Trường tư thục không vì lợi nhuận: Không dễ đâu!

Trường tư thục không vì lợi nhuận sẽ góp phần tạo ra nền giáo dục chất lượng cao nhưng theo chuyên gia, ở Việt Nam, mới là hình thức.

Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Trao đổi với báo Đất Việt về mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận, GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, mô hình này sẽ góp phần tạo nên nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi quyền lực hay các lợi ích đặc biệt khác.

Về nguyên tắc, trường tư thục không vì lợi nhuận vẫn thu học phí để đảm bảo cân đối các hoạt động của nhà trường, trong đó đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị cho học sinh học tập; đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên và dư ra phần lợi tức. Phần lợi tức này, một phần trong đó sẽ được sử dụng để tái đầu tư, một phần là lợi nhuận cho các nhà đầu tư, nhưng không nhiều.

GS Phố khẳng định, nếu mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận phát triển nhiều ở Việt Nam thì người học sẽ được học trong môi trường tốt, không phải nơm nớp vấn đề tài chính bởi có các nhà đầu tư hảo tâm không tận thu. Thế nhưng, điều ông lo ngại là liệu vấn đề "phi lợi nhuận" có chỉ là trá hình, thực chất các trường vẫn có thu và vẫn vì lợi nhuận?

"Có hay không việc trường tư thục đồng ý chuyển đổi sang mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận để được tạo điều kiện hoạt động, sau đó họ sẽ tự quyết định lấy, hoạt động theo ý mình, còn phía quản lý không can thiệp, kiểm soát được?", GS.TSKH Phạm Phố băn khoăn.

Vị chuyên gia chỉ ra một số điểm mà ông cho rằng việc thực hiện mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận ở Việt Nam không dễ dàng.

Luật Giáo dục 2019 bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận. Ảnh minh họa

Luật Giáo dục 2019 bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận. Ảnh minh họa

Trước hết, mô hình này đòi hỏi phải có các nhà đầu tư, các mạnh thường quân. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là có trường công lập nào hoạt động phi lợi nhuận không?

"Lây nay, trường tư thục cứ bị chĩa mũi dùi vì chuyện học phí, trong khi trường công lập đẩy học phí lên quá lố, thậm chí còn cao hơn nhiều so với trường tư thục. Đòi hỏi trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, vậy trường công lập có không vì lợi nhuận hay không, hay lấy lý do tự chủ để đổ gánh nặng lên đầu người học?

Hai trọng tâm của một Nhà nước là y tế và giáo dục cho nên Nhà nước phải đầu tư. Một số trường đẩy học phí lên 70-80 triệu đồng/năm làm sao người học có thể theo được? Chúng ta đào tạo không chỉ vì tiền, chất lượng đào tạo cao hay không phụ thuộc và thiết bị tiên tiến và người thầy giỏi để từ đó đào tạo ra người trò giỏi, thành nhân tài của đất nước.

Người dân đóng thuế để đầu tư lại cho dân, không thể lấy lý do tự chủ để đòi tăng học phí như vậy. Nếu cứ để chuyện đó tự do phát triển thì cuối cùng trường công sẽ thu học phí vượt các trường tư thục. Họ dựa vào thế trường công, nói cái gì của trường cũng tốt, nhưng tốt thật hay không thì không ai đánh giá được", nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nhận xét.

Lưu ý không thể coi tư thục như "con rơi", ông cho biết, ở nhiều nước, trường tư thục hoạt động tốt không những được ủng hộ mà còn đầu tư. Đầu tư ấy không phải bằng cách cho tiền mà là đầu tư trang thiết bị, thậm chí nếu trường làm tốt thì sẽ giao cho trường tư thục đó đào tạo cho cả một vùng, như cách ở Thụy Sĩ vẫn làm.

Điểm khác, theo GS Phố, mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận rất phổ biến ở nước ngoài, tự họ làm mà không cần ai quy định. Các trường tư thục ở nước ngoài nhiều khi thu học phí rất cao nhưng người theo học lại rất đông, không thiếu trường hợp sinh viên cũ của trường quay lại đầu tư, tài trợ cho nhà trường, như Đại học MIT, Havard hay Stanford, Yale... vì họ làm đúng.

Còn ở Việt Nam, vị chuyên gia lo ngại vẫn còn mang tư tưởng tận thu nên khó phát triển trường tư thục không vì lợi nhuận, có chăng nó chỉ là danh nghĩa, là lời hô hào mà thôi.

"Trường ký thì cứ ký nhưng sau đó người ta vẫn làm sao để thu đủ bù chi, không bao giờ người ta bỏ tiền không ra được", GS Phố nói và cho rằng, Nhà nước, cụ thể là Bộ GD-ĐT đương nhiên phải có giám sát, nhưng để làm được điều đó lại rất khó bởi đã là trường tự chủ, tự quyết định, ai vào thanh tra?

"Kiểm soát được rất khó, và điều này có thể thấy được trong cuộc tranh luận giữa nhiều trường tư thục, quốc tế và phụ huynh về học phí thời gian qua. Báo chí cũng vào cuộc, nhưng cuối cùng không ai can thiệp được, nhà trường và phụ huynh phải thương lượng với nhau", ông dẫn chứng.

Cho nên, GS Phố bày tỏ quan điểm rằng, ở thời điểm này, Luật Giáo dục đưa ra mô hình trường tư thục không vì lợi nhuận chỉ mang tính hình thức. Bản thân các trường có thể phản bác rằng họ hoạt động không vì lợi nhuận nhưng tại sao Nhà nước vẫn đánh thuế như các trường khác? Không thu đủ tiền làm sao nộp cho Nhà nước, trong khi trường vẫn phải đảm bảo lương cho giảng viên, học bổng cho học sinh, sinh viên, trang thiết bị...? Muốn nộp lại thì phải thu thêm, như vậy xảy ra lợi tức thì thua nhau...

"Chỉ có trường tư thục không vì lợi nhuận đúng nghĩ khi có nhà đầu tư, nhà hảo tâm đứng ra, nhưng trường cũng chỉ phi lợi nhuận một phần, trên cơ sở cắt bớt lợi tức để lại cho trường. Đã là tư thục thì phải có thu, chi và phải có lãi. Bản thân trường công lập cũng phải thu, chi và có lãi mà không phải chịu thuế, vậy tiền ấy đi đâu?", GS.TSKH Phạm Phố chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-tu-thuc-khong-vi-loi-nhuan-khong-de-dau-3409752/