Trường Việt Úc từ chối nhận 40 học sinh: 'Giận cá chém thớt' hay sự sòng phẳng của hợp đồng giáo dục?

Bất đồng về thu phí học trực tuyến trong kỳ nghỉ dịch Covid-19 giữa một nhóm phụ huynh trường Việt Úc đã lên tới đỉnh điểm khi trường này quyết định từ chối nhận 40 học sinh vào năm học tới, còn nhóm phụ huynh đã chuẩn bị các thủ tục pháp lý để khởi kiện Việt Úc ra tòa.

Phụ huynh trường Việt Úc phản đối chính sách thu học phí trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Phụ huynh trường Việt Úc phản đối chính sách thu học phí trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Cho rằng quyết định từ chối 40 học sinh của trường Dân lập Quốc tế Việt Úc, TP.HCM là trái pháp luật, nhóm phụ huynh đã làm đơn kiến nghị gửi nhiều cơ quan chức năng và chuẩn bị thủ tục khởi kiện ra tòa.

Từ chối nhận học sinh: Việt Úc có vi phạm luật?

Trong số 40 học sinh của trường Dân dân Quốc tế Việt Úc bị từ chối nhận vào học do bất đồng với phụ huynh về vấn đề học phí, chiều 15/7, 13 phụ huynh có con bị từ chối nhận vào học đã ký tên và gửi đơn đến Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM. Trong đơn, phụ huynh yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ việc từ chối nhận học sinh của trường Việt Úc có trái pháp luật hay không. Phụ huynh đặt câu hỏi với những học sinh bậc THPT theo lộ trình riêng của trường Việt Úc, không thể chuyển sang trường công lẫn các trường quốc tế khác, khi bị từ chối sẽ đi về đâu? Cơ quan quản lý sẽ giải quyết như thế nào?

Ngày 30/6/2020, với lý do “không đạt được sự đồng thuận với một số Phụ huynh”, Trường Dân lập quốc tế Việt Úc (VAS) thông báo từ chối tiếp nhận đối với khoảng 40 học sinh trong năm học 2020–2021. Theo phản ảnh của phụ huynh học sinh (PHHS), các trường hợp bị VAS từ chối tiếp nhận đều có bố mẹ, người thân tham gia các hoạt động phản đối chính sách học phí của VAS trong thời gian qua (trên mạng xã hội, trước cổng trường, ký đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng…). Sự việc này cho thấy cả PHHS lẫn VAS đều đã không ưu tiên lợi ích của học sinh khi để bất đồng liên tục leo thang và dẫn tới kết cục đáng tiếc.

Trong bối cảnh quan hệ giữa PHHS với các trường tư thục vẫn tiếp tục căng thẳng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã giao Giám đốc Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn làm việc với VAS và các trường tư thục quốc tế khác để có biện pháp giải quyết, trả lời phụ huynh theo thẩm quyền. Tuy nhiên, việc tìm tiếng nói chung giữa VAS và PHHS ngày càng trở nên khó khăn hơn khi ngày 23/5/2020, nhóm PHHS đã lần thứ 3 mang băng rôn, tập trung trước cổng cơ sở 3/2 của VAS để bày tỏ sự phản đối. Việc nhóm PHHS VAS tổ chức buổi gặp mặt và ký kết hợp đồng pháp lý với công ty luật nhằm ủy thác việc khởi kiện VAS ngày 30/5/2020 càng khiến quan hệ giữa hai bên xấu hơn. Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi, ngày 30/6/2020, VAS ra thông báo từ chối tiếp nhận 40 em học sinh trong năm học 2020–2021. Ngay sau đó công ty Luật Đức Kiến Minh, đơn vị đại diện pháp lý cho nhóm 61 PHHS ở VAS, chính thức nộp đơn khởi kiện VAS lên Tòa án Nhân dân Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm của VAS, việc VAS từ chối tiếp nhận học sinh hoàn toàn xuất phát từ việc “chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng” với phụ huynh “về học phí và một số vấn đề khác”. Đối với các vấn đề liên quan tới học phí, VAS cho biết các phụ huynh này “chưa có động thái chắc chắn cho con học tiếp tại trường, như chưa đóng phí giữ chỗ cho năm tới”. Ngoài ra, đối với mức học phí trong thời gian học sinh học trực tuyến, VAS cho biết không thể đáp ứng “yêu cầu điều chỉnh hơn nữa” của nhóm phụ huynh này.

