Trường trung học Nguyễn Duy Hiệu – truyền thống và hiện đại

Đó là chủ đề hội thảo khoa học do Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn- Quảng Nam) tổ chức sáng 31-8 nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Đồng chủ tọa hội thảo có GS.TS Trần Văn Nam- nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cựu HS Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các thầy cô giáo, HS viết tham luận, về tham dự và đóng góp nhiều ý kiến, góc nhìn mới.

Nhà giáo Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cựu HS Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu - phát biểu tại hội thảo.

Nhà giáo Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cựu HS Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu - phát biểu tại hội thảo.

Với 8 tham luận cùng nhiều ý kiến phát biểu, hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu và Nghĩa hội Quảng Nam; về thành tựu của nhà trường qua 60 năm xây dựng và phát triển... Theo đó, trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu được các tiền nhân xây dựng trên mảnh đất thiêng- nơi vào năm 1887, thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam, nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu đã bị bêu thủ cấp sau khi bị xử chém ở An Hòa (Huế). Trường khai giảng khóa đầu tiên vào năm 1958 với tên gọi Trường Trung học Bán công Nguyễn Duy Hiệu. Trải qua các thời kỳ, nhà trường đã mấy lần thay đổi tên gọi. Mãi đến thập niên 80 của thế kỷ trước, sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời bấy giờ là bà Nguyễn Thị Bình, trường được trả về đúng tên gọi ban đầu là Trường trung học Nguyễn Duy Hiệu. Trong suốt 60 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ thầy trò trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu đã khẳng định được uy tín, thương hiệu của nhà trường, góp phần quan trọng trong việc kế tục và vun đắp truyền thống hiếu học, học giỏi của H.Điện Bàn. Từ ngôi trường này đã tạo nền tảng, bệ phóng ban đầu góp phần đào tạo những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều nhà quản lý tâm huyết, đổi mới, nhiều nhà giáo mẫu mực, tài năng; nhiều doanh nhân thành đạt;… có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học cho quê hương, đất nước.

Có thể nói, bằng tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với nhà chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà giáo... đã tìm tòi, phát hiện, cung cấp thêm một số tư liệu mới từ văn bản chữ Hán, từ ký ức dân gian và tác phẩm văn học hiện đại. Cùng với nguồn tư liệu đã có từ trước, các phát hiện mới này cùng những góc nhìn nhận mới của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà giáo ...đã góp phần khắc họa rõ nét hơn nhân cách, phẩm chất và khí phách của nhà giáo- nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu. Bởi, trước khi trở thành thủ lĩnh của Nghĩa hội Quảng Nam, ông là thầy giáo tài năng, được tín nhiệm giao trọng trách dạy học cho con vua. Khi trở thành thủ lĩnh Nghĩa hội, ông là một thủ lĩnh có tầm nhìn sáng suốt, hành động quyết liệt, kiên quyết chống thực dân Pháp và các thế lực tay sai. Nguyễn Duy Hiệu còn là một thủ lĩnh đầy quyết đoán, sáng suốt khi thất thế, giải tán Nghĩa hội, nhận tất cả trách nhiệm về mình để tránh cho đồng chí, đồng bào khỏi rơi vào chết chóc, tù đày, cũng như để giữ gìn lực lượng mưu tính về sau. Nhân cách, phẩm chất và khí phách của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Duy Hiệu đã được nhà cách mạng Phan Bội Châu viết trong "Việt Nam vong quốc sử" (Hoàng Xuân Hãn dịch) như sau: "… nhà tang không đói, thân chết không lo, chỉ khư khư bảo tồn đảng để ngày sau mưu toan việc nước", "trong mắt, trong bụng… chỉ có Tổ quốc, đồng bào mà thôi, can tràng bậc ấy thật là trời đất kính, thần quỷ phục" (theo tham luận của TS. Nguyễn Hoàng Nhân)...

Trên cơ sở đánh giá những giá trị riêng biệt về lịch sử, văn hóa cũng như truyền thống dạy-học với nhiều thành tựu nổi bật của trường THPT Nguyễn Duy Hiệu có tuổi đời 60 năm tuổi này, hầu hết các tham luận cũng như các ý kiến đóng góp tại hội thảo đều khẳng định: Ngôi trường là một địa điểm có ý nghĩa văn hóa cần được bảo vệ trên tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị của nó. Theo đó, các đại biểu tham dự hội thảo khuyến nghị đến các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và có trách nhiệm của Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, của thị xã Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam một số nội dung cụ thể sau: Tiếp tục có chủ trương và tổ chức nghiên cứu mới về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu và Nghĩa hội Quảng Nam. Song song đó, cần có phương thức giáo dục hiệu quả về tấm gương yêu nước, nhân cách, khí phách của anh hùng Nguyễn Duy Hiệu cho HS Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu nói riêng, HS Quảng Nam, Điện Bàn nói chung. Mặt khác, cần phát huy truyền thống hiếu học, học giỏi, dạy - học có chất lượng của Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu trong HS, giáo viên của nhà trường hiện nay; phấn đấu trở thành trường đi đầu về chất lượng dạy - học của tỉnh Quảng Nam.

Đặc biệt, trên cơ sở xác định Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu là một địa điểm có ý nghĩa văn hóa cần được bảo vệ và có ứng xử thận trọng, theo khuyến nghị, việc đầu tư nâng cấp và phát triển nhà trường cần dựa trên các quan điểm về bảo tồn giá trị văn hóa, đổi mới giáo dục và phát triển bền vững. Theo đó, trong mọi quy hoạch phát triển của thị xã Điện Bàn hiện nay và sau này, phải ưu tiên giữ lại ngôi trường THPT Nguyễn Duy Hiệu ở vị trí hiện tại. Đồng thời, cần huy động nguồn lực của chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp, cựu HS,…để mở rộng diện tích tại chỗ, nâng cấp cơ sở vật chất, cảnh quan, trang thiết bị cho Trường và đúc tượng đồng anh hùng Nguyễn Duy Hiệu thay thế cho tượng bằng bê tông - cốt thép hiện tại. Xây dựng cơ sở 2 của trường, gồm sân bóng, bể bơi, nhà đa năng,… và các trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

T.H

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_194687_.aspx