Trương Việt Anh - đa đoan cùng di sản Việt

Ào ào, nhanh gọn, xuề xòa nhưng rất cầu kỳ, chi tiết, nói ít, làm nhiều; liên quan toàn những thứ đao to búa lớn như cổ vật, di sản, bảo tồn, văn hóa… nhưng không phải chuyên gia, chuyên viên cũng chẳng nốt, đơn giản là người say mê với cổ vật Việt, di sản Việt… - đó là những nét dễ nhận khi lần đầu tiếp cận nhà sưu tập Trương Việt Anh.

Việt Anh trong chuyến thăm làng Nôm, Hưng Yên.

Việt Anh trong chuyến thăm làng Nôm, Hưng Yên.

Nữ sưu tầm cổ ngoạn, cả Việt Nam, đếm đầu ngón tay. Trương Việt Anh là số hiếm hoi trong ấy. Việt Anh sưu tầm gì? Đủ thứ, từ trang phục đồng bào dân tộc miền cao cho đến các thể loại đồ sơn son thếp vàng, rồi nhạc cụ dân tộc, sang đến gốm Việt các niên triều Lý, Trần, Lê… Trong giới sưu tầm, Việt Anh là tên tuổi khá mới khi tham gia khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng chị được giới sưu tập khắp vùng miền yêu quý bởi niềm đam mê tột độ của mình với cổ ngoạn, với những giá trị gắn liền cùng di sản.

Di sản từ ông bà nội

Bắt đầu bén duyên với thú sưu tầm từ gốm Việt, nhưng bộ sưu tập của Việt Anh khiến bạn bè ấn tượng có thể kể đến là bộ trang phục các đồng bào dân tộc miền cao. Nguyên cớ để có được bộ sưu tập khá phong phú về chủng loại được Việt Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có nhiều gắn kết với đồng bào dân tộc miền cao từ thời ông bà nội. Ông tôi là con cụ Chánh Thi (Chánh tổng Tổng Thượng), từng học hai năm nghề chạm bạc vùng Chợ Lớn - Gia Định.

Khoảng năm 1925, ông bà tôi quyết định tự lập, rời Hà Nội lên Sapa mưu sinh, làm đủ nghề và sống cùng các gia đình người dân tộc bản địa tốt bụng H’mông, Dao. Cuộc sống ổn định, ông bà tôi lần lượt sinh ra 12 người con, bố tôi là con út trong nhà. Ông ra nghề làm kiềng bạc, vòng bạc, cả Sapa hồi đó gọi ông là ông Phó Bạc. Việc giao thương, buôn bán với người dân tộc bản địa tạo cho cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá”.

Những gắn bó với đời sống của đồng bào dân tộc miền cao trở thành một kỷ niệm, một ký ức của ông bà, được kể lại cho con cháu mỗi lần đoàn tụ. Thế nên, từ bé dù chưa được ở Sapa, nhưng khung cảnh, con người, vùng đất đó, Việt Anh được nghe ông bà, bố, kể lại rất nhiều. Những chuyện kể, tình cảm với đồng bào dân tộc, cứ thế lan tỏa, thấm sâu trong đời sống gia đình.

Việt Anh tâm sự thêm: “Ông bà tôi đến năm 1945 thì rời Sapa về vùng tự do. Sau này, khi sống với ông bà, tôi vẫn luôn nghe họ nhắc mãi về tình cảm với người dân tộc và sự mang ơn đối với họ. Bởi nếu không có những che chở, đùm bọc ban đầu và cuộc sống thân thương gần gũi của họ, thật khó để gia đình có được như ngày hôm nay”.

Bên giếng cổ làng Nôm, chỉ mở nắp vào những dịp trọng đại của làng.

Đến khi có điều kiện, yêu thích bộ môn sưu tầm, có dịp đi đây đó lên miền cao Tây Bắc, những hình ảnh, chuyện kể từ ký ức ùa về. Vậy là Việt Anh dấn thân vào môn sưu tầm trang phục dân tộc, chỉ với lý do: “Tôi thấy trang phục dân tộc đang dần mai một. Rất nhiều du khách, các nhà thiết kế nghiệp dư săn lùng đồ dân tộc để phân rã, biến tấu thành đồ trang trí. Các thương lái cũng tìm lên miền cao săn lùng bán trang phục dân tộc sang các nước láng giềng với giá cao. Tôi tiếc, thậm chí xót xa vì biết một váy áo hoàn thiện không phải một sớm một chiều, nhiều khi là của để dành qua thế hệ.

Vậy là tôi quyết định tìm mua những cái càng nguyên bản càng tốt, cũng là để lưu giữ, để khi cần nghiên cứu, trưng bày, phục dựng các kỹ thuật đan, thêu, xe sợi, dệt, nhuộm, tạo hoa văn… thì có cái đối chiếu theo nguyên bản. Tôi nghĩ đây cũng là một thứ di sản quý, muốn giữ thì phải giữ ngay từ bây giờ, để sang ngày mai có khi lại hối hận vì không còn nữa”.

