Trường tự thêm mác 'quốc tế' là sai quy định

Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Phạm Quang Hưng cho biết, nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ 'quốc tế' mà trường tự thêm vào là sai quy định.

Liên quan đến việc trường Gateway – trường học để xảy ra sự cố học sinh lớp 1 tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe đưa đón – tự phong là “trường quốc tế”, ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã thông tin về việc quản lý nhà nước đối với trường quốc tế.

Trường Gateway không nằm trong danh sách trường quốc tế. (Ảnh: Huyền Trần).

Ông Hưng cho hay, trong Luật Giáo dục hiện hành không có quy định cụ thể về trường quốc tế.

Luật giáo dục 2005 quy định hệ thống Giáo dục quốc dân có 3 loại hình nhà trường gồm: Trường công lập, trường tư thục và dân lập (trong Luật giáo dục 2019, loại hình dân lập chỉ áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non). Như vậy, theo quy định hiện hành, pháp luật chỉ quy định 3 loại hình trường nêu trên.

Về việc đặt tên trường quốc tế, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế cho biết, việc đặt tên các trường đã được quy định rõ trong Điều lệ trường của các cấp học và NĐ 86/2018/NĐ-CP.

Cụ thể, việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và “tên riêng” và không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

“Khi xem xét hồ sơ thành lập trường, tùy theo cấp học, UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ ‘quốc tế’ mà trường tự thêm vào là trường đã thực hiện sai quy định”, ông Hưng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tên gọi nhà trường chưa nói lên tất cả. Do đó, phụ huynh khi lựa chọn trường cho con em, cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục và ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, học sinh, vốn đầu tư, mô hình quản trị… về nhà trường thông qua nhiều kênh khác nhau như là trang web của trường, của sở giáo dục.

Theo quy định, các thông tin liên quan của nhà trường phải được công khai để người dân được biết.

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Trước thực trạng hiện nay có nhiều trường dạy học bằng chương trình Việt Nam nhưng mạo danh trường quốc tế, Cục trưởng Phạm Quang Hưng cho rằng trách nhiệm kiểm tra, giám sát còn từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào từng cấp học hoặc trình độ đào tạo, căn cứ Quyết định cho phép thành lập, để xác định thẩm quyền kiểm tra, giám sát và trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương hoặc cơ quan quản lý cấp trên.

Ông cho biết, Bộ Giáo dục đã đẩy mạnh, tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm. Từ kết quả rà soát, Bộ sẽ xem xét để hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan.

Mới đây, Thanh tra Bộ Giáo dục đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kiểm tra các trường mang danh quốc tế trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở giáo dục.

Huyền Trần

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/truong-tu-them-mac-quoc-te-la-sai-quy-dinh-84984.html