Trường top Hà Nội giảm 10 điểm chuẩn THPT: Chuyện may rủi

Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, việc tuyển sinh bao giờ cũng có chuyện may rủi. May rủi của cá nhà trường và của cả thí sinh.

Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019 - 2020. Trong đó có 37 trường THPT công lập không chuyên trên địa bàn phải hạ điểm chuẩn để tuyển bổ sung.

Điều khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ khi Trường THPT Thăng Long - một trường đứng đầu trong danh sách top đầu các trường THPT ở Hà Nội đã hạ mức điểm chuẩn bổ sung chỉ còn 30 điểm.

Trao đổi với PV trước thông tin trên, ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, mỗi trường có một chiến lược phát triển riêng, có những trường tập trung vào chất lượng, có những trường tập trung vào số lượng. Điều này có thể thay đổi theo thời gian.

Ông Tùng cho hay, dựa vào số đăng ký, số nguyện vọng của thí sinh vào trường ban đầu. Sau khi có điểm của thí sinh rồi sẽ dựa vào đó quyết định nên lấy ở ngưỡng điểm nào để an toàn cho đủ thí sinh đăng ký vào trường. Tính như vậy nhưng nhiều khi không chính xác vì các thí sinh còn đăng ký nguyện vọng ở các trường khác.

"Khi hết thời hạn tuyển sinh vẫn không tuyển đủ thì trường lại hạ điểm chuyển để tiếp tục tuyển sinh. Hạ quá nhiều thì hơi kỳ cục.

Cũng không có quy định nào cấm việc không được hạ quá số điểm bao nhiêu, chỉ có điểm liệt không được hạ xuống thấp hơn điểm đó", TS Tùng cho biết.

Nhiều trường THPT giảm điểm chuẩn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu

Nhiều trường THPT giảm điểm chuẩn thấp để tuyển đủ chỉ tiêu

Ông Tùng nhìn nhận: "Đối với trường THPT Thăng Long số điểm đặt ra không cao nhưng vẫn không tuyển đủ số lượng. Trường phải dựa trên số lượng các học sinh đăng ký vào trường bao nhiêu, nguyện vọng ra sao để hạ điểm chuẩn, chứng tỏ việc trường làm kế hoạch không được sát lắm.

Nhưng điều này cũng rất khó khi cho học sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, như vậy học sinh có thể đăng ký trường này khá đông nhưng sau đó lại không vào trường mình đăng ký ban đầu, đó là nguyện vọng ảo, điều này rất phức tạp.

Sở Giáo dục quản lý rất chặt, tuyển sinh không được vượt quá nhưng tuyển thiếu cũng rất khó. Các trường nếu để để điểm chuẩn thấp quá, không may học sinh đăng ký đông thì rách chuyện, còn để điểm quá cao lại không tuyển đủ thì cũng khó".

Những trường được đánh giá cao, học sinh sẽ ưu tiên lựa chọn đăng ký nên trường chỉ việc lựa chọn thí sinh điểm từ cao xuống thấp, số lượng sẽ dôi. Với những trường khác còn phụ thuộc vào học sinh dựa theo điểm thi, chọn theo nguyện vọng nên con số có nhiều biến động, giống như thi Đại học nên con số tuyển sinh sẽ chênh lệch so với kế hoạch đặt ra.

Theo TS Tùng, điểm khác biệt giữa tuyển sinh cấp THPT, chương trình đạo tạo giống nhau, tất nhiên trường này đạo tạo tốt hơn trường kia nhưng thực ra cuối cùng cũng học ngần ấy môn để thi đại học. Chương trình học phổ thông cùng 1 nội dung học, vì nó chỉ là bậc học phổ thông nên các em năng lực ở mức độ nào đó vẫn có thể theo đuổi.

"Vì vậy, mới vào lớp 10 đã để nguyện vọng này, nguyện vọng kia nghe hơi kỳ cục. Bắt các em phải chọn cái gì đấy, tạo ra sự khác biệt giữa các trường.

Lẽ ra, đối với trường công, trường nào kém thì phải điều giáo viên giỏi về, hiệu trưởng giỏi về để nâng chất lượng lên. Ở mình lại thường ngược lại, những trường tốt thì lại càng càng điều giáo viên dạy giỏi về, trường kém hơn thì giáo viên tầm tầm.

Còn đối với trường tư, họ cần tạo ra giá trị gia tăng, sự cạnh tranh, kinh doanh dịch vụ, thu hút học sinh thì nó lại khác. Còn trường công học phí thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại cố nhấn mạnh sự khác biệt các nguyện vọng, trong khi đây chỉ là giáo dục phổ thông", vị chuyên gia nói.

Cũng theo TS Tùng, nếu tính tổng chỉ tiêu học sinh vào các trường thì đủ nhưng việc tạo ra sự khác biệt đã khiến cho việc tuyển sinh phức tạp. Học sinh, phụ huynh cũng phải đau đầu việc nên đăng ký ở đâu? Việc tuyển sinh nên áp dụng việc đăng ký theo địa bàn, học sinh sống ở đâu đăng ký ở đó, cũng tránh việc học sinh phải học xa nhà.

Đối với cấp đại học thì khác, mỗi trường dạy theo phong cách, nội dung của mình, kể cả khi cùng một ngành. Từ đó học sinh cần tự định hướng nghề nghiệp cho mình để chọn trường cho phù hợp.

Trước ý kiến cho rằng, việc trường THPT Thăng Long bất ngờ hạ thấp điểm chuẩn có phải đã lấy đi cơ hội của nhiều học sinh khi không dám đăng ký vào trường vì trước đó điểm chuẩn khá cao, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, việc tuyển sinh bao giờ cũng có chuyện may rủi. May rủi của cá nhà trường và của cả thí sinh.

"Điểm chuẩn các trường còn phụ thuộc vào dòng chảy của học sinh, năm trước thí sinh thi vào rất đông trường phải đặt điểm chuẩn cao nhưng năm sau nhiều học sinh, phụ huynh thấy cao lại không dám đăng ký nên lại hạ điểm chuẩn. Trường không có lỗi trong việc này, trường cũng buộc phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ", TS Tùng phân tích.

Theo ông Tùng, trong việc này có một thực tế chỉ ra rằng, những trường có điểm chuẩn cao tưởng chừng như đang chạy theo chất lượng nhưng thực chất khi ít thí sinh lại phải hạ điểm chuẩn thấp. Điều đó chứng tỏ họ đã gạt đi chất lượng để chạy theo số lượng, tuyển đủ chỉ tiêu.

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/truong-top-ha-noi-giam-10-diem-chuan-thpt-chuyen-may-rui-3382542/