VAS cho rằng nhóm phụ huynh này đã “liên tục truyền tải thông tin không chính xác lên mạng xã hội, nhằm hạ thấp uy tín và hình ảnh của nhà trường” và trong thời gian chưa hai bên chưa đạt được thỏa thuận, “nhóm phụ huynh nêu trên liên tục tổ chức hoạt động biểu tình trước cổng trường, gây mất trật tự và ảnh hưởng tới môi trường học tập của học sinh”. Hơn nữa, khi VAS muốn gặp mặt trực tiếp với từng phụ huynh, chỉ “một số rất ít phụ huynh chấp nhận”, “còn lại đều từ chối đối thoại và tiếp tục thực hiện các hoạt động chống đối nhà trường”. Đây cũng chính là “một số vấn đề khác” ngoài “vấn đề học phí” góp phần dẫn tới quyết định từ chối tiếp nhận khoảng 40 học sinh của VAS trong năm học mới.

Sự sòng phẳng của bản hợp đồng giáo dục

Nhìn chung, ở nhiều nơi, việc tuyển sinh của trường tư thục được xem là một quasicontract (chuẩn hợp đồng) và Sổ tay của nó (handbook) chính là các điều khoản trong hợp đồng mà khi cho con theo học, phụ huynh phải tuân thủ. Vì vậy, nếu căn cứ theo “Các trường hợp cho thôi học khác” trong Sổ tay dành cho phụ huynh và học sinh năm học 2019 – 2020 của VAS, VAS có thể căn cứ vào trường hợp thứ 4 “Phụ huynh/người giám hộ không tuân thủ các quy định và nội quy của Nhà trường hoặc có các hành vi gây rối an ninh trật tự của trường hay các hành vi làm tổn hại đến danh dự và uy tín của Nhà trường hoặc giáo viên, nhân viên của Trường” để buộc học sinh thôi học ngay trong năm học 2019 – 2020. Ngoài ra, trường hợp thứ 3, “sau 30 ngày kể từ ngày đến hạn quy định tại Biểu phí và Chính sách Tài chính, phụ huynh chưa thanh toán đủ học phí và các khoản phí khác” học sinh cũng sẽ bị buộc thôi học và VAS sẽ “tiếp tục yêu cầu phụ huynh đóng đủ học phí và các khoản phải thu khác”. Nếu 40 phụ huynh, vì đấu tranh mà chưa đóng đầy đủ các khoản phí (hạn cuối là 22/5/2020) thì việc VAS ra thông báo cho thôi học với học sinh vào 30/6/2020 và tiếp tục đòi học phí cũng không có gì bất ngờ.

Thế nhưng, trong thông báo 30/6/2020, VAS đã không áp dụng cả hai trường hợp nói trên để đuổi học học sinh, mà chỉ cho biết sẽ từ chối tiếp nhận học sinh vào năm học tiếp theo. Việc học sinh hay PHHS cho rằng VAS “đuổi học” hay “ép con nghỉ học” là hoàn toàn cảm tính. Hành động của VAS chỉ đơn giản là không ký tiếp hợp đồng cung cấp dịch vụ giáo dục trong năm tiếp theo do bên phía PHHS không hoàn thành/vi phạm hợp đồng năm trước. Nói VAS không nhân văn cũng cảm tính vì nếu không nhân văn, VAS đã có thể đuổi học học sinh (và sẽ phải ghi học bạ) theo các quy định trong Sổ tay của họ.

