Truy dấu những đối tượng 'thoắt ẩn, thoắt hiện'

Thời điểm đầu năm 2020, trên địa bàn Q. Thanh Khê liên tục xảy ra nhiều vụ cướp giật. Qua hình ảnh trích xuất từ các camera giám sát an ninh ở những địa điểm xảy ra các vụ cướp giật, chỉ xác định được các đối tượng này hoạt động đơn lẻ, sử dụng nhiều loại xe máy khác nhau và khi gây án đều đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang che kín mặt, thoắt ẩn thoắt hiện. Ngay cả hệ thống camera giám sát trên phố nhiều khi cũng bất lực khi không thể giúp trinh sát (TS) biết đối tượng đi đâu, về đâu sau khi gây án.

Xe tải BKS 92C-024.69 được các đối tượng chở xe máy đi gây án.

Xe tải BKS 92C-024.69 được các đối tượng chở xe máy đi gây án.

Nhắc lại quá trình điều tra, triệt xóa khám phá án băng nhóm cướp giật tài sản nói trên, Thiếu tá Nguyễn Cao Cường- Đội phó Đội CSHS CAQ Thanh Khê (Đà Nẵng) kể: Trong quá trình thu thập chứng cứ để đấu tranh với hiềm nghi gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng hoạt động lưu động, thường xuyên thay đổi chỗ ở cũng như thay đổi phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi cướp giật tài sản. Các đối tượng này chỉ nhắm vào đối tượng là phụ nữ đeo dây chuyền vàng. Thủ đoạn cũng rất tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình như phân công nhiệm vụ thay đổi biển kiểm soát xe, sử dụng biển số giả, liên tục thay đổi người tiêu thụ tài sản cướp giật.

Thiếu tá Nguyễn Cao Cường cho biết, suốt hơn 5 tháng liền đeo bám xác minh, TS đã dần làm sáng tỏ sự việc. Đối tượng hiềm nghi chính là Phạm Ngọc Thi (1984, trú P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê). Phương tiện đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thường được cất giấu trong thùng xe tải BKS 92C-024.69 và các nhà nghỉ mà đối tượng thuê ở theo từng ngày, từng tuần. Do vậy, phương án đặt ra một là phải bắt quả tang hoặc có vật chứng trong tay mới có cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của Thi. Tuy nhiên, Thi là một đối tượng rất ma mãnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và đủ các loại “chiêu trò” để đối phó với lực lượng TS.

Câu hỏi được đặt ra “Ai là người đi tiêu thụ tài sản?” sau mỗi vụ việc, TS đã rà soát camera ở các tiệm vàng để có thể tìm ra câu trả lời chính xác. Thế nhưng, bản thân đối tượng Thi không bao giờ trực tiếp đến các tiệm vàng để tiêu thụ hàng cướp giật mà giao cho một người khác. Nghi vấn đặt ra khi TS phát hiện sau các “phi vụ” do Thi gây ra, thường xuyên có một người bà con đi bán vàng ở các tiệm vàng trên địa bàn thành phố rồi đem tiền đến các quán cà-phê, nhà nghỉ, nhà trọ để giao tiền. Mối quan hệ phức tạp này lần được TS tập trung xác minh, củng cố chứng cứ mối liên quan giữa nhóm đối tượng này với Phạm Ngọc Thi.

Có thời điểm, TS bám theo đối tượng nghi ngờ chạy ra hướng TT-Huế trên một xe bán tải và khi đến địa điểm vắng người qua lại, có người khiêng xe mô-tô xuống từ xe bán tải song rất cẩn thận đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang che kín mặt. Từ đó, chiếc xe bán tải BKS 92C-024.69 đã được các TS đặc biệt để ý. Điều đáng nói là tất cả các đối tượng trong diện hiềm nghi hầu hết đã có tiền án, tiền sự nên mọi hoạt động đều rất kín kẽ để đối phó với cơ quan CA và che giấu hành vi phạm tội của mình. Chẳng hạn như phân công nhiệm vụ cho từng người thay đổi BKS xe, gắn BKS giả, liên tục thay đổi người tiêu thụ tài sản cướp giật. Bản thân Thi chỉ hoạt động cướp giật một mình và chỉ cướp giật dây chuyền vàng và người bị hại thường là phụ nữ. Phương tiện đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thường được cất giấu trên thùng xe tải BKS 92C-024.69 và các nhà nghỉ mà đối tượng thuê theo từng ngày, từng tuần.

Theo hồ sơ TS, Thi nổi lên ở địa phương với nhiều tiền sự và phải đi trường giáo dưỡng 2 lần vào các năm 1998, 2000. Về địa phương, Thi tiếp tục phạm tội với 3 tiền án về các tội danh: Trộm cắp, cướp giật, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Ra tù năm 2014 nhưng Thi không về nhà mà chỉ sống trong nhà nghỉ, khách sạn; đồng thời thường xuyên sử dụng ma túy đá cùng đồng phạm. Khi đeo bám, hé lộ ra Thi có 1 chiếc xe tải và thường xuyên chứa trong thùng 3-4 chiếc xe máy; ngoài ra Thi có 6 xe máy thường xuyên thay đổi xe và biển số (4 chiếc Exciter, 1 chiếc SH và 1 chiếc Nouvo).

Phạm Ngọc Thi, Huỳnh Quang Lập, Huỳnh Thanh Lâm

Ngay sau khi lãnh đạo CAQ ra Quyết định xác lập Chuyên án 171Z cũng là lúc Thi đã quay về lại Đà Nẵng để “hội ngộ” cùng đồng bọn và thường tụ tập trong một con hẻm sâu trên đường Hoàng Văn Thái (Đà Nẵng). Ngày 26-2-2020, nhận thấy các điều kiện cần thiết cho công tác phá chuyên án đã đến, Ban chuyên án đã tổ chức họp thống nhất kế hoạch phá án và triển khai toàn bộ cán bộ chiến sĩ Đội CSHS chia làm 3 tổ công tác tiến hành truy xét, đồng loạt bắt giữ các đối tượng liên quan. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng thu giữ 1 dây kim loại màu vàng; 7 xe máy gồm 4 xe Exciter, 1 xe SH, 1 xe Nouvo và 1 xe Sirius là phương tiện đối tượng sử dụng thực hiện hành vi cướp giật; 3 xe ô-tô các loại; 5 điện thoại di động; 1 cây kiếm, 1 cây dao, 1 cây rựa và một số tang vật có liên quan đến hành vi cướp giật tài sản của các đối tượng.

Tại cơ quan CA, mặc dù đối tượng rất ngoan cố, không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng với những tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Ban chuyên án đã buộc Phạm Ngọc Thi cùng đồng bọn khai nhận đã thực hiện 29 vụ cướp giật tài sản trên địa bàn Q. Thanh Khê và TP Đà Nẵng.

Sau khi chuyên án kết thúc, Cơ quan CSĐT CAQ Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phạm Ngọc Thi (1984) cùng các đồng bọn: Huỳnh Quang Lập (1993, trú P. Chính Gián, Q. Thanh Khê), Huỳnh Thanh Lâm (1996, trú P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê) về hành vi “Cướp giật tài sản”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Sử dụng trái phép chất ma túy”.

PHƯƠNG KIẾM

(Ghi theo lời kể của Thiếu tá Nguyễn Cao Cường)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_234087_truy-dau-nhung-doi-tuong-thoat-an-thoat-hien-.aspx