Gốm Việt và sự kết nối

Sưu tầm gốm Việt cổ, Việt Anh gặp bất lợi là tiếp cận muộn, khi mà đồ vớt biển đã cạn, đồ đào dưới đất lên ngày càng khan hiếm, giá cả của hiện vật cũng đội lên bội phần. Nhưng… lỡ yêu rồi, thật khó để dứt bỏ. Việt Anh nói cái lý khiến chị yêu gốm Việt: “Sống và làm việc ở Sài Gòn, mỗi lần nhìn thấy gốm Việt cổ, tôi có cảm giác như thấy ở đó rất nhiều sự thân quen, ký ức, kỷ niệm, nhất là những món đồ gốm Chu Đậu vẽ cây đa, con chim, con cò, ao sen, bến đò, mái chùa… Vậy là tôi đam mê, và muốn sở hữu cho kỳ được”.

Không chỉ lân la sưu tầm trong nước, các chuyến đi nước ngoài cũng được Việt Anh dành nhiều thời gian cho sưu tầm, tham quan các hiện vật gốm Việt ở bảo tàng thế giới. Việt Anh tự hào: “Mỗi khi gặp hiện vật gốm Việt bày trong bảo tàng nước bạn, tôi có cảm xúc rất khó tả, có gì đó đầy yêu thương và tự hào. Vẻ đẹp mộc mạc của gốm Việt được người đời trân trọng, nâng niu, gìn giữ, chính những chi tiết đấy càng khiến tôi đam mê hơn”.

Nhìn lại bộ sưu tập của Việt Anh, có thể thấy rõ phong cách chơi được phân định thành mảng riêng, gồm dòng gốm từ thời Lý, từ men ngọc, men trắng ngà; đến thời Trần với bộ gốm men xanh ngọc (nước dưa), sang Lê sơ với gốm hoa lam… tập trung vào những hiện vật liên quan đến ẩm thực và trà.

Gốm Trần và bộ trầu cau xưa qua sắp xếp của Việt Anh.

Qua một cuộc chơi với 5 năm sưu tầm, số lượng hiện vật đẹp trên thị trường ngày càng hiếm, Việt Anh lại nảy sinh ý tưởng đúng trong thời Covid hoành hành, ấy là lập chuyên trang có tên Di sản Việt, tập hợp người cùng niềm đam mê di sản không chỉ là gốm, trang phục dân tộc, mà còn có cả đình, chùa, làng quê Bắc bộ, ẩm thực, phong cảnh Việt Nam, nghề thủ công truyền thống, thú vui thưởng trà… những thứ đã hoặc sẽ trở thành di sản của Việt Nam.

Nhóm chơi di sản Việt hình thành từ tháng 3, đến giờ đã có hơn 3.200 thành viên. Việt Anh chia sẻ: “Tôi sưu tầm, nhưng hiện vật sở hữu chẳng là bao, trong khi có rất nhiều nhà sưu tập có hiện vật giá trị muốn chia sẻ cho mọi người chiêm ngưỡng, nên tôi lập chuyên trang để mọi người cùng đam mê gặp nhau, cùng nhau xây dựng, phát triển một sân chơi gắn với khái niệm bảo tồn, phát huy vẻ đẹp của di sản từ những thứ giản đơn, bình dị nhất. Mình cứ xây dựng dần dần, từng bước vì cái gì liên quan đến di sản thì không nhanh vội được. Sân chơi này cũng nhận được không ít tranh cãi, thị phi, mình đón nhận hết và sẵn sàng tiếp thu những ý kiến xây dựng, đóng góp, chia sẻ để câu chuyện về di sản Việt thêm phong phú, đa dạng và có chiều sâu hơn”.

Nhìn trong sân chơi di sản Việt, thấy cũng đủ giới, từ sưu tầm gốm, gỗ, tranh, ảnh, sách, thợ làng nghề, người phục chế, các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh, báo chí, chuyên gia khảo cổ, kiều bào… Điểm dễ nhận thấy là có sự tham gia của đông đảo người trẻ quan tâm đến di sản và những câu chuyện di sản gắn với văn hóa Việt. Những bài viết giới thiệu về phong tục văn hóa Việt Nam, về một hiện vật gốm cổ tâm đắc, về mảng chạm trên vì nách đình làng Việt, hay chỉ giản đơn là những thắc mắc khi chưa rõ ngọn nguồn thông tin… tạo thành chuỗi hoạt động sôi nổi.

Việt Anh bảo: “Tôi muốn đem đến những câu chuyện và hình ảnh đẹp về di sản, về những câu chuyện liên quan đến phong tục, văn hóa truyền thống riêng biệt của Việt Nam để mọi người nhìn vào đó thêm yêu mến, tự hào. Các bạn trẻ có thêm cơ hội được tiếp cận và làm quen với thông tin, hình ảnh, con người cụ thể, từ đó hun đúc ý thức giữ gìn, lan tỏa vẻ đẹp của di sản đến các thế hệ kế tiếp”.

Bài: Ngọc Hòa - Ảnh: Lê Bích

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/truong-viet-anh-da-doan-cung-di-san-viet-25167.html