Là một cơ sở kinh doanh giáo dục, VAS sẽ không muốn mất học sinh, nhất là trong bối cảnh kinh tế chịu tác động mạnh từ Covid–19. Nếu không thể lấp đầy các phòng học, tỷ lệ chi phí/thu nhập cho giáo viên, cơ sở vật chất sẽ tăng và sẽ càng khó khăn trong duy trì hoạt động hậu Covid – 19. Với trường tư thục, mất đi học sinh là mất đi thu nhập. Mỗi học sinh đem lại cho VAS từ 170 triệu–445 triệu/năm tiền học phí, chưa kể chi phí đưa đón, ăn trưa. Ngoài ra, là một hệ thống từ mầm non đến hết trung học, mất học sinh không chỉ là mất thu nhập trong 1 năm mà còn mất đi thu nhập tiềm năng trong nhiều năm sau đó. Việc ra quyết định từ chối tiếp nhận cùng lúc 40 học sinh còn gây bức xúc ở một bộ phận trong xã hội, khiến VAS có nguy cơ mang tiếng chuyên chế, chèn ép phụ huynh, ảnh hưởng tới hình ảnh và khả năng thu hút học sinh (thu nhập) trong tương lai. Vì thế, nếu đánh giá một cách công bằng, VAS “cực chẳng đã” mới phải để 40 học sinh thôi học. Đây là sự chấp nhận “cùng thua” để tránh kéo dài xung đột và ảnh hưởng hơn nữa tới toàn bộ hệ thống VAS.

Nhiều người cho rằng, VAS “giận cá chém thớt”, không tính tới lợi ích của học sinh khi khi từ chối tiếp nhận các em trong năm học mới. Tuy nhiên, sự leo thang của xung đột bao giờ cũng từ hành động trả đũa lẫn nhau của cả hai phía. Yêu con không ai bằng cha mẹ nhưng khi phụ huynh đấu tranh, liệu họ có đặt lợi ích học tập của con mình lên hàng đầu để tránh đẩy xung đột với trường học lên tới đỉnh điểm hay không? Liệu họ có cân nhắc lợi ích giữa việc giành chiến thắng trước trường học và việc đảm bảo một môi trường học tập thuận lợi cho con, có thể kéo dài đến chục năm, hay không? Tại sao họ có thể chấp nhận mức học phí và phụ phí rất cao (đến mức vô lý với nhiều người Việt Nam) ở VAS hàng năm nhưng lại không thể chấp nhận cái sự “thu vô lý và không tương xứng với chất lượng” trong 3 tháng dịch Covid – 19 ở VAS?

Nếu tiếp tục theo đuổi vụ kiện VAS, liệu số tiền chi cho Luật sư và thời gian bỏ ra cho vụ kiện có ít số học phí mà họ nhất định đấu tranh với VAS không? Hơn nữa, dù PHHS có thắng kiện, liệu con của họ có thể tiếp tục theo học ở VAS khi bố mẹ mình ở vào thế đối lập lợi ích gay gắt với trường học hay không? Việc chuyển con sang các trường tư thục khác cũng sẽ khó khăn vì chắc chắn không cơ sở kinh doanh giáo dục nào muốn vướng vào các rắc rối khiếu kiện với phụ huynh học sinh. Nhiều trường có lẽ sẽ tìm cách để từ chối khéo các phụ huynh ghê gớm sẵn sàng đưa họ ra tòa.

Các em học sinh là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất trong sự kiện này. Bên cạnh những ảnh hưởng không tốt về tâm lý, việc học hành thi cử có thể sẽ không được thuận lợi, nhất là với học sinh cuối cấp. Hệ thống của VAS không giống với các hệ thống tư thục khác và càng không giống với hệ thống công lập ở Việt Nam. Học sinh phải chuyển sang hệ thống khác sẽ khó tìm trường mới, có thể phải đi học xa, phải làm quen với hệ thống mới, xây dựng các mối quan hệ mới… Vì thế, nếu thực sự nghĩ đến lợi ích của các con, các bên nên ngồi lại một lần nữa để tìm giải pháp. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, để sự việc đi đến tình trạng hiện nay, sẽ có nhiều thứ chỉ có thể cứu vãn được phần nào dù các bên có đạt được một thỏa thuận êm thấm nào đó. Vì thế, trong các tranh chấp lợi ích liên quan tới trẻ con, nếu nghĩ đến lợi ích của các em, xin đừng sẵn lòng đẩy tranh chấp lên tới cực điểm. Dù PHHS có thắng về pháp lý (trên thực tế là rất khó), môi trường học tập của các em cũng không còn như trước nữa.

Hàn Phi

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/truong-viet-uc-tu-choi-nhan-40-hoc-sinh-gian-ca-chem-thot-hay-su-song-phang-cua-hop-dong-giao-duc/20200716050518464