Trút lo gỡ rối... tơ tằm!

Nhu cầu tơ lụa trên thị trường thế giới tăng cao giúp ngành dâu tằm tơ trong nước phát triển mạnh. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào giống của nước ngoài, nguồn nhân lực chất lượng khan hiếm, canh tác thiếu khoa học nên ngành dâu tằm tơ Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thực trạng ở "thủ phủ" dâu tằm tơ

Tỉnh Lâm Đồng được coi là "thủ phủ" của dâu tằm tơ, chiếm 70% diện tích dâu tằm và 90% sản lượng tơ lụa của cả nước. Năm 2019, toàn tỉnh có 8.500ha dâu, sản lượng kén đạt 10.800 tấn, tơ 1.500 tấn và 5,2 triệu mét vuông lụa. Lâm Đồng hiện có 5 làng nghề, 45 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã về trồng dâu, nuôi tằm. Với thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, trồng dâu, nuôi tằm từng trở thành “cơn sốt”, giúp một bộ phận người dân ở Lâm Đồng làm ăn khấm khá.

Tuy nhiên, đến với vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ" dâu tằm của Việt Nam những ngày này, có thể dễ dàng cảm nhận được không khí trầm lắng, ảm đạm của nghề tằm tơ. Nhiều nhà tằm trống hoang, trong khi các vườn dâu do không được thu hái đang trở nên già cỗi. Nhiều xưởng xe tơ, dệt lụa cũng phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Ông Nguyễn Ngọc Viên, một hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm ở thôn 3, xã Đam Bri, TP Bảo Lộc, than thở: “Giá kén liên tục lao dốc, từ 230.000 đồng/kg năm ngoái nay chỉ còn 100.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giống tằm con khan hiếm, đắt đỏ khiến người nuôi tằm chúng tôi khó khăn gấp bội".

 Hoạt động sản xuất tại nhà máy ươm tơ, Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Hoạt động sản xuất tại nhà máy ươm tơ, Công ty TNHH Tơ tằm Nhật Minh (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm, địa phương này tiêu thụ khoảng 270.000 hộp trứng tằm, hầu hết là giống tằm lưỡng hệ kén trắng được nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch. Từ khi xảy ra dịch Covid-19, việc nhập khẩu trứng tằm gặp rất nhiều khó khăn khiến hoạt động sản xuất tơ tằm tại địa phương bị gián đoạn. “Đây là khâu then chốt nhưng cũng là khâu yếu nhất, thiếu bền vững nhất trong toàn bộ quy trình sản xuất dâu tằm tơ tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khẳng định.

Chuyện "ăn cơm đứng" và bài học quy hoạch, xây dựng thương hiệu

Giới chuyên gia cho rằng, việc phụ thuộc nguồn giống vào nước ngoài chỉ là một trong nhiều khâu yếu của ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Dù diện tích, sản lượng dâu tằm không ngừng tăng nhưng sự phát triển của ngành này trong thời gian dài chưa thực sự bài bản, khoa học, mang tính tự phát, chỉ đạt về “lượng” mà chưa đạt về “chất”. Khi kén tằm được giá, nhiều hộ nông dân tại Tây Nguyên ồ ạt phá bỏ cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm, trong khi kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực này thì rất hạn chế. Sự chuyển đổi vội vã dẫn tới nguy cơ cung vượt cầu, đồng thời tiềm ẩn hàng loạt rủi ro.

Tằm là động vật máu lạnh, hô hấp bằng da, rất nhạy cảm với các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, khí độc, nấm mốc. Theo nguyên tắc, nghề trồng dâu, nuôi tằm cần được tập trung thành những vùng chuyên canh, có quy hoạch riêng và tuân thủ những tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, nhưng tại nhiều địa phương hiện nay, việc trồng dâu, nuôi tằm lại đang tiến hành theo kiểu xen canh. “Vườn dâu trồng cạnh vườn cà phê. Khi phun thuốc trừ sâu cho cà phê, hơi thuốc bay sang vườn dâu, hái mang về cho tằm ăn, tằm lăn ra chết hàng loạt. Các cụ ngày xưa đã đúc kết: "Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng" để nói về sự vất vả, khó khăn, cẩn trọng của nghề trồng dâu, nuôi tằm. Để đáp ứng sản phẩm xuất khẩu, ngoài sự vất vả, gian truân còn phải có kiến thức chuyên môn, khoa học bài bản chứ không thể làm ăn tràn lan kiểu này được”, bà Nguyễn Thị Thoa, một nông dân trồng dâu, nuôi tằm lâu năm ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nói.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện đứng trong tốp 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Thái Lan về sản xuất tơ tằm. Trong khi các nước có truyền thống sản xuất tơ lụa như Trung Quốc, Nhật Bản liên tục sụt giảm về sản lượng do quá trình công nghiệp hóa thì tại Việt Nam, diện tích và sản lượng tơ tằm hằng năm tăng khoảng 8,8%. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là trung tâm gia công tơ lụa lớn của thế giới với kim ngạch nhập khẩu tơ lụa mỗi năm khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này còn khan hiếm bởi nhiều năm qua, Việt Nam chưa có chương trình đào tạo đại học về dâu tằm. Hoạt động nghiên cứu, cải tiến công nghệ, đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm bị hạn chế, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của tơ lụa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tại Hội nghị “Phát triển chăn nuôi tằm bền vững” do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức ở TP Đà Lạt, các chuyên gia cho rằng, dư địa của ngành dâu tằm tơ Việt Nam còn rất lớn do nguồn tài nguyên về đất đai, khí hậu cũng như thị trường thế giới dồi dào. Tuy nhiên, để dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì Việt Nam cần phải chủ động được nguồn giống, xây dựng vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ hiện đại và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho ngành dâu tằm tơ. Ông Đặng Vĩnh Thọ, Phó chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, nêu quan điểm:

- Hiện tại, các cơ sở sản xuất trứng tằm lưỡng hệ lai kén trắng của ta không đáp ứng được nhu cầu nên đề nghị Bộ NN&PTNT làm việc với các cơ quan chức năng, như: Tổng cục Hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan kiểm dịch khẩn trương cho thông quan, vận chuyển đến nơi sản xuất cho bà con nông dân. Bộ NN&PTNT cần nhanh chóng nhập các giống tằm nguyên chủng để giao các trung tâm nghiên cứu lai tạo giống phù hợp, tiến tới chủ động về nguồn giống. Các địa phương muốn phát triển nghề dâu tằm phải có quy hoạch vùng trồng dâu riêng biệt, không được xen canh với các loại cây trồng khác. Nhà nước cần nhanh chóng quy hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về dâu tằm tơ, khẩn trương xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng tơ tằm, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu tơ lụa…

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/trut-lo-go-roi-to-tam-618151