Trường Việt xưng danh quốc tế: Treo đầu dê...

GS.TSKH Phạm Phố chỉ ra mục đích cũng như tình trạng nhiều trường gắn cho mình danh xưng trường quốc tế để dụ dỗ phụ huynh và học sinh.

Vụ việc một học sinh lớp một của Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường gây phẫn nộ dư luận. Câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất có lẽ là: Vì sao một trường quốc tế lại có thể để xảy ra vụ việc đau lòng như vậy?

Biển hiệu “Gateway International school” được gắn rõ nét trước cổng trường Gateway hay trên website của nhà trường đã giúp cho trường này tạo được hình ảnh một môi trường đào tạo với tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín, khiến hầu hết phụ huynh đều tin tưởng.

"Chất quốc tế" của trường cũng thể hiện ở mức học phí cao ngất ngưởng. Theo thông tin trên website nhà trường, học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 của Gateway là 117,7 triệu đồng.

Thế nhưng, thực tế, Gateway không phải là trường quốc tế và điều này đã được ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, đơn vị quản lý của trường Gateway khẳng định.

“Chúng tôi xin khẳng định, trên địa bàn quận Cầu Giấy không có trường quốc tế nào. Trường Gateway khi đăng ký tên trường không có từ quốc tế”, ông Phạm Ngọc Anh nói.

Cũng theo ông Phạm Ngọc Anh, theo quy định của Bộ GD-ĐT, tên trường được đặt gồm ba thành tố: trường + cấp học + tên riêng.

“Theo quy định, trong tên trường không có từ quốc tế. Từ quốc tế chỉ là cách để các trường ngoài công lập thêm vào để thu hút người học”, ông Ngọc Anh chia sẻ.

Cổng trường Gateway gắn biển hiệu trường quốc tế

Cổng trường Gateway gắn biển hiệu trường quốc tế

Khảo sát một lượt trên địa bàn TP Hà Nội thấy nhan nhản những trường danh xưng quốc tế, thậm chí treo biển hiệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt chữ “quốc tế” (hoặc “international”) trước tên riêng của trường, trong khi thực chất “quốc tế” đến đâu thì không ai biết, như: Trường Quốc tế Global, Trường Quốc tế Concordia Hà Nội, Trường Quốc tế TIS, Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring...

Theo GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, lợi dụng tâm lý sính ngoại của phụ huynh học sinh, nhiều trường tự gắn cho mình danh xưng là trường quốc tế để đánh bóng tên tuổi của trường, dụ dỗ, thu hút phụ huynh, học sinh.

"Trường quốc tế thường có chất lượng cao nên học phí vì thế cũng rất cao. Phụ huynh bao giờ cũng muốn con em học ở trường có tiếng, chất lượng nhưng cuối cùng lại bị lừa bởi nhiều trường "treo đầu dê, bán thịt chó".

Nhiều trường gắn danh xưng "trường quốc tế" có một số giáo viên nước ngoài nhưng thường là Tây balo; bản thân hiệu trưởng nhà trường cũng chỉ là đi thuê chứ không phải hiệu trưởng thực sự, đúng năng năng lực... Họ chạy theo lợi nhuận mà không chú ý đến chất lượng đào tạo, đến an toàn của học sinh", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.

Đáng lưu ý, ông cho biết, không phải tự dưng các trường trên làm được như thế. Xảy ra tình trạng bát nháo như trên, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng có trách nhiệm của cơ quan quản lý ở các địa phương.

"Cơ quan quản lý ở địa phương không phải không biết những điều nói ở trên nhưng họ buông lỏng quản lý, giám sát nên nhiều trường mới lộng hành và dẫn đến hậu quả đáng tiếc mà cuối cùng học sinh là người hứng chịu tất cả những hậu quả đó.

Lẽ ra, trường xưng là trường quốc tế thì cơ quan chức năng phải kiểm tra xem trường đủ tiêu chuẩn hay không, giáo viên thế nào, hiệu trưởng ra sao, có nói được tiếng nước ngoài hay không, thiết bị trường học, chỗ ăn ở, chỗ học thế nào...

Các trường và cả cơ quan quản lý địa phương đều dựa vào sự mập mờ, chưa có quy định rõ ràng về tiêu chuẩn của trường quốc tế để biện minh cho hành động của mình.

Trường quốc tế thực sự phải có chất lượng cao và an toàn, học sinh không chỉ có người Việt Nam mà còn các em đến từ nước khác; giáo viên cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có chứng nhận và phải đạt trình độ nhất định mới được giảng dạy ở trưởng.

Trang thiết bị, chỗ ăn ngủ, phòng học, phương tiện học hành, đi lại... phải đúng tầm cỡ của một trường quốc tế", GS.TSKH Phạm Phố nói.

Từ phân tích trên, ông cho rằng, bản thân các trường khi muốn mang tên trường quốc tế thì phải trình lên phương án như đề cập ở trên: học sinh đa dạng; thầy đa dạng, đạt trình độ quốc tế và được công nhận; cơ sở vật chất đạt chất lượng cao... Sau khi trình lên, cơ quan có thẩm quyền công nhận đó là trường quốc tế thì trường mới được treo bảng.

"Mất bò mới lo làm chuồng, có thể thời gian tới cơ quan chức năng sẽ phải đưa ra các quy định cụ thể về việc thế nào là trường quốc tế, nhưng việc ấy dẫu muộn còn hơn không", GS Phạm Phố nhấn mạnh.

Gần đây, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Trả lời báo chí ngày 12/8, ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD-ĐT) khẳng định, nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là đã thực hiện sai quy định.

Cụ thể, theo ông Hưng, Khoản 1 Điều 48 Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.

Bên cạnh đó, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng, cũng như không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như: chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị…về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-viet-xung-danh-quoc-te-treo-dau-de-3385686/