép tham gia các hoạt động cùng gia đình hay xuất hiện trước công chúng.

Theo lệnh truy nã và bắt giữ mới này, cảnh sát Pháp có quyền sử dụng vũ lực nếu cần thiết để đưa công chúa tới gặp thẩm phán điều tra…

Được biết, đây không phải lần đầu tiên các cơ quan thi hành pháp luật của Pháp thực thi các biện pháp mạnh đối với các thành viên Hoàng gia Arab Saudi vi phạm pháp luật. Hồi năm 2007, một tòa án Pháp đã kết án 10 năm tù đối với hoàng tử Arab Saudi Nayef bin Sultan bin Fawwaz al-Shaalan.

Mặc dù không có mặt tại phiên tòa vì đang sống ở Arab Saudi nhưng hoàng tử Nayef bin Sultan bin Fawwaz al-Shaalan vẫn phải nộp phạt 100 triệu USD vì có liên quan đến vụ vận chuyển lậu 2 tấn cocaine từ Colombia tới một sân bay ở ngoại ô Paris trên chiếc máy bay 727 của Hoàng gia năm 1999.

Hồi năm 2012, công chúa Arab Saudi Maha al-Sudairi đã bị giữ chân khi tìm cách chuồn khỏi một khách sạn sang trọng ở Paris (Pháp) với hóa đơn phải thanh toán hơn 7 triệu USD…

Khánh Chi

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/phap-truy-na-va-bat-giu-ca-cong-chua-hoang-tu-483181/