Trượt vì điều kiện học bạ, thí sinh có còn cơ hội?

Tin từ nhiều trường ĐH cho biết, nhiều thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhưng khi đến nhập học, qua công tác hậu kiểm, thí sinh ấy bị trượt vì điều kiện học bạ không đủ yêu cầu.

Trượt vì điểm học bạ

Một số thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao và có giấy báo trúng tuyển, nhập học ĐH. Nhưng khi đến nhập học, nhà trường hậu kiểm phần học bạ và thông báo thí sinh ấy không đủ điều kiện trúng tuyển.

Bởi trong đề án tuyển sinh của nhiều trường, có quy định về điều kiện học tập ở bậc THPT (học bạ), nhưng thí sinh không đọc kỹ nên dẫn đến tình trạng tưởng đỗ mà thành trượt. Ví dụ, có trường quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh chọn phương thức xét tuyển bằng kết quả thi THPT, nhưng thí sinh phải có kết quả học tập THPT (3 năm) của mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển không dưới 7.0 điểm. Nếu thí sinh không đọc kỹ thông tin này trong đề án tuyển sinh của các trường thì chỉ cần trong học bạ có 1 môn dưới 7 điểm là các em cũng bị trượt ĐH cho dù điểm thi có cao.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng Quản lý đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, trong quá trình tổ chức nhập học và hậu kiểm đối với thí sinh mùa tuyển sinh năm nay, trường cũng có một vài trường hợp đủ điểm trúng tuyển vào trường nhưng vẫn bị trượt vì điểm học bạ không đạt yêu cầu.

Trong đề án tuyển sinh của ĐH Ngoại thương cũng như thông báo xét tuyển của trường đều có ghi rất rõ 2 điều kiện để thí sinh trúng tuyển vào trường: Điểm trung bình học lực 3 năm THPT phải đạt từ 7.0 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển phải đạt từ điểm chuẩn của trường công bố. Tuy nhiên, khi thí sinh nhập học, có một vài thí sinh chỉ đáp ứng được 1 trong hai điều kiện.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết, đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng này. Theo đó, trong đề án tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa cũng nêu rõ, 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, điểm học bạ phải đạt từ 7.0 trở lên.

Rút kinh nghiệm từ thực tế tuyển sinh năm nay, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để tránh đỗ thành trượt. Ảnh: Khánh Huy

Rút kinh nghiệm từ thực tế tuyển sinh năm nay, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để tránh đỗ thành trượt. Ảnh: Khánh Huy

Còn cơ hội đỗ ĐH?

Lý do của việc này là do các em không đọc kỹ yêu cầu trong đề án tuyển sinh của các trường. Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn cơ hội thực hiện nguyện vọng tiếp theo vì Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cũng như các trường ĐH đều tạo điều kiện cho thí sinh.

PGS. TS Trần Trung Kiên, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, trong thời gian đổi nguyện vọng, nhiều thí sinh đăng ký vào trường cũng đã kịp thời điều chỉnh nguyện vọng sang trường khác khi biết điều kiện học bạ không đáp ứng yêu cầu của trường. Trường cũng đã tạo điều kiện cho thí sinh được rút nguyện vọng để nhập học vào trường ở nguyện vọng thấp hơn. Trường có văn bản đề xuất với Bộ GD&ĐT mở cổng dữ liệu để thí sinh “lọt” tiếp xuống nguyện vọng sau.

Tuy nhiên, quan điểm của PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Kinh tế quốc dân lại cho rằng, để xảy ra hiện tượng này do một phần là các trường đặt ra nhiều tiêu chí phụ. Năm 2020, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nhận một vài trường hợp nhưng các em bị trượt vì các lý do khác nhau, nhưng sau đó, thí sinh cũng trúng tuyển vào các nguyện vọng sau.

“Quan điểm của tôi là nên quy định những gì đơn giản, không nên đặt quá nhiều điều kiện phụ, dẫn đến phức tạp” - PGS.TS Bùi Đức Triệu nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, trách nhiệm không chỉ thuộc về thí sinh mà cũng có phần trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH. Các trường phải rà soát hồ sơ, bởi học bạ THPT rất rõ, không thể nhầm lẫn. Đối tượng ưu tiên hoặc khu vực ưu tiên có thể bị nhầm lẫn, khai thông tin chưa đúng, nhưng học bạ thì không.

Trong đề án tuyển sinh, các trường nên ghi chú rất kỹ những điểm đặc biệt lưu ý để thí sinh nắm được. Thí sinh cũng cần đọc kỹ thông tin trong đề án tuyển sinh của trường mà mình đăng ký xét tuyển, để không bị bỏ sót các các quy định quan trọng, dẫn đến những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/truot-vi-dieu-kien-hoc-ba-thi-sinh-co-con-co-hoi-214